Bà Nguyễn Thị Huyên (số nhà 537 Nguyễn Thị Thập, Q.7): Lúc trước không phải cơn mưa hay đợt triều cường nào nhà tôi cũng ngập, bây giờ, từ khi nâng đường thì mưa nhỏ hay to đều ngập từ 20 – 40cm. Hai tháng nay, cả nhà tôi phải dọn ra ngoài thuê nhà ở, nhà ngập thế này sống sao nổi. Không chỉ có nhà tôi, hầu hết người dân sống hai bên đường Nguyễn Thị Thập đều phải bỏ tiền túi ra để nâng nền nhà; đặc biệt là sau khi các con đường ở đây được chính quyền rải nhựa thì nhà dân bỗng dưng biến thành hầm chứa nước.
Bà Phạm Thị Thuỷ (số nhà 273 Nguyễn Thị Thập, Q.7): Gia đình tôi cũng phải nâng nền nhà lên cả 40cm để chống ngập. Tôi cũng muốn nâng cao hơn nhưng thực tế chỉ nâng lên 40cm chứ không thể nâng cao bằng vỉa hè được, vì như vậy sẽ phải đập trần nhà đi. Chi phí thì chưa tính tiền lát gạch mà đã tốn 40 triệu đồng. Nhà tôi như vậy còn đỡ, có nhà phải đại tu lại hết mới thoát cảnh ngập. Cả dãy nhà này đều bị ngập như vậy, nhưng đâu phải ai cũng có tiền nâng nền.
Chị Ngô Mỹ Liên, nhà ở đường Ba Tháng Hai, Q.11 cho biết: Trước đây nền nhà tôi bằng với mặt đường. Sau một đợt nâng cấp vỉa hè thì nền nhà tôi thấp hơn mặt đường gần hai tấc. Trong mấy tháng gần đây, với công trình nâng cấp hệ thống thoát nước, mặt tiền đường lại nâng thêm cả tấc, chồng lên mặt tiền cũ. Vô tình nhà tôi có hai bậc tam cấp “ngược”. Dắt xe ra vô nhà vô cùng bất tiện, chưa kể đến thẩm mỹ. Mỗi khi trời mưa thì nước mưa “chạy” thẳng vào nhà. Mưa lớn, đường ngập nước, mọi thứ rác rến theo “sóng” trôi vào nhà. Trần nhà tôi không cao lắm nên không thể nâng nền. Muốn nâng nền phải đập bỏ toàn bộ tầng lầu, coi như xây lại cả ngôi nhà.
Không chỉ ở những khu vực trên, mà theo ghi nhận của KT&ĐS, ngay tại quận 3, khi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa được chỉnh trang thì hầu như toàn bộ nhà dân tại các hẻm 331, 305, 301, 297, 281, 271, 255... phường 7, quận 3 thấp hơn mặt đường cả nửa mét. Người dân kêu mãi nhưng chính quyền vẫn không có được biện pháp khả thi nào để giúp dân tránh ngập, dẫn đến việc người dân tự cứu mình bằng cách thi nhau nâng nền nhà cho cao.
Luật sư Đặng Đình Thông, giám đốc công ty luật Đặng Đình Thông: Nếu chính quyền địa phương tại TP.HCM ra quyết định nâng cao độ một con đường mà không tuân thủ theo quy định đã được duyệt của thành phố, không có biện pháp đảm bảo việc thoát nước hiệu quả đi kèm dẫn đến hậu quả là nhà của người dân bị ngập, lụt thì người dân có quyền khiếu nại hoặc có thể khởi kiện hành chính quyết định nói trên ra toà án hành chính để đòi bồi thường thiệt hại theo quy định.
Tuy nhiên, luật sư Thông cũng cho rằng, trong thời điểm hiện tại, việc người dân có thể chứng minh được việc bị ngập lụt nhà của mình là do nguyên nhân trực tiếp từ quyết định nâng cao độ đường của chính quyền là rất khó khăn, vì khả năng tự chứng minh và thu thập chứng cứ của người dân còn hạn chế. Hơn nữa, các cơ quan có khả năng và chức năng thẩm định việc này đều thuộc Nhà nước và thực tế có tâm lý nể nang giữa toà án và chính quyền; đồng thời quy định của pháp luật hiện hành còn nhiều hạn chế về mặt thủ tục tố tụng hành chính, do đó, khả năng thắng kiện của người dân rất thấp hoặc khó có cơ hội được toà án thụ lý đơn.
KTS Nguyễn Triêu Dương, giảng viên đại học Văn Lang: Vấn đề cao độ (côte) công trình tưởng nhỏ nhưng không nhỏ. Khoảng giữa thập niên 90 thế kỷ trước, tôi có nhận thiết kế một căn nhà tại khu 90G đường Lý Thường Kiệt. Trước khi thiết kế tôi phải đi tìm hiểu hoạ đồ quy hoạch chung, cao độ cống thoát nước, hố ga hiện hữu, liên hệ với các cơ quan bên giao thông, cấp thoát nước thành phố... và lấy cao độ tim đường Lý Thường Kiệt dẫn vào đến công trình
(2% mặt đường và 5/1000 lòng cống...). Hồ sơ thiết kế của tôi lấy cao độ nền nhà (0.000) so với mặt đường lúc đó là 950cm (nôm na là nhà cao hơn đường 9,5 tấc). Khi đơn vị thi công “chặt xuống” 500cm, chủ nhà cũng đồng ý với giải pháp này cho “tiết kiệm”. Tôi không đồng ý và giải thích cặn kẽ phần chi tiết kỹ thuật liên quan, nhưng việc xây dựng vẫn tiến hành. Khoảng vài năm sau, đơn vị thi công phần hạ tầng mạng ngoài xây cái hố ga và cống thoát nước chình ình trước nhà, rồi đường đổ cao lên, trời mưa nước ngập.... Lúc ấy chủ nhà mới gọi điện cho tôi là “bây giờ thì biết rồi” nhưng chẳng biết sửa làm sao. Giải pháp cải tạo hẳn nhiên là chắp vá. Ngôi nhà được nâng nền thêm hơn 500cm, kéo theo nhiều phiền toái và tốn kém (cống rãnh, hố ga, hầm cầu, nhà vệ sinh, cửa nẻo... phần hoàn thiện gạch ốp lát, sơn sửa...). Chiều cao ngôi nhà thấp xuống, tỷ lệ công trình thay đổi...
