

Dường như khái niệm “chất lượng cuộc sống” không phải mới được nhắc đến? Thành phố ta đặt vấn đề nghiên cứu đề tài này từ lúc nào?
Khái niệm chất lượng cuộc sống đã được nhắc đến từ lâu. Cá nhân tôi bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về chất lượng cuộc sống từ năm 2005, sau khóa học ở Hawaii với GS Mike Douglass. Lúc thế giới đang còn say sưa với tỷ lệ tăng GDP bằng mọi giá thì Mike Duglass đã đưa ra khái niệm “chất lượng cuộc sống - quality of life”. Người ta nhận thấy GDP với chất lượng cuộc sống không phải lúc nào cũng là mối quan hệ tỷ lệ thuận. Có nhiều thành phố rất giàu nhưng chất lượng sống không cao. Người ta mới đặt ra vấn đề, giàu để làm gì khi chất lượng sống không cao? Câu hỏi đó đặt ra mục tiêu và trả lời nó cũng là cách thể hiện quan điểm, triết lý phát triển. Thời điểm đó, Công ty tư vấn Mercer (Human Resource consulting) là đơn vị tư vấn hoạt động trên nhiều lĩnh vực cũng có nghiên cứu chất lượng cuộc sống của các thành phố trên thế giới dựa trên 39 chỉ tiêu theo phương pháp đánh giá chuyên gia và đưa ra xếp hạng chất lượng sống hàng năm. Hà Nội và TP.HCM cũng xuất hiện trong danh sách này với vị trí không khả quan lắm. Thực tế đó cũng đã được lãnh đạo thành phố quan tâm và đề nghị nghiên cứu.
Lúc đó, vẫn còn tồn tại Viện Kinh tế TP.HCM chứ chưa sáp nhập thành Viện Nghiên cứu phát triển thành phố như hiện nay (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thành lập 1.10.2008). Viện Kinh tế TP.HCM đã bắt tay nghiên cứu vào khoảng năm 2007- 2008. Đánh giá kết thúc giai đoạn này, là một cuộc hội thảo khá lớn, mà thành phần ngoài các sở ngành, quận huyện, còn mời một số nhân sĩ trí thức góp ý. Những năm 2009 và 2010, lãnh đạo thành phố có chỉ đạo nghiên cứu tiếp. Sự quan tâm của lãnh đạo thành phố về chủ đề Chất lượng cuộc sống đã có từ lâu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc nghiên cứu đã phải tạm dừng.
Nhưng rồi việc nghiên cứu đã được tái khởi động trước Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa X. Xin ông trình bày rõ hơn về quá trình nghiên cứu này?
Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, vị trí của TP.HCM trong bảng xếp hạng của Mercer hầu như không tăng lên trong khi kinh tế và mức sống vật chất lại có sự tăng trưởng. Phải chăng kinh tế đi lên nhưng chất lượng cuộc sống lại có vấn đề? Những vấn nạn về y tế, giáo dục, kẹt xe, ngập nước vẫn còn và có những thời điểm rất gay gắt.
Thực tế đã có những cách tiếp cận và giải thích khác nhau về quan điểm phát triển. Có quan điểm cho rằng cần quan tâm đến chất lượng sống, lại có quan điểm cho rằng cần nhấn mạnh đến yếu tố tăng trưởng vì đó mới là vai trò, nhiệm vụ của thành phố đối với cả nước. Những cách tiếp cận khác nhau đó đã dẫn đến sự lầm tưởng là dường như có sự mâu thuẫn giữa tăng trưởng, hiện đại với việc nâng cao chất lượng sống. Nhưng thực tế, hai yếu tố đó không mâu thuẫn nhau.
Trong quá trình chuẩn bị nội dung Đại hội lần thứ X Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020, tiểu ban nội dung, mà trực tiếp là Phó bí thư thường trực Võ Văn Thưởng đã chỉ đạo nội dung xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình này. Thành ủy đã chỉ đạo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nghiên cứu về các tiêu chí của thành phố sống tốt, thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình để tham mưu cho việc thảo luận và xây dựng văn kiện đại hội.
Chúng tôi cũng đã chịu sức ép về thời gian nhưng vì công trình đã có nghiên cứu từ trước nên cũng có phần chủ động. Khi soạn thảo bộ tiêu chí này, chúng tôi được đặt ra hai yêu cầu chính. Thứ nhất, bộ tiêu chí phải thể hiện được mục tiêu để phấn đấu, thể hiện được triết lý phát triển của thành phố. Xuất phát từ thực tiễn đặc thù của thành phố nhưng bộ tiêu chí phải thể hiện một cách toàn diện, tổng thể nhiều lĩnh vực. Thứ hai là bộ tiêu chí cũng phải đặt trong sự tương thích với hệ thống đánh giá của thế giới để có thể so sánh đối chiếu.
