Hữu xạ tự nhiên hương, dù chưa một lần Harper lên tiếng đánh bóng cho tên tuổi mình nhưng với tài năng sáng rỡ như thế, mọi người tự khắc biết đến ông; đôi khi không phải dưới cái tên Irving Harper, mà bằng những thiết kế độc đáo đã đi vào lịch sử như Đồng hồ tia ánh dương (Sunburst Clock), Ghế kẹo mềm (Marshmallow sofa), hay thậm chí cả logo của hãng nội thất danh tiếng Herman Miller cũng do chính tay ông thiết kế.
Paul Makovsky đã từng viết thế này trong tạp chí Metropolis (2001) “Có nhiều khả năng bạn chưa bao giờ nghe đến tên Irving Harper, nhưng hẳn là bạn đã từng thấy tác phẩm của ông ấy rồi”. Đó là bởi vì mọi thiết kế nổi bật nhất trong sự nghiệp thiết kế nội thất của ông đều mang tên của tập đoàn George Nelson. Harper từng tiết lộ với Makovsky rằng ông rất biết ơn Nelson vì những gì đã làm cho ông. Vì thế khi Nelson còn sống, ông chưa bao giờ đòi hỏi bất kỳ điều gì cho bản thân mình, kể cả sự công nhận về nguồn gốc thiết kế. “Nhưng giờ người đã khuất núi, mà mỗi khi ai nhắc đến Ghế kẹo mềm như “một thiết kế của hãng George Nelson”, thì lại khiến tôi chạnh lòng lắm. Tôi thường không hay cải chính những chuyện như thế, nhưng nếu có ai hỏi tôi người nào đã thiết kế chiếc ghế, tôi sẽ vô cùng vui sướng nói cho họ biết”.
Sự nghiệp của ông bắt đầu trở nên sáng rỡ khi Irving Harper gặp George Nelson và được nhận làm trong tập đoàn Nelson. Ông đã nắm giữ chức vụ giám đốc thiết kế trong suốt 16 năm sau đó. Và một trong những thiết kế nổi bật của ông là logo Herman Miller cho dự án quảng cáo đầu tiên của hãng với chữ M to đẹp bắt mắt. Sau đó, ông liên tục cho ra đời các thiết kế độc đáo, phá cách như đồng hồ Hoa hướng dương (Sunflower Clock), đồng hồ Polygon, và đồng hồ Quả bóng (Ball Clock). Tất cả các thiết kế đó sau này đều được vinh dự góp mặt trong danh sách những chiếc đồng hồ mang tính biểu tượng của Vitra.
Sau khi rời khỏi Nelson, ông cộng tác với Phillip George và khai trương studio riêng mang tên Harper+George. Họ cùng nhau thực hiện nhiều dự án liên quan đến thời trang và nghệ thuật. Trong khoảng thời gian ấy, Irving Harper đã phát triển sở thích tạo hình từ giấy của mình lên một tầm cao mới. Chỉ với những chiếc thước kẻ uốn lượn và một cây kéo, ông đã cho ra đời những tác phẩm cầu kỳ, tinh tế và đẹp đến choáng ngợp. Irving và George ngưng cộng tác vào năm 1983, nhưng Harper vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê của mình, và chất đầy nhà, kho ở Rye, New York toàn những tượng điêu khắc giấy sáng tạo. Giờ đây khi ông mất, chúng chính là những vật gợi nhớ và là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tài hoa, óc sáng tạo và kỹ năng xóa nhòa cái ranh giới mỏng manh giữa nghệ thuật và thiết kế.
Đồng hồ Tia ánh dương (1948), một trong những thiết kế đầu tiên và nổi bật nhất của Irving Harper và đồng hồ Polygon (1961) được tạo thành từ các khối đa giác, góc cạnh nhưng cũng vô cùng mềm mại vì vẻ ngoài của nó giúp ta liên tưởng tới bông hoa bồ công anh
Đồng hồ Eye (1957) với cái tên nói lên tất cả. Có hình dạng mô phỏng con mắt, chiếc đồng hồ này là minh chứng rõ ràng cho khả năng xóa nhòa ranh giới giữa thiết kế và nghệ thuật của Irving Harper
Đồng hồ Star (1955) mảnh mai, quyến rũ, mô phỏng ánh sáng lấp lánh của một ngôi sao trên bầu trời đêm
Đồng hồ Turbine (1957) mạnh mẽ quyết liệt và có một vẻ đẹp đậm chất cơ khí
Đồng hồ Asterisk (1953) nhỏ nhắn xinh xắn như chính dấu hoa thị mà nó mô phỏng
Đồng hồ Birdcage với vẻ đẹp cầu kỳ, tinh tế sẽ dễ dàng trở thành món đồ nội thất ngôi sao ở trong bất kỳ căn phòng nào
Đồng hồ Steering Wheel (1948) có vẻ như các chi tiết cơ khí đã tạo nên rất nhiều cảm hứng cho việc thiết kế đồng hồ của Irving Harper, và chiếc đồng hồ hình bánh xe nước này cũng là một trong số đó
Các thiết kế đồng hồ để bàn thời đại mới
Chong chóng gió Carousel Weather là một vật trang trí đặc sắc có thiết kế lấy cảm hứng từ vòng quay ngựa gỗ và các tua-bin gió
Những tác phẩm điêu khắc tạo hình bằng giấy của Irving Harper trưng bày trong nhà, và kho thóc của ông tại Rye, New York. Với sự đa dạng phong phú trong thể loại, và cầu kỳ tỉ mỉ sáng tạo hình dáng (các ảnh bên dưới)
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 113