Để có những không gian nghệ thuật tương tác - Tương tác trong nghệ thuật

Lượt xem: 2013
26/4/2019 0:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài và ảnh tư liệu KTS Vĩnh Đức - KTS Tuấn Hà

Vào dịp cuối tuần, theo chân giới trẻ TP.HCM đi đến các điểm vui chơi phổ biến, dường như tất cả đều đổ vào các trung tâm thương mại, phố đi bộ và vài công viên có tổ chức lễ hội, chợ phiên. Các hoạt động này đều mang tính chất mua sắm, hoặc đơn giản là “check in” lên mạng xã hội, hầu như không có bóng dáng sinh hoạt văn hóa nghệ thuật.

 

 

Sân khấu Idecaf – mô hình sân khấu hiệu quả, ăn khách tại TP.HCM

 
 
Thực tế, TP.HCM đứng đầu cả nước về số lượng tụ điểm văn hóa, với 10 bảo tàng, 47 nhà văn hóa và 30 sân khấu biểu diễn, nhưng hệ thống này hầu như không nhận được hưởng ứng từ công chúng. Dù thành phố không thiếu nghệ sĩ trẻ, các trải nghiệm nghệ thuật nổi bật và các vở kịch hút khách, nhìn chung lại chưa tạo ra được sự cộng hưởng từ cả công chúng lẫn giới chuyên môn, khiến giới trẻ và du khách nước ngoài đều không có nơi vui chơi. Vấn đề then chốt chính là chất lượng của các không gian sinh hoạt nghệ thuật chưa đạt được ba tính chất: hiện đại, hữu ích và tương tác. Đây là quan niệm tích hợp và tương hỗ: tụ điểm văn hóa không chỉ phục vụ giới trẻ, dân chúng, mà còn đóng góp cho du lịch, cảnh quan, giáo dục và liên hệ trực tiếp đến việc nâng cấp cũng như kiến tạo hệ thống công trình công cộng, giúp thành phố trở thành một đô thị đáng sống.
 
