Để có những không gian nghệ thuật tương tác - Tương tác trong không gian kiến trúc

Lượt xem: 3366
3/5/2019 0:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài và ảnh tư liệu KTS Vĩnh Đức, KTS Tuấn Hà

Từ những ngày đầu của cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ trước, các văn hào đã dự đoán về một không gian tương lai, nơi máy móc có khả năng giao tiếp với con người và thế giới ảo phát triển vượt trội.

 
Vòm sen (nhóm thiết kế  Studio Roosegaarde, Pháp) – “mái vòm sống” được tạo thành từ hàng trăm bông hoa bằng nhôm siêu nhẹ, có khả năng phát sáng, đóng mở dựa trên cảm ứng về sự di chuyển của người xung quanh, luôn tỏa ra ánh sáng về phía người tham quan
 
Ngày nay, những thành tựu khoa học có sức ảnh hưởng toàn cầu như mạng internet, máy tính, điện thoại thông minh... đã và đang dần biến những giấc mơ đó thành sự thật. Tuy nhiên, chính chúng cũng khiến con người ngày càng vùi sâu vào thế giới cá nhân và ít tiếp xúc với nhau hơn. Với động lực sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật giúp kết nối cộng đồng, các nghệ sĩ trên thế giới đã sử dụng chính những thành tựu công nghệ - kỹ thuật đó để tạo ra một hình thức nghệ thuật mới - dưới dạng những không gian có chức năng trao đổi, gắn kết và giao tiếp: đó chính là kiến trúc tương tác.
 
1. Kiến trúc tương tác và tư duy thiết kế tương tác
Dưới các dạng thức phổ biến là trưng bày triển lãm và nghệ thuật sắp đặt, kiến trúc tương tác cung cấp những không gian hoặc kết cấu mang tính kết nối thân thiện cho mọi đối tượng, với mục đích cơ bản là giải trí và lan truyền ý tưởng. Sự giao tiếp giữa khán giả và không gian kiến trúc có thể là tương tác vật lý (chạm, di chuyển, đổi vị trí...) hoặc tương tác cảm ứng (nhiệt độ, ánh sáng, âm thanh...), trực tiếp hoặc qua trung gian (điện thoại, máy tính). Ở bất kỳ mức độ nào, mục đích của kiến trúc tương tác là khuyến khích chúng ta rời khỏi vỏ bọc cá nhân và tham gia vào những nhóm xã hội lớn hơn, ví dụ như cùng nhau phối hợp di chuyển để thắp sáng những đám mây đèn led trong gian trưng bày bảo tàng, hoặc chạy bộ để tạo ra sự di động của một tác phẩm điêu khắc trong công viên... chẳng hạn.
Ngoài chức năng xã hội, kiến trúc tương tác còn mang lại nhiều lợi ích khác. Với đặc điểm hấp dẫn và bắt mắt, một không gian tương tác dùng để quảng bá sản phẩm sẽ thu hút được nhiều khách hàng hơn. Chúng cũng cung cấp những hình thức trưng bày mới: người xem không chỉ nhìn - đọc vật phẩm mà còn có thể tiếp thu dưới dạng 3D (trải nghiệm câu chuyện, sờ nắm vật phẩm ảo - hologram) hoặc 4D (tương tác với vật phẩm, nhân vật). Rõ ràng một bảo tàng với những gian triển lãm như thế sẽ bớt đi tính hàn lâm và thu hút hơn rất nhiều, dù nội dung cơ bản của bảo tàng vẫn không thay đổi. Trong lĩnh vực biểu diễn, không gian tương tác với hệ thống âm thanh - ánh sáng linh hoạt sẽ mang đến nhiều hiệu ứng độc đáo, giúp khán giả hòa mình vào vở diễn, từ đó tăng thêm khả năng cảm thụ nghệ thuật. Ở mức độ dịch vụ giải trí, hiện nay một số bar - café hay nhà hàng có đầu tư về thiết kế đã tạo ra nhiều khu vực, không gian mang tính tương tác nhờ ánh sáng, bộ cảm ứng, âm nhạc... thay đổi theo đối tượng tiếp xúc và thời tiết khá thú vị. Có thể nói, kiến trúc tương tác mang đến những trải nghiệm độc đáo, phù hợp với xu hướng phát triển nghệ thuật nơi công cộng trên thế giới hiện nay.
 