Trên cơ sở đó, chúng tôi đã có báo cáo khoa học về “Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Dưới góc độ người làm công tác nghiên cứu, có thể nói chúng tôi rất vui mừng khi thấy đề tài mà mình quan tâm, xây dựng và tham mưu cho lãnh đạo đã được các cấp lãnh đạo chú ý, chỉ đạo sát sao để hoàn thiện và đưa vào làm cơ sở khoa học để xây dựng nghị quyết.
Hội Kiến trúc sư TP.HCM tổ chức tọa đàm “Chung tay xây dựng cuộc sống có chất lượng tốt” trong đó sẽ nhấn mạnh đến việc giới kiến trúc sư sẽ làm gì và như thế nào để đóng góp xây dựng cuộc sống chất lượng tốt bằng chuyên môn của mình. Ông có đánh giá gì về những tọa đàm như vậy?
Trước hết, tôi đồng ý với chủ trương xây dựng cuộc sống có chất lượng tốt là phải có sự “chung tay” của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều giới. Bộ tiêu chí mà nghiên cứu của chúng tôi đưa ra cũng chỉ là hệ thống chỉ tiêu chung dựa trên thống kê. Một số chỉ tiêu mới cần có điều tra chuyên đề để có số liệu. Giới kiến trúc sư đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo ra cuộc sống đô thị, bộ mặt đô thị. Tôi hoan nghênh giới kiến trúc - quy hoạch tham gia đóng góp, xây dựng dưới góc độ chuyên môn của họ. Điều này sẽ giúp cụ thể hóa hơn bộ tiêu chí. Tôi cũng mong các ngành nghề khác cũng có những tọa đàm, nghiên cứu chuyên sâu về đề tài này.
Với người dân đô thị, ông có ý kiến gì về nâng cao chất lượng sống?
Người dân đô thị vừa là chủ thể thụ hưởng vừa là chủ thể đóng vai trò quan trọng nhất của việc tạo dựng nên chất lượng sống. Tôi còn nhớ nguyên Chủ tịch thành phố Lê Hoàng Quân khi chỉ đạo nghiên cứu chủ đề này có nói là công việc này không chỉ cho chúng ta một định hướng mà có những việc còn để lại cho con cháu tiếp tục. Tôi mong muốn chúng ta sẽ tuyên truyền sao đó để người dân hiểu rõ, hiểu đúng thế nào là cuộc sống có chất lượng tốt. Trên cơ sở đó, mỗi cư dân đô thị sẽ hiểu rõ hơn vai trò của mình trong việc xây dựng, gìn giữ chất lượng cuộc sống.
“Một thành phố văn minh, hiện đại là một thành phố mà trong đó người dân cảm thấy thoải mái hạnh phúc và được sống tốt. Triết lý phát triển đô thị là nằm ở đây. Con người không phải là con người chung chung mà là con người cụ thể của địa phương đó. Quan điểm phát triển phải mang tính bền vững, mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn liền chất lượng cuộc sống của người dân, sự hài lòng của người dân về dịch vụ đô thị và dịch vụ công là cơ sở để đánh giá chất lượng của sự phát triển. Phát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển văn hóa - xã hội, văn hóa vừa là nền tảng vừa là động lực cho phát triển kinh tế”.
(Trích báo cáo về “Thành phố sống tốt” và “Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình” của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)
“Hệ thống tiêu chí thành phố sống tốt theo GS Michael Douglass có 4 nhóm và 20 tiêu chí; Hệ thống tiêu chí chất lượng sống của Mercer có 10 nhóm và 39 tiêu chí; Hệ thống tiêu chí sống tốt, văn minh, hiện đại của TP.HCM có 7 nhóm và 29 tiêu chí cấp 1.
Hệ thống tiêu chí TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình có ý nghĩa quan trọng cho quá trình xây dựng và phát triển của thành phố trong những năm tiếp theo, là một trong những cơ sở đánh giá hiệu quả của quá trình quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền thành phố; hệ thống chỉ tiêu này đã bao gồm hầu hết các nhóm yếu tố về thành phố sống tốt và chất lượng cuộc sống của các thành phố tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, để hệ thống các tiêu chí này ngày càng trở nên hiện thực, mang tính khả thi cao hơn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp, của toàn bộ hệ thống chính trị; đặc biệt là sự ủng hộ, đồng lòng của người dân thành phố trong quá trình xây dựng TP.HCM trở thành thành phố sống tốt, văn minh, hiện đại”.
(Trích báo cáo về “Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)
Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống, số 117