“Sự kỳ diệu của thủy tinh Séc” - Một triển lãm nghệ thuật độc đáo

Lượt xem: 678
29/11/2024 10:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - HÀ THÀNH

“Sự kỳ diệu của thủy tinh Séc” là triển lãm diễn ra trong mùa hạ vừa qua tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội). Đây là một triển lãm độc đáo, đem lại cái nhìn mới mẻ cho nghệ sỹ và công chúng ở chất liệu thủy tinh tưởng chừng như đã rất quen thuộc.

 
Triển lãm “Sự kỳ diệu của thủy tinh Séc” do Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội, Trung tâm Séc và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là triển lãm duy nhất, chỉ tổ chức tại Việt Nam và không tổ chức ở bất cứ quốc gia nào khác. Triển lãm là dấu ấn đặc biệt trong mối quan hệ ngoại giao, hữu nghị và giao lưu văn hóa giữa Cộng hòa Séc và Việt Nam. Đây là một trong những sự kiện nổi bật thuộc khuôn khổ những sự kiện văn hóa Séc và Việt Nam 2024-2025, hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cộng hòa Séc năm 2025.
 

Ngành nghề làm thủy tinh ở Séc đã có hơn 800 năm và nổi tiếng trên toàn thế giới với nhiều sản phẩm đa dạng như chai lọ, ly, cốc, bát đĩa, bình hoa, đèn chùm… Sản phẩm thủy tinh của Séc là chỉ dấu một thứ hàng cao cấp mang thương hiệu riêng về chất lượng và giá trị nghệ thuật. Qua quãng thời gian dài, thủy tinh Séc cũng có những thăng trầm và nhiều thời điểm đạt tới đỉnh cao. Kỷ nguyên lớn cuối cùng của thủy tinh Séc bắt đầu vào những năm 1950. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm lịch sử lâu đời trong việc sản xuất thủy tinh chất lượng và trình độ đào tạo cao về chế tạo thủy tinh. Vào thời điểm đó, đây là lần đầu tiên trong lịch sử được các nghệ nhân thủy tinh hàng đầu của Séc nâng lên thành một vật liệu chính, từ đó các tác phẩm nghệ thuật độc đáo bắt đầu được tạo ra, tương tự như trường hợp của các lĩnh vực nghệ thuật khác.
 
 

Triển lãm “Sự kỳ diệu của thủy tinh Séc” đem tới sự độc đáo, mới mẻ ở chất liệu tưởng như đã rất lâu đời và quen thuộc. Tại đây trưng bày 17 tác phẩm điêu khắc nghệ thuật thủy tinh của 13 nghệ sỹ hàng đầu đến từ Séc; do giám tuyển Márika Gálová phụ trách. Các nghệ sỹ là có tác phẩm tham gia là: Lukáš Jaburek, František Jungvirt, Alena Matejka, Michaela Spružinová, Lucie Švitorková, Vladimíra Klumpar, Natálie Dufková, Jirí Belda, Viktorie Beldová, Marek Číhal, Tomáš Brzon, Petr Stanický, Aldit. Triển lãm phản ánh con đường nghệ thuật thủy tinh mà nước Séc đang đi ngày nay với tham vọng thu hút sự tập trung, chú ý đến các nghệ sỹ Séc đương đại, những nghệ sỹ ở các thế hệ với kinh nghiệm, chuyên môn và kỹ thuật khác nhau. Đặc biệt với các chế tác điêu khắc sử dụng kỹ thuật nung chảy, thổi và cắt độc đáo được trưng bày ở đây. Các tác phẩm được tuyển chọn riêng dành cho khán giả Việt Nam, với trọng tâm là kết hợp giữa truyền thống và đương đại. Hầu hết các tác phẩm trưng bày tại triển lãm đều có tính ứng dụng cao kết hợp với thiết kế mỹ thuật. Bên cạnh đó là một số chế tác điêu khắc thủy tinh độc đáo. Các tác phẩm đều được xác thực đi kèm với chứng chỉ độc quyền của các nghệ sỹ. Đó là sự tiếp nối giá trị truyền thống của nghề thủy tinh Séc - đã được UNESCO công nhận là di sản nhân loại vào năm 2023.
 
 
 
 
 
Các tác phẩm trưng bày trong triển lãm được thực hiện với kỹ thuật thủ công truyền thống kết hợp với các kỹ thuật, vật liệu có độ chính xác tương đương được sử dụng cho ngành công nghiệp vũ trụ. Nếu như những vật dụng bằng thủy tinh của Séc đã trở nên quen thuộc với nhiều người Việt Nam thì ở triển lãm này, các tác phẩm điêu khắc thủy tinh khiến người xem không khỏi ngỡ ngàng về độ đẹp, độc, lạ của chúng. Những đường nét, hình khối, màu sắc, chất cảm vật liệu… như thoát ra khỏi những gì quen thuộc, đời thường để tạo nên một thế giới ảo diệu, chất chứa cả linh hồn. Nhiều tác phẩm khiến người xem không khỏi tò mò phỏng đoán về kỹ thuật chế tác vì nó quá đặc biệt, độc đáo. Trong một không gian khá khiêm tốn, với sự trưng bày tiết chế và đầu tư công phu về đạo cụ, ánh sáng, 17 tác phẩm điêu khắc nghệ thuật thủy tinh phô bày trọn vẹn vẻ đẹp của mình. Công chúng không khỏi ngỡ ngàng, thán phục trước các tác phẩm thủy tinh nghệ thuật biến đổi muôn hình muôn vẻ dưới ánh sáng, khi trong vắt, long lanh như pha lê, khi ấm áp, dày dặn như ngọc. 
 
 
 

Thủy tinh là vật liệu quen thuộc và thậm chí đã quá cũ. Nhưng điêu khắc thủy tinh và tác phẩm nghệ thuật làm từ thủy tinh vẫn là thứ mới mẻ với công chúng Việt Nam. Có thể, triển lãm này sẽ là một gợi mở cho những nghệ sỹ, nhà điêu khắc Việt tìm kiếm một giá trị mới trong dòng chảy nghệ thuật đương đại.
 
THEO KIẾN TRÚC & ĐỜI SỐNG SỐ 221