Triển lãm nghệ thuật tương tác “Quên lãng nên thơ” - nghệ sĩ Phan Thảo Nguyên, khu nghệ thuật đương đại, TP.HCM - 2017

 
Do chính những đặc tính trên, kiến trúc tương tác đòi hỏi hai yếu tố quan trọng: nơi chốn và xử lý kỹ thuật phù hợp. Về nơi chốn, kiến trúc tương tác tuy xa mà gần, vì dường như có thể được thực hiện ở bất cứ đâu, từ công viên, sảnh trường đại học, sân khấu biểu diễn, gian trưng bày, hội chợ nghệ thuật... cho đến phòng ốc trong quán xá, nhà ở tư nhân, miễn sao không gian đó đủ điều kiện xử lý kỹ thuật và mang lại hiệu quả trong tương tác, đúng như tên gọi của nó. Về xử lý kỹ thuật, bên cạnh hệ thống kỹ thuật cơ bản của kiến trúc thông thường, kiến trúc tương tác đòi hỏi hệ thống kỹ thuật điều khiển thông minh, kết nối kỹ thuật cao đi kèm. Điều kiện này tạo ra áp lực không nhỏ cho cơ sở hạ tầng nói chung và hệ thống M & E sử dụng cho công trình nói riêng. Tuy nhiên, do đặc điểm sử dụng công nghệ máy tính là chủ yếu, nên những cải tạo cần có trong phần cứng công trình chủ yếu là tạo ra “nguồn” kỹ thuật - nằm ở đường dây và đường ống - không tác động nhiều đến kết cấu cơ bản cũng như hình dạng công trình. 
Ngoài ra, việc để một công trình cũ hoặc công trình “chưa có tính tương tác tốt” được biến đổi, cải tạo theo hướng thông minh hơn, tương tác cao hơn thì thực tế chỉ cần xử lý một lần nhưng lại mang đến hiệu quả linh hoạt cao, vì các cấu trúc tương tác có khả năng lắp ghép và tháo dỡ nhanh chóng. Tức là khi thay đổi sang hình thức tương tác khác, sự kiện khác, đối tượng khác... về cơ bản không phải sửa chữa, cải tạo toàn bộ công trình vì mạng thông minh hoàn toàn có thể lập trình và thay đổi kết nối. Thực tế, các kiến trúc tương tác ở Anh, Mỹ, Singapore... hầu hết được lắp đặt trong “vỏ” là các tòa nhà kết cấu cũ như bê tông hoặc thép, thậm chí cả kết cấu gạch đá, vốn là các bảo tàng, trung tâm nghệ thuật đã có tuổi, và hạ tầng cho tương tác chỉ chiếm một phần diện tích nhỏ trong công trình.
Ngày nay, kiến trúc tương tác ngày càng phát triển rộng khắp trên toàn thế giới, gắn liền với một tư duy thiết kế mới, coi trọng ba yếu tố: dự đoán, kịch bản và công nghệ. Đó chính là tư duy tương tác. Người kiến trúc sư không chỉ thiết kế không gian, mà còn phải sáng tạo ra kịch bản cho không gian đó tương tác với người sử dụng, dựa trên dự đoán về hoạt động của họ và ứng dụng khoa học công nghệ. Để làm được như vậy, cần có sự phối hợp của 4 bên: chủ đầu tư, nhà thiết kế, nhà chuyên môn trong lĩnh vực biểu diễn hoặc trưng bày và nhà tài trợ. Thật vậy, những thiết kế tương tác trên thế giới có sự đóng góp rất lớn từ các nhà tài trợ - các tập đoàn công nghệ hàng đầu (Apple, Samsung, LG...). Bên cạnh ý nghĩa giáo dục về môi trường, xã hội... kiến trúc tương tác cũng góp phần quảng bá sản phẩm của nhà tài trợ qua hệ thống đường dây, âm thanh, ánh sáng, công nghệ cảm ứng. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của kỹ thuật hiện đại trong kiến trúc tương tác, sánh ngang với vai trò sáng tạo của kiến trúc sư.
 