Ngay cả nhà của những người trong nghề xây dựng cũng gặp sự cố ngoài ý muốn. Ví dụ như nhiều nhà ở khu đường D2 quận Bình Thạnh thì tính toán kiểu gì cũng không tính được giải pháp san lấp mặt bằng trước kia của khu vực này, hậu quả là... lún, có nhà lún hơn nửa tầng trệt.
Đây là một trong các thí dụ mà chúng ta có thể gặp ở nhiều khu dân cư mới. Xin cho phép tôi không bàn đến nguyên nhân, giải pháp dưới góc độ quản lý, điều phối...
Về chuyện khắc phục của người dân, tôi cũng gặp vài trường hợp tương tự và cũng tư vấn cho chủ nhà trước khi cải tạo lại, thường là xử lý tuỳ tình huống chứ khó có thể rút ra giải pháp chung phù hợp cho mọi trường hợp. Có trường hợp đường trước nhà đủ rộng và diện tích nhà cho phép thì biến tầng trệt thành hầm. Có trường hợp nền thấp hơn vài tấc trong khi độ cao tầng trệt cho phép thì có thể nâng nền nhà, cái khó lúc này là xử lý lại cầu thang, hệ thống cấp nước, thoát nước.
Trường hợp khó nhất là không thể xử lý hầm, không thể nâng nền nhà vì cái gì cũng lỡ cỡ. Lúc này có thể tính đến phương án nâng nhà bao gồm cả hệ thống chịu lực, đà kiềng. Giải pháp này rất tốn kém, có thể đến 30 – 40% giá trị căn nhà. Nhưng dù tốn kém thì vẫn đỡ hơn là đập đi xây mới.
Trong tình trạng loạn “cốt” nền như thành phố ta, “phòng bệnh” hơn “chữa bệnh”. Nhưng quả thực, với những khu dân cư chưa ổn định quy hoạch, việc “canh” độ cao nền nhà của mình so với “cốt” hệ thống hạ tầng tương lai quả thực không dễ dàng.
Và dưới đây là ý kiến của các nhà quản lý về vấn đề này mà KT&ĐS ghi nhận lại từ các cuộc hội thảo, trên các phương tiện truyền thông.
Ông Trần Chí Dũng, giám đốc sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM: Trong xây dựng, mỗi lưu vực có một cốt nền khống chế khác nhau nhưng đều không thể nhỏ hơn 2m. Cốt khống chế này được thể hiện trong quy hoạch chi tiết xây dựng của mỗi quận, huyện đã được phê duyệt, mọi công trình xây dựng đều phải tuân theo cốt khống chế này và do chính quyền địa phương quản lý, kiểm soát.
Bà Phạm Thị Thanh Hải, phó viện trưởng viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM: Thực tế không phải TP.HCM chưa có cốt nền, mà đã có và đưa vào ứng dụng từ năm 2004. Tuy nhiên, đây chỉ là cốt nền khống chế, được thực hiện trên quy hoạch vùng và quy hoạch chung. Trên cơ sở cốt nền khống chế, các địa phương phải làm thêm một bước nữa là tính toán cốt nền xây dựng trong các quy hoạch chi tiết của từng quận huyện và đó mới là cơ sở để cấp cốt nền xây dựng cho các công trình nhà cửa, đường sá... Cốt nền khống chế lấy mực triều cường làm căn cứ tính toán nhằm đảm bảo chống ngập. Còn cốt nền xây dựng lấy cốt nền khống chế làm cao độ tối thiểu, có cập nhật thêm đặc điểm từng khu vực và hướng thoát nước cụ thể của khu vực đó.
Quy định là như vậy, nhưng trên thực tế, việc triển khai cốt nền xây dựng chi tiết trong suốt năm năm qua, gần như chỉ làm cho có và không cơ quan chức năng nào theo sát để quản lý, đảm bảo thực hiện đúng nên mới dẫn đến tình trạng nhà cao, nhà thấp, đường cao và nhà dân hứng nước như thời gian qua.
GS.TS Nguyễn Trọng Hoà, viện trưởng viên nghiên cứu phát triển thành phố: Sở dĩ có tình trạng nhà thấp hơn mặt đường như vậy là do mỗi khi sửa đường, lẽ ra phải cạo hết lớp nhựa cũ rồi mới trải tiếp lớp mới để đảm bảo cốt nền đường, thế nhưng nhiều nhà thầu tại TP.HCM cứ thế đắp lớp nhựa mới lên trên mặt đường cũ, do đó con đường sau mỗi lần sửa lại cao lên vài tấc.
Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống số 52