Nhà vườn điều hay một khối kiến trúc cộng sinh

Lượt xem: 1665
3/6/2025 8:00 - Nhà ở
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài NGÔ LY KHA Ảnh QUANG TRẦN

Ẩn mình trong một ngôi làng yên bình sát bìa rừng Nam Cát Tiên, Nhà Vườn Điều là một công trình kiến trúc dung dị, đầy cảm xúc. Trên khu đất rộng khoảng 1.000m², với 26 cây điều lớn đã hiện hữu, nhóm thiết kế và chủ đầu tư đã cùng nhau giữ nguyên vẹn hiện trạng cây và vườn, tạo nên một khối kiến trúc cộng sinh chặt chẽ với bối cảnh thiên nhiên.

 
 
Vẻ đẹp của công trình đến từ sự cộng hưởng của nhiều yếu tố:
 
Một ý nguyện đẹp
Chủ đầu tư yêu thích cuộc sống tối giản và thích làm vườn theo hướng thuận tự nhiên bền vững. Anh mong muốn ngôi nhà  là một không gian sống yên bình, hài hòa với thiên nhiên, nơi lánh xa cuộc sống đô thị ngột ngạt, đồng thời có thể sử dụng làm dịch vụ lưu trú ngắn hạn.
 
Sự can thiệp chuyên môn đầy tâm huyết
 G+architects đã bắt đầu quá trình thiết kế bằng việc đo vẽ, ghi nhận hiện trạng vị trí, đặc điểm, chiều hướng rễ và hình dáng của từng cây điều. Mặt bằng công trình cũng đã được xoay hơn ba lần, kể cả việc dựng ba lần, và cả việc dựng khung nhà với tỉ lệ 1:1 và xoay trực tiếp tại khu đất, để đảm bảo ngôi nhà nằm trong khoảng trống giữa các cây. 
Hình khối ngôi nhà với những khoảng vát xéo của mái, lên cao và xuống thấp của tường đầu hồi đều phụ thuộc vào dáng cây trong khoảng đất dựng nhà. Mái hiên hướng Đông phía trước được nhấc nhẹ lên đón nắng sớm, mái hiên sau xà xuống cộng hưởng với bóng cây nghiêng che chắn nắng chiều. Những khoảng xoay tạo ra những góc ngồi tĩnh lặng và an trú bám theo từng khoảng vườn.
Hồ nước ở trung tâm khu vườn giúp cân bằng sinh thái và là tấm gương phản chiếu kết nối giữa nhà chính, vườn và lối đi. Phần xây dựng mở rộng thêm khối nhà lưu trú (ở tương lai gần) cũng được định hình và bố trí theo cạnh hồ nước. Khối nhà mát được dựng từ một khung nhà cũ (được dùng làm bếp và phòng ăn), không gian dưới mái đan cài vào vườn cây và hồ nước. Công trình tái sử dụng vật liệu sử dụng gỗ và mái ngói cũ được thu lượm từ những ngôi nhà gần đó. Chất cảm thô của tường, gạch nền (gạch bông và gạch đinh) hay đá mài cũng được đan cài để dẫn dắt cho người sử dụng cảm nhận sự thân thuộc, gần gũi.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Gìn giữ tính bản địa 
Ngoài sự góp mặt của các vật liệu cũ, đội ngũ thợ địa phương cũng góp phần không nhỏ tạo nên hồn nơi chốn cho công trình. Mặc dù trong quá trình xây dựng, kiến trúc sư luôn theo sát từng ngày vì việc đọc hiểu và làm theo bản vẽ chi tiết vẫn còn bỡ ngỡ với họ. Lắm lúc mô hình (tỉ lệ 1:50) đặt tại công trình trở thành cứu cánh khi truyền tải thông tin đến thợ thầy. Đặc biệt, nhóm thợ mộc từ Bình Thuận đã bám sát ý đồ thiết kế lẫn chủ nhà, giữ nguyên đặc tính gỗ, không che phủ hay lấp đi những khiếm khuyết khi xử lý phần gỗ cũ cho cấu kiện cửa, sàn và khung nhà. 
Sau sáu tháng công trình đưa vào sử dụng, nhóm thiết kế và nhiếp ảnh có một ngày gần như trọn vẹn khi thăm lại ngôi nhà. Từ hoàng hôn đến bình minh buổi sớm, ngôi nhà đón ánh nắng và bóng cây đổ xuống mỗi thời điểm một khác. Nắng sớm phủ qua mái hiên vạt xéo chạm nhẹ vào trong nhà lúc 6h30, đánh thức giấc ngủ sáng. Buổi chiều, hoàng hôn phía sau làm ngôi nhà như chìm dần vào giữa khu vườn và dãy núi phía mờ xa. Ánh lửa, màu khói và màu trời ở khu vực ven rừng dệt thành bầu không khí thanh sạch và tĩnh lặng trong từng hơi thở. 
 
 
 
 
 
 
 
Địa chỉ: Nam Cát Tiên, Tân Phú, Đồng Nai
Thiết kế: G+architects
Nhóm KTS: Đoàn Bằng Giang, Bùi Hoàng Lâm, Trần Văn Xuân, Nguyễn Văn Khải
 
Theo Kiến trúc & Đời sống số 227