Body Movies, Hà Lan, 2001 - hình ảnh của người đi đường được sử dụng trực tiếp lên mặt đứng công trình như một tác phẩm nghệ thuật
 
Breakdown, Mỹ, 2014 - tác phẩm múa tương tác với hệ thống ánh sáng
 
2. Tiềm năng ứng dụng kiến trúc tương tác tại Việt Nam
Kiến trúc tương tác có tiềm năng lớn trong bối cảnh xã hội Việt Nam. Do các sản phẩm công nghệ cao vẫn đang có sức “nóng” trên thị trường, cộng với tâm lý hiếu kỳ của người dân, nên chắc chắn không gian trải nghiệm tương tác sẽ thu hút sự chú ý lớn. Với đặc điểm phù hợp với mọi đối tượng và dễ dàng lắp đặt, về mặt xã hội, kiến trúc tương tác sẽ giúp kết nối cộng đồng, giảm bớt sự thụ động và tạo ra nhiều sân chơi cho người dân, đặc biệt là giới trẻ và du khách. Về mặt kinh tế, kiến trúc tương tác sẽ góp phần quảng bá sản phẩm, thu hút người sử dụng vào các công trình văn hóa công cộng như bảo tàng, nhà hát, nhà văn hóa vốn vắng vẻ. Về mặt thiết kế - xây dựng, kiến trúc tương tác sẽ giúp thay đổi tư duy thiết kế, chuyển hóa không gian kiến trúc từ “cứng” sang “mềm” - linh hoạt hơn, hiện đại hơn, từ đó tạo điều kiện phát triển hệ thống kỹ thuật - công nghệ sao cho đồng bộ và tiện lợi. Có thể nêu ra bốn hiệu quả cơ bản của kiến trúc tương tác nếu chúng ta biết thích ứng như sau:
1. Giảm diện tích: các gian triển lãm trong nhà trưng bày, bảo tàng sẽ không tốn quá nhiều diện tích cho giao thông, tủ kính và bảng giới thiệu, chữ thuyết minh... thay vào đó là các hologram tương tác, các đoạn phim ngắn và âm thanh giới thiệu, các hiệu ứng trong không gian trải nghiệm với diện tích bất kỳ và vừa đủ, có khả năng thay đổi linh hoạt theo chủ đề hàng tháng và số người có mặt. Khi hình thức trưng bày được thay đổi hấp dẫn hơn theo hướng công nghệ hóa chắc chắn khả năng thu hút khách sẽ tăng cao hơn.
2. Giảm chi phí hoàn thiện: không gian biểu diễn như nhà hát, sân khấu thay vì dùng phù điêu, thạch cao, màn vải để trang trí chi tiết, giờ đây có thể thay thế bằng hệ thống âm thanh, ánh sáng linh hoạt, với hệ đường dây, đường ống, kỹ thuật phụ trợ có tiêu chuẩn quốc tế, không phải dạng “tự biên, tự diễn”. Thực tế, chính những chi tiết trang trí cầu kỳ của các nhà hát, hội trường, triển lãm theo kiểu cũ đã gây ra nhiều khó khăn trong việc lắp đặt hệ thống kỹ thuật hiện đại theo yêu cầu của nghệ sĩ hoặc nhà sản xuất. Bằng cách chủ động thay thế phần cứng (cứng nhắc, cố định) bằng phần mềm (kỹ thuật số, linh hoạt), các nhà hát sẽ có điều kiện tổ chức các buổi biểu diễn hoành tráng, hiện đại, thời gian tổ chức, chuẩn bị kỹ thuật rút ngắn, gián tiếp giảm được chi phí. 
3. Giảm tác động vào môi trường: các không gian đô thị như quảng trường, công viên thay vì bê tông hóa kiểu ốp lát gạch đá cứng nhắc thì trong không gian kiến trúc tương tác hoàn toàn có thể thay thế bằng dạng “hoàn thiện mềm”, với vật liệu tái chế, giữ lại nhiều bề mặt tự nhiên như thảm cỏ, mặt nước... và biến chúng thành “sân khấu” với âm thanh, ánh sáng, nhạc nước... tạo ra sự tươi vui, hấp dẫn người dân, kích thích sáng tạo. Ở một số quốc gia trên thế giới, các không gian này còn được tận dụng để lan truyền những thông điệp giáo dục về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới...
 
