KTS Khương Văn Mười, chủ tịch Hội Kiến Trúc sư TP.HCM: Kiến trúc sư đã bước đầu tự khẳng định trong tiến trình hội nhập

Lượt xem: 14079
29/6/2018 0:00 - Nhà ở
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Hy Hưng thực hiện

Ngày 28.11.2011, hội KTS TP.HCM kỷ niệm 30 năm thành lập. Nhân dịp này, phóng viên tạp chí Kiến trúc & đời sống đã có cuộc trao đổi với KTS Khương Văn Mười, chủ tịch hội KTS TP.HCM. Câu chuyện của 30 năm cũng bắt đầu từ những vấn đề nóng đang đặt ra với mỗi một kiến trúc sư, với hội. 

 
 
 
Thưa ông, “Giới kiến trúc sư chúng ta phải tự đòi hỏi mình cao hơn để có chỗ đứng tốt hơn so với lực lượng hội nhập từ các nước trong khu vực”. Đó là phát biểu của ông tại đại hội VI của hội KTS TP.HCM hồi đầu năm 2010. Câu chuyện hội nhập đang là vấn đề được quan tâm. Xin ông nêu cảm nhận về những nỗ lực của anh, chị em trong hội, trong giới thời gian qua. 
Tự đòi hỏi cao hơn là yêu cầu tự thân của giới, của hội. Bản thân anh, chị em đã có nhiều nỗ lực, nhiều đóng góp, nhưng nhìn nhận kết quả khách quan phải là từ xã hội, từ các chủ đầu tư, từ người dân.
 
Xin bắt đầu từ  câu chuyện của bạn đọc KT&ĐS, họ là chủ đầu tư đối với căn nhà - tổ ấm của họ. Thưa ông, vào năm 2006, khi hội KTS TP.HCM đã có 25 năm tuổi, tạp chí KT&ĐS còn đăng những bài giới thiệu dịch vụ dạng như “Người kiến trúc sư đóng vai trò gì, công tác thiết kế nhà ở gồm những công đoạn nào”? Nay thì không còn nhiều bạn đọc yêu cầu như vậy nữa. Dường như tiêu dùng đã chuyển qua giai đoạn khác. Xin ông có nhận xét về điều này? Theo ông, các kiến trúc sư đứng ở đâu, vai trò của họ là gì trong sự thay đổi đó? 
Chỉ cần lùi về khoảng 5-10 năm thôi, ở thành phố này, chưa có nhiều người dân biết kiến trúc sư là ai, chức năng của họ làm gì. Tình trạng xây nhà ở chỉ có chủ thầu “bao bản vẽ”, nhà rập khuôn vào thời điểm đó có thể nói là còn khá phổ biến. Nay thì nhiều chủ đầu tư sẵn sàng chi những đồng tiền quý báu của mình cho kiến trúc sư tham gia tư vấn, thiết kế, tổ chức tạo ra những căn nhà, không gian sống đúng công năng, khoa học, hợp lý, có thẩm mỹ. Cần nói thêm là đời sống phát triển, khi có tiền, người dân rất tâm huyết với việc tạo dựng và chăm sóc chỗ ở, không gian sống của họ. Trình độ của người dân đã tăng lên rất nhiều về thẩm mỹ, kiến thức tổ chức không gian ở, hiểu giá trị và có khả năng sử dụng tiện nghi, trang thiết bị trong nhà. Có thể nói, đã có bước chuyển từ tiêu dùng dịch vụ một cách đơn giản sang giai đoạn hưởng thụ.
Đó là môi trường để thị trường tư vấn, dịch vụ kiến trúc phát triển, nhất là ở khu vực phía Nam. Đã xuất hiện những quần thể nhà ở với diện mạo kiến trúc đẹp, công năng phù hợp với nhu cầu. Những lai căng, những bất cập của thời mới mở cửa đã giảm đi và đang dần dần bị đào thải. 
Ngoài kiến trúc ở, người dân thành phố hôm nay đã hiểu được giá trị của không gian sống trong đô thị, hiểu được giá trị của cây xanh, cảnh quan, cảm thấy nhu cầu cần có của các công trình xã hội, giá trị môi trường sống qua hình ảnh đô thị Nam thành phố. Từ đó, các nhà đầu tư đã biết tự xây dựng cho các dự án đạt tiêu chuẩn ngày càng cao hơn. Ngày càng có nhiều khu đô thị, khu dân cư có quy hoạch tỷ lệ 1/500 hợp lý, có môi trường sống đáp ứng yêu cầu, cảnh quan đô thị được tổ chức tốt. 
Đây là quá trình có tác động qua lại. Có thể nói, chính nhờ các chủ đầu tư thích cái mới, chịu cái mới mà các kiến trúc sư mới có môi trường để phát huy tài năng của mình. Nhưng cũng chính kiến trúc sư là một trong những nhân tố trực tiếp và tích cực góp phần nâng cao nhận thức của người dân. 
Người kiến trúc sư đã đứng đúng chỗ của mình với vị trí là nhân tố, là người tổ chức phát triển kiến trúc trong cộng đồng.
 