1. Nghệ thuật tương tác - dễ mà khó
Nếu liệt kê các tụ điểm nghệ thuật có khả năng hút khách lâu dài ở TP.HCM, có thể kể đến vài phòng trà ca nhạc và sân khấu có kích thước trung bình - nhỏ, ví dụ như sân khấu kịch Idecaf. Đặc điểm chung của các tụ điểm này là số lượng khán giả vừa phải (từ vài chục đến khoảng 300 người mỗi show diễn), hình thức biểu diễn linh hoạt, và nổi bật nhất chính là sự tương tác giữa người nghệ sĩ và khán giả. Ở các phòng trà ca nhạc, tương tác là các chương trình hát theo yêu cầu, hát với nhau. Ở sân khấu kịch, tương tác là sự linh hoạt của diễn viên, sự sắp xếp có chủ đích của kịch bản, giúp khán giả trở thành một phần của vở diễn, góp phần đẩy cảm xúc của vở diễn thăng hoa. Như vậy, phải chăng một không gian biểu diễn có kích thước vừa đủ cho sự tương tác chính là mô hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật lý tưởng cho một đô thị trẻ  - TP.HCM?
Nhìn rộng ra thế giới ngày nay, ngay cả các loại hình nghệ thuật có tính hàn lâm cao như giao hưởng thính phòng hay vũ kịch cũng đang tìm kiếm sự tương tác với khán giả, để mở rộng phạm vi đối tượng thưởng thức phù hợp với giới trẻ. Hình ảnh những sân khấu hoàng gia quý tộc đã lùi lại, nhường sân cho những buổi diễn tràn đầy hứng khởi và tiếng cười. Các nghệ sĩ tìm kiếm sự sáng tạo bằng thay đổi (so với nghệ thuật biểu diễn hàn lâm)  trong động tác, trang phục, tiết tấu, thậm chí là nội dung tiết mục, để khán giả trẻ có thể tiếp cận nghệ thuật hàn lâm tự nhiên và thích thú hơn. Sự tương tác đạt được giữa nghệ sĩ và khán giả, dù chỉ là nụ cười, ánh mắt, tràng pháo tay hay những cuộc trò chuyện giao lưu, đều góp phần giúp cho tác phẩm trở nên gần gũi và sinh động.
Nhìn về truyền thống và hiện tại, sự tương tác không hề là một yếu tố mới lạ trong nghệ thuật Việt Nam. Chèo - một trong những loại hình nghệ thuật dân tộc - vốn bắt nguồn từ không gian sân đình bốn bề để trống. Người diễn vốn là người xem bước ra sân khấu, người xem nhiều lúc lại là người đồng diễn, đồng thanh hát lại, nói đế, hòa theo câu hát của diễn viên. Tương tự như vậy, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ vốn có tính ngẫu hứng, với ban đờn ca là bạn bè, chòm xóm. Không gian biểu diễn linh hoạt, có khi là dưới tán cây, trên ghe thuyền, sau mùa thu hoạch hay trong đêm trăng sáng, vì không đòi hỏi sự cầu kỳ nghiêm túc nên có tính tương tác và ứng biến rõ ràng. Với nền văn hóa mà yếu tố dân gian đóng vai trò chủ đạo, thật khó tìm ra loại hình nghệ thuật truyền thống nào phù hợp với các sân khấu lớn, sang trọng kiểu phương Tây. Nói cách khác, yếu tố tương tác đã có sẵn trong văn hóa truyền thống nước ta, và luôn chờ đợi sự khai thác phù hợp. Thậm chí ngay cả các game show truyền hình hiện nay, dù chưa bàn đến nội dung, về cơ bản vẫn là tạo nên những sân chơi mang tính tương tác, nếu chỉ là dạng hỏi đáp, hay trình diễn một phía chắc chắn sẽ rất ít khán giả.
Một cách khái quát, thế giới hiện nay đã định nghĩa tác phẩm nghệ thuật tương tác được tạo thành từ bốn yếu tố mấu chốt sau đây:
+ Thứ nhất, sự thay đổi hình thức song hành nội dung: từ một “món ăn” đã chế biến trở thành một tổ hợp những nguyên liệu vừa mới được “tinh chế”, sau đó chính khán giả và người nghệ sĩ sẽ cùng nhau “nấu” những nguyên liệu đó và hoàn thiện bữa tiệc nghệ thuật.
+ Thứ hai, sự thay đổi vị trí của người sáng tạo: từ người biểu diễn thuần túy sang người thiết kế quá trình tạo thành tác phẩm, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có khả năng tưởng tượng và xây dựng kịch bản tương tác với khán giả đạt được hiệu quả.
+ Thứ ba, sự thay đổi vai trò của khán giả: từ người thưởng thức sang người tham gia trực tiếp vào quá trình tạo thành tác phẩm, phù hợp với khán giả ngày càng chủ động hơn, có trình độ thưởng thức nghệ thuật cao hơn.
+ Thứ tư, sự thay đổi phương tiện tạo thành tác phẩm: có sự tham gia của máy móc, công nghệ số, tiêu biểu có thể kể đến thể loại nhạc điện tử EDM, sự hiện đại hóa dàn âm thanh ánh sáng, công nghệ trình chiếu 3D…
Như vậy, để có được yếu tố tương tác trong nghệ thuật không hề khó, và chúng ta vẫn đang “thực hành” nghệ thuật tương tác mỗi ngày một cách dễ dàng. Khi một tác phẩm được đưa lên mạng xã hội và nhận được những bình luận trái chiều, chính tác phẩm đó đang tương tác với khán giả. Khi một ban nhạc ra đường phố để biểu diễn cho công chúng, chính họ đang tương tác với người nghe trực tiếp và hiệu quả. Các nghệ sĩ trẻ ngày càng thành thạo việc tương tác với sự trợ giúp của công nghệ, nên có thể tạo ra các “làn sóng” hâm mộ cuồng nhiệt. Cái khó ở đây chính là sự công nhận dành cho nghệ thuật tương tác, thông qua một không gian biểu diễn phù hợp, thời gian thưởng thức cụ thể, với đối tượng khán giả rõ ràng và sự đầu tư nghiêm túc, thay vì cứ mải miết chạy theo các không gian nghệ thuật hàn lâm không còn hợp thời.
 
 
 
 
Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam - gắn liền với bối cảnh ao làng, sân đình
 
 
Show diễn Between Us, khiêu vũ tương tác, TP.HCM 2016 - Sabra Johnson, John Huy Trần
 
