Người Nhật gọi đây là Yosemune, người Việt gọi là nhà mái bánh ú. Đây là nét kiến trúc cổ tiêu biểu của ngôi nhà nông thôn ở Ibaraki. Mái nhà có kết cấu rất phức tạp và chế tác kỳ công
Bỏ lại những sầm uất, nhộn nhịp, hiện đại nơi đô thị Tokyo, chuyến tàu cao tốc Tsukuba Express ngược lên phía Bắc với thời gian 45 phút cho hành trình chưa đầy 100km là đến được Ibaraki – một tỉnh lẻ, nổi tiếng với nghề nông và phát triển các ngành khoa học công nghệ cao của Nhật Bản. Ở góc độ kiến trúc, Ibaraki không bị nhịp sống đô thị chen lấn, không có nhà chọc trời, khắp nơi chỉ là ruộng nương, nông trại và các khu công nghiệp được quy hoạch chuẩn mực.
Và nổi bật trên những khoảng xanh nông nghiệp chính là những ngôi nhà truyền thống kiểu Nhật, được người bản địa lưu giữ và truyền đời qua các thế hệ, tạo nên một nét duyên ngầm cho “cô gái quê” Ibaraki trước nhịp sống hiện đại.
Điểm ấn tượng mỗi khi diện kiến các mái tranh xưa ở Ibaraki, chính là sự hoà quyện cùng thiên nhiên quanh ngôi nhà, khi là rừng tre nứa, khi là cánh đồng xa, khi ẩn mình dưới chân đỉnh Tsukuba huyền thoại, những nếp xưa ấy vẫn vững chãi cùng nắng mưa sương gió, tạo nên một vẻ đẹp bình dị, gần gũi và thân thiện chứ không dễ đem lại cảm giác xa cách và lạnh lùng như những kiến trúc đương đại nơi đô thị.
Không gian nơi mái quê ở Ibaraki rất giản đơn, sạch đẹp và ngăn nắp khi nhìn từ tổng thể, nhưng càng đến gần, càng đi vào chi tiết kiến trúc, sẽ thấy ở đó sự kỳ công, tinh tế và khéo léo, thể hiện đầy đủ tính cách quen thuộc của người Nhật trong chế tác đồ thủ công truyền thống. Chiếc cổng vào được thiết kế giản đơn với đôi mái dốc, hàng rào ngăn cách không cao khỏi đầu, chỉ mang tính ước lệ ranh giới, bước qua cánh cổng, từng chi tiết trong trang trí sân vườn như chiếc đèn đá (thạch đăng lung) rêu phong, những lùm bụi được cắt tỉa theo phong cách bồn cảnh (Bonsai), mục đích đưa thiên nhiên ước lệ vào vườn nhà... vẻ đẹp tổng thể của ngôi nhà miền quê ấy dễ khiến người ta mải chiêm ngưỡng đến quên cả hỏi chào gia chủ.
Phần mái nhà là sự sắp xếp của rơm, tre, cói, đan với nhau thành nhiều lớp dày đến nửa thước, gối lên hệ thống vì kèo bằng gỗ, giúp ngôi nhà giữ được ấm vào mùa đông, thoáng mát trong mùa hè, dư sức chống chọi được những trận mưa tuyết khắc nghiệt và những cơn rung lắc từ động đất diễn ra hàng năm. Bức tường trát đất với độ láng mịn, cùng tiết diện phẳng không một vết lồi lõm dễ khiến khách lạ phải ngẩn người bởi tài nghệ của người thợ thủ công Nhật Bản.
Chuyến vãn cảnh qua các ngôi nhà xưa ở Ibaraki được kết lại bằng bữa tiệc trà theo nghi thức trà đạo Nhật Bản. Ngồi trong trà thất nơi vườn quê, tận hưởng chén mạt trà mang vị thanh mát từ tay các nghệ nhân pha trà, dễ cảm thấy nhịp đời thật giản dị, bình yên như những mái tranh xưa đã bao đời tồn tại.
Sự ngăn nắp, chỉn chu và giản dị trong bố cục không gian tổng thể ngôi nhà
Gian bếp và khu vực sử dụng chung trong ngôi nhà được lát sàn gỗ, đặt lên dầm ngang cách mặt đất 40 – 50cm để tránh ẩm
Nét giản đơn dễ nhận trong tổng thể, nhưng các chi tiết trang trí nội – ngoại thất như tay vịn nơi hành lang, chiếc thuỷ bồn Tsukubai... phô diễn vẻ đẹp tinh tế trong chế tác đồ thủ công mỹ nghệ của người Nhật
Sự hoà hợp với thiên nhiên càng tôn thêm vẻ đẹp kiến trúc nhà xưa ở Ibaraki. Trà thất với cách trình bày giản đơn, thanh tịnh theo tinh thần trà đạo
Hàng rào mang tính ước lệ cho ngôi nhà cũng được chế tác rất kỳ công
Mái che cho giếng nước cũng là một điểm nhấn kiến trúc thú vị trong vườn nhà Nhật Bản. Nét đẹp khác biệt tạo nên sắc thái và tinh thần riêng cho không gian sống đằng sau chiếc cổng vào
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 108