Còn đối với xã hội, với sự phát triển của thành phố?
Giới kiến trúc sư đã tham gia thiết kế công trình, tham gia công tác xây dựng, đóng góp phản biện xã hội với các đồ án quy hoạch chung. Hàng loạt công trình của thành phố có sự đóng góp của giới kiến trúc sư nói chung và hội KTS TP.HCM nói riêng như quy hoạch khu Nam, đô thị Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, đô thị tây bắc Củ Chi, quy hoạch chung TP.HCM, quy hoạch và thiết kế đại lộ Đông - Tây, thiết kế - bảo tồn khu trung tâm hiện hữu… Ở TP.HCM, giới kiến trúc sư thường xuyên được Thành uỷ, UBND TP.HCM mời tham gia góp ý kiến trong các hội đồng quy hoạch về kiến trúc, giao thông, các dự án xã hội phát triển. Đây là điểm mạnh của hội KTS TP.HCM so với các địa phương bạn. 
Từ khi mở cửa, dịch vụ tư vấn và các kiến trúc sư nước ngoài xuất hiện mà TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía nam là nơi có nhiều hơn cả. Giới kiến trúc sư thành phố cũng vừa học hỏi, vừa cạnh tranh vừa giữ vững chỗ đứng. Đến nay, có thể nói trong tiến trình hội nhập, giới kiến trúc sư thành phố đã trưởng thành. Nhiều kiến trúc sư trẻ có ngoại ngữ, kiến thức, phương tiện và xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp để cạnh tranh sòng phẳng với các tổ chức tư vấn, với kiến trúc sư nước ngoài. Nhiều kiến trúc sư Việt Nam đã tự chủ trì thiết kế những công trình lớn như resort, khách sạn năm sao, trường học, sân bay, lập quy hoạch khu đô thị… Những chuyện về giá cả tư vấn bất cập cho kiến trúc sư trong nước, những thiệt thòi về kinh nghiệm cũng có một thời được xới lên và trên thực tế, các kiến trúc sư đã năng động tìm ra cách giải quyết để hội nhập. Nhưng muốn phát triển bền vững, vẫn cần có sự hỗ trợ của nhà nước về quy định chi phí thiết kế hợp lý. 
Với sự phát triển của thành phố và cả nước, giới kiến trúc sư đã có đóng góp nhất định, đã khẳng định được vị trí của mình trong xã hội, trong công cuộc phát triển chung. 
 
Bút tích của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên sổ vàng lưu niệm của hội KTS TP.HCM
 
Nhưng TP.HCM, đô thị lớn đông dân đang bộc lộ hàng loạt vấn đề của sự phát triển như sự dồn nén vào khu trung tâm, tình trạng  kẹt xe, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, hạ tầng đô thị chưa đáp ứng kịp, diện mạo kiến trúc đô thị chưa biểu hiện rõ nét, nhiều công trình chưa được bảo tồn tương xứng với giá trị của nó.
Đúng là thành phố ta còn rất nhiều vấn đề của quá trình phát triển. Ngay trên tạp chí này, chúng tôi cũng đã có lần nêu những vấn đề chung của kiến trúc như phát triển đô thị, cụm đô thị, hệ thống giao thông. Có những chuyện rất cụ thể như vẫn còn khu dân cư tự phát, mật độ dày đặc. Hệ thống vận tải công cộng chưa thể đáp ứng nhu cầu, vẫn tồn tại quá nhiều phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xe gắn máy. 
Nhưng không vì thế mà ta có thể phủ nhận hoặc đánh giá không đúng sự đóng góp cũng như vai trò của công tác quản lý nhà nước, của cộng đồng, xã hội trong đó có nhiều thế hệ các kiến trúc sư đã góp phần nhỏ cho sự hình thành và phát triển của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Người dân, lãnh đạo bức xúc thì giới kiến trúc sư cũng bức xúc. Mỗi một kiến trúc sư cũng như bản thân hội cũng đang đóng góp hết sức mình theo yêu cầu của lãnh đạo thành phố.  
 