Son-O-House, Hà Lan năm 2000-2004 - một không gian có khả năng “học” âm thanh, bằng cách cảm ứng chuyển động của người tham quan và tạo thành âm thanh, sau đó ghi nhớ và ghép nối thành những chuỗi giai điệu 
 
Tại Hà Lan: Không gian tương tác với những sợi ánh sáng làm bằng sợi tổng hợp, sẽ sáng lên khi phản ứng với âm thanh (30%) và cử động (70%) của người tham quan
 
4. Thay đổi cơ cấu không gian: với những đặc điểm nêu trên, các hiệu quả trong kiến trúc tương tác về lâu dài sẽ tạo nên sự thay đổi về cơ cấu, sẽ định nghĩa lại một số thể loại công trình. Trung tâm sinh hoạt văn hóa, nhà thiếu nhi sẽ có thêm yếu tố giáo dục thông qua các trò chơi tương tác - thay vì vẫn quanh quẩn ở tổ hợp các lớp học, hội trường. Thậm chí các không gian giao thông đô thị như ga tàu điện, quảng trường, công viên... cũng có thể trở thành không gian tương tác với công nghệ chứ không chỉ là những nơi ghé ngang để đi và đến đơn thuần. Trong các không gian sinh hoạt nghệ thuật như bảo tàng, rạp hát, một số nguyên tắc mang tính kinh điển trong dây chuyền tham quan, tiêu chuẩn tầm nhìn sẽ có thể biến đổi khi khách thưởng lãm tương tác theo các kịch bản khác nhau, với kính thực tế ảo, sàn cảm ứng, không gian có mùi... mà những phòng chiếu phim 3D, 4D hiện nay đã thực hiện.
Tuy sở hữu tiềm năng lớn, ở nước ta hiện nay vẫn chưa thực sự xuất hiện không gian kiến trúc tương tác nào, dù có rất nhiều dự án nghệ thuật tương tác trong lĩnh vực hội họa và trình diễn hình ảnh số. Có thể nêu ra ba lý do chính, đó là (1) hạn chế về kỹ thuật - công nghệ, (2) thiếu không gian cho kiến trúc tương tác và (3) thiếu nhà đầu tư, nhà tài trợ. Về lý do kỹ thuật, thật ra không thiếu những nghệ sĩ và kiến trúc sư trẻ có khả năng tìm tòi chế tạo, chuyển hóa những kiến thức công nghệ thành sản phẩm. Nhưng bản thân các không gian triển lãm và nghệ thuật hiện nay không có được “nguồn” công nghệ đầu vào đầy đủ, về cả cơ sở hạ tầng và năng lượng, do đó vẫn chưa có một nơi chốn phù hợp dành cho kiến trúc tương tác. Mặt khác, mối liên hệ giữa người nghệ sĩ - kiến trúc sư và nhà tài trợ - chủ đầu tư dường như vẫn chưa hình thành. Việc này đòi hỏi các nhà đầu tư phải nhìn thấy tiềm năng của kiến trúc tương tác, và người nghệ sĩ phải chủ động hơn.
Tóm lại, kiến trúc tương tác khi được nghiên cứu, ứng dụng, phát triển một cách phù hợp sẽ có giá trị xã hội cao, kiến tạo nên những không gian nghệ thuật mới lạ, hấp dẫn, đi kèm với nhiều ưu điểm như phù hợp thời đại, ít ảnh hưởng cấu trúc công trình, giảm chi phí hạ tầng và chi phí hoàn thiện. Tuy vậy, một không gian tương tác ra đời đòi hỏi sự đầu tư bài bản và sáng tạo về công nghệ kỹ thuật, khả năng vận hành và hiệu quả kinh tế đi kèm từ nguồn tài trợ hợp lý. Người viết tin rằng khi đến thời điểm các yếu tố xã hội , kinh tế, kỹ thuật và nhất là con người phù hợp thì việc kiến tạo ra không gian tương tác tại Việt Nam hoàn toàn nằm trong tầm tay của người thiết kế trẻ, miễn là biết cách tiếp nhận kinh nghiệm đi trước của thế giới một cách thông minh, chọn lọc, hiệu quả.
 
 
Khán giả trải nghiệm tương tác với không gian 3D bằng kính thực tế ảo tạo TP. HCM
 

Bảo tàng Denver, Mỹ - Không gian trưng bày tương tác về sức khỏe, giúp người tham quan tự nhận biết tình hình sức khỏe của mình

 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 133