 
Ravolution Music Festival - lễ hội âm nhạc điện tử, TP.HCM 2016
 
2. Không gian nào dành cho nghệ thuật tương tác?
Mỗi loại hình nghệ thuật ở mỗi thời đại khác nhau đều cần có không gian trình diễn phù hợp, hay nói cách khác là “nồi nào vung nấy” hay “mùa nào thức nấy”. Không thể đem cồng chiêng Tây Nguyên vào nhà hát ca vũ kịch trình diễn, cũng không thể bứng đờn ca tài tử khỏi gốc rễ là ruộng lúa, con sông. Liên hoan rock Woodstock ’69 giữa thời điểm đầy khát khao hòa bình, nhiều kìm nén, bế tắc của rock n roll phù hợp với bối cảnh cánh đồng bao la đầy phóng túng và đám đông bùng cháy, nhưng âm nhạc điện tử của thế kỷ 21 lại hướng đến những không gian thời thượng với dàn âm thanh ánh sáng hiện đại, đẩy mạnh yếu tố cái tôi cá nhân và trải nghiệm công nghệ. Dù ở bối cảnh nào, tất cả các loại hình nghệ thuật đều cần một không gian biểu diễn phù hợp, giúp người nghệ sĩ và khán giả thưởng thức hết mình và kết nối hiệu quả.
Trong thời đại ngày nay, khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển, một loại hình không gian biểu diễn hiện đại mang tính cách mạng, với yếu tố tương tác đóng vai trò chủ chốt đã ra đời – đó chính là kiến trúc tương tác (Interactive architecture). Trong loại hình này, người nghệ sĩ trở thành nhà chế tạo và lập trình nên sự tương tác giữa tác phẩm và người thưởng thức, không cần phải xuất hiện biểu diễn. Tác phẩm là một cấu trúc hoặc một không gian có khả năng tương tác với người xem, ví dụ như những quả bóng thay đổi màu sắc tùy theo số lần chạm vào, hay một căn phòng thay đổi âm thanh tùy theo số lượng người bên trong nó. Như vậy, ranh giới giữa không gian chứa đựng tác phẩm và tác phẩm đã không còn rõ ràng nữa. Với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật, lần đầu tiên khán giả đã trở thành người quyết định tác phẩm, không còn đứng ở vai trò thứ yếu sau tác giả.
Kiến trúc tương tác, ở một chừng mực nào đó, đã trở thành chiếc chìa khóa giải đáp vấn đề tương tác cho các loại hình nghệ thuật trên thế giới, từ ca vũ kịch đến nghệ thuật sắp đặt. Một không gian biểu diễn linh hoạt, hiện đại, có khả năng thích ứng cao tạo điều kiện tối ưu cho người nghệ sĩ và khán giả thoải mái trải nghiệm. Một tác phẩm tương tác là sự kết hợp hoàn chỉnh của khoa học và nghệ thuật, có khả năng ứng dụng trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, cơ khí… một cách trực quan, sinh động. Ví dụ, một bài học về biến đổi khí hậu sẽ hiệu quả hơn khi đặt trong một căn phòng có khả năng thay đổi nhiệt độ; hay việc dạy vẽ cho trẻ em sẽ trở nên hấp dẫn hơn khi bỗng nhiên các bức tranh biết chuyển động. Như vậy, với ưu thế hiện đại và hấp dẫn, phải chăng không gian tương tác nếu đặt vào bối cảnh TP.HCM sẽ trở thành chiếc nam châm, góp phần thu hút giới trẻ tiến gần hơn với việc thưởng thức nghệ thuật?
Kiến trúc tương tác, dù hấp dẫn và hiệu quả nhưng lại đòi hỏi một hàm lượng tri thức cao, ở việc kiểm soát các thành phần kỹ thuật - công nghệ. Dù vậy, việc “chế tạo” ra một tác phẩm tương tác hiện đại không quá khó như nhiều người vẫn ngại tìm hiểu.
Vậy việc ứng dụng kiến trúc tương tác tại TP.HCM có khả thi hay không, đòi hỏi những yêu cầu gì, xin hẹn quý độc giả ở phần 2 – TƯƠNG TÁC TRONG KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC.
 
 
CLOUD – tác phẩm nghệ thuật sắp đặt tương tác (Canada). Khán giả cùng nhau phối hợp kéo những sợi công tắc sao cho đám mây phát sáng. Đám mây được tạo thành từ các bóng đèn thủy tinh đã hỏng bao xung quanh lõi đèn LED màu trắng ở bên trong, có ý nghĩa nói lên sự phát triển của vật liệu, nhắc nhở về khối lượng rác thải và nhấn mạnh sự hợp tác xã hội
 
 
Crystal Universe – tái hiện hình ảnh vũ trụ bằng ánh sáng, cảm ứng sự di chuyển của người xem - Triển lãm Future World: Where Art Meets Science (Singapore)
 
 
Bảo tàng Milwaukee ở Wisconsin ( Mỹ), khi kiến trúc có thể chuyển động và  trình diễn
 
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 132