Trở lại vấn đề của giới, xin ông nhận xét về vai trò của hội đối với giới kiến trúc sư thành phố?
Hội là nơi tập hợp anh em cùng ngành nghề. Anh em cùng nghề có nhiều độ tuổi khác nhau, có thể xuất thân khác nhau, học từ nhiều nguồn khác nhau, nắm giữ nhiều cương vị khác nhau trong xã hội, có sự thành công khác nhau, nhưng khi đã vào hội thì xác định tinh thần bình đẳng, tôn trọng nhau. Chính vì thế, hội đã trở thành môi trường xúc tác giúp anh em hoạt động nghề nghiệp. Hội cũng là nơi anh em có thể chia sẻ không chỉ là suy nghĩ, hành động mà còn chia sẻ được nhiều giá trị khác trong cuộc sống, như trong một mái nhà. Hội đã tạo ra nhiều sân chơi bổ ích. Các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, những cuộc thi kiến trúc thường kỳ của hội Trung ương, hội thành phố đã thực sự là nơi anh chị em kiến trúc sư trưởng thành.
 
Trong KT&ĐS số xuân 2007, có nhắc đến chi tiết hội KTS TP.HCM được thành lập từ sáng kiến của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhân dịp 30 năm thành lập hội, ông có thể kể rõ hơn cho bạn đọc và anh, chị em hội viên về chi tiết này?
Anh em trong hội ở lứa tuổi tôi trở lên thường gọi thân mật nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là chú Sáu Dân. 
Tôi còn nhớ thời kỳ đó, cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, tôi tham gia sinh hoạt trong hội trí thức yêu nước. Chú Sáu Dân thường hay dẫn chúng tôi đi tham gia các đoàn khảo sát, nghiên cứu du lịch ở địa đạo Củ Chi, Cần Giờ… và nay các dự án này đã có chỗ đứng trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Một số anh em trong hội trí thức yêu nước lúc đó có chuyên môn là kiến trúc, quy hoạch được chú Sáu hỏi ý kiến, đề nghị làm quy hoạch, phát triển ý tưởng. Năm 1981, khi chuẩn bị chuyển ra công tác ở Hà Nội, chú còn dặn dò các anh chị đầu đàn của giới kiến trúc sư thành phố như bác Khổng Toán, anh Lưu Thanh Nhã, anh Lê Văn Năm, chị Nguyễn Ánh Tuyết, anh Nguyễn Kim Sến, anh Trần Đình Quyền… xúc tiến nhanh công tác thành lập hội. Ngày 19.9.1981 đã diễn ra đại hội thành lập hội KTS TP.HCM. Ngày 28.11.2011, UBND TP.HCM ban hành quyết định thành lập hội KTS TP.HCM. Hàng năm, ngày 28.11 là ngày kỷ niệm thành lập hội. Năm 2006, nhân dịp 25 năm thành lập hội KTS TP.HCM, chú Sáu Dân có gửi cho hội một lá thư. Tôi rất tâm huyết với lời dặn dò của chú Sáu: “Những kiến trúc sư nước ngoài không chỉ mang đến sự cạnh tranh mà còn mang đến cả những cơ hội học hỏi… Vấn đề hiện nay là, các kiến trúc sư Việt Nam sẽ có gì để đóng góp, có đủ bản lĩnh để hội nhập và có được bản sắc để tìm chỗ đứng trong hành trình mới, hấp dẫn và đầy sức cạnh tranh này”.
Chú Sáu Dân đi xa vào năm 2008. Nhưng những dặn dò của chú vẫn còn mãi với hội KTS TP.HCM, với tất cả anh, chị em hội viên.
 
Công trình kho bạc nhà nước TP.HCM trên đường Nguyễn Huệ do KTS Nguyễn Trường Lưu chủ trì thiết kế được trao Giải nhất Giải thưởng Kiến trúc của TP.HCM năm 2008 cho tiêu chí “Công trình nâng cấp hoặc cải tạo tốt nhất”. Đây là công trình được giới chuyên môn đánh giá kết hợp tốt bảo tồn và hiện đại (Ảnh Tường Huy) 
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 66