.jpg)
.jpg)
Thực tế đó đã mang đến cho thành phố những khó khăn như: thiếu nhà ở, thiếu việc làm ổn định, cơ sở hạ tầng quá tải, xuống cấp trầm trọng, giao thông bị ùn tắc, ngập nước khi mưa xuống lúc triều lên, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, bệnh viện quá tải, phân hóa giàu nghèo rõ rệt, văn hóa lối sống ngày một hỗn tạp, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng... Bên cạnh đó thì người nhập cư cũng đã đem lại cho thành phố một nguồn nhân công dồi dào và rẻ, tạo thêm sức trẻ năng động, đóng góp cho sự phát triển kinh tế nhiều mặt, thành phố trở nên sung túc hơn và trở thành thành phố cực lớn, trên 8 triệu dân, đông dân nhất cả nước.
Tuy nhiên, nếu thành phố đã là ngôi nhà chung, thì chúng phải được phát triển thành thành phố đáng sống. Đó là thành phố công bằng xã hội, hiệu quả về kinh tế, bền vững về sinh thái, đầy màu sắc văn hóa, có sự tham gia của cộng đồng với chính quyền để quản trị thành phố tốt nhằm cân bằng giữa sống tốt và cạnh tranh kinh tế hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tốt. Đó là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược.
Để thành phố trở thành thành phố đáng sống thì trước tiên chính quyền phải quản trị thành phố tốt, trong sạch, rõ ràng và hiệu quả trong quản lý để:
(i) Người dân trong thành phố có thể phát triển thuận lợi trong điều kiện an sinh - an toàn xã hội tốt, về an sinh là các cơ hội việc làm đầy đủ, hệ thống giáo dục tốt, dịch vụ y tế tốt về an toàn là an toàn thực phẩm, an toàn cháy nổ, giảm tai nạn giao thông, trộm cắp cướp giật, các vụ hành hung bạo lực, án hình sự, tệ nạn xã hội như mãi dâm ma túy giảm.
(ii) Môi trường thiên nhiên tốt, là môi trường trong sạch và xanh tươi với tiêu chí không khí, nước và đất phải sạch, thu gom xử lý rác tốt, đẩy lùi tình trạng khủng hoảng sinh thái, trồng nhiều cây xanh.
.jpg)
Phát triển cho xứng tầm khu vực nhưng thành phố vẫn phải bảo tồn bản sắc của mình trên cơ sở bảo tồn các di sản đô thị như khu Pháp cũ, khu Chợ Lớn, các đền chùa người Việt để người dân có thể tự hào về lịch sử của thành phố. Ảnh Thu Vân
Ngoài ra còn mục tiêu về cơ sở hạ tầng là hệ thống giao thông tốt, nguồn điện nước đảm bảo, viễn thông tốt.
Về phía người dân và cộng đồng thì cần phải xây dựng đời sống văn hóa, xã hội cộng đồng tốt với nghĩa tình, tích cực tham gia đóng góp với chính quyền trong quản lý đô thị về an sinh, an toàn xã hội và môi trường tự nhiên, cơ sở hạ tầng xã hội vì nó gắn liền với quyền lợi của chính cộng đồng.
Để có những cơ hội tốt cho giao tiếp xã hội của cộng đồng thì cần có điều kiện giải trí, nghỉ ngơi tốt như các cơ sở văn hóa, thể thao, không gian công cộng...
Mặt khác người dân cần chấp hành nghiêm chỉnh các luật lệ của Nhà nước đồng thời tham gia thực hiện xây dựng nếp sống văn minh, trật tự, mỹ quan đô thị, nhiều mặt, nhiều nơi như: nơi công cộng, trên phương tiện giao thông, trên hè phố và đường phố, nơi vui chơi giải trí, ở cơ quan, khu dân cư, đối với môi trường môi sinh, trong tổ dân phố, trong gia đình, trong giao tiếp. Với người nước ngoài, giới thiệu làm quen…
Ngoài ra cộng đồng còn cần góp phần bảo tồn bản sắc của thành phố trên cơ sở bảo tồn các di sản đô thị như khu Pháp cũ, khu Chợ Lớn, các đền, chùa của người Việt, để người dân có thể tự hào về lịch sử của thành phố.

.jpg)
Nếu thành phố là ngôi nhà chung, thì chúng phải được phát triển thành thành phố đáng sống. Đó là thành phố công bằng xã hội, hiệu quả về kinh tế, bền vững về sinh thái, đầy màu sắc văn hóa... hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh Nguyễn Đình, TL KT&ĐS.
Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống, số 117