Ánh sáng và sự tĩnh lặng

Lượt xem: 4128
6/3/2018 0:00 - Nhà ở
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài Vân Sam ảnh Zhivago    

Khả năng thu xếp linh hoạt này đã phát huy trọn vẹn ở sáu năm sau, khi chị - hoạ sĩ, nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang và chồng chị, violist Tăng Thành Nam, có được một ngôi nhà riêng biệt của chính họ, trong một con đường nhỏ yên tĩnh giáp ranh giữa quận 3 và quận Phú Nhuận.

 
Ngôi nhà của chị chiều ngang 3,6m, dài 14m, nằm ở khu vực đường Lê Văn Sỹ. Ngôi nhà được thiết kế lệch tầng, tạo các không gian vừa kết nối, vừa tách biệt. Trng ảnh là một góc làm việc của họ sĩ 
 
Lúc mới lập gia đình, còn phải sống chung với bố mẹ trong một ngôi nhà rộng rãi ở quận 3, người phụ nữ trẻ ấy đã thể hiện khả năng thu xếp thông minh khi tạo nên một không gian sống hài hoà giữa riêng và chung, giữa công việc chị theo đuổi là vẽ tranh với các nhu cầu sinh hoạt quen thuộc của một gia đình nhỏ. Bất kỳ ai đến nhà chị vào thời điểm ấy đều thích thú với các vật dụng nội thất được chính tay chị thiết kế và sắp xếp, chẳng hạn các kệ tủ nhỏ xinh mà đầy công năng, góc cầu thang được tận dụng để làm khu bếp nhỏ nhắn hữu dụng… Khả năng thu xếp linh hoạt này đã phát huy trọn vẹn ở sáu năm sau, khi chị – hoạ sĩ, có được một ngôi nhà riêng.
 
Là một người cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, khi chọn không gian  sống, đòi hỏi nào được chị ưu tiên hàng đầu?
Sau thời gian ở chung với ba mẹ, tích luỹ được một khoản tiền, vợ chồng tôi quyết định ra riêng. Đầu tiên, tôi mua căn hộ chung cư ba phòng ngủ ở quận 4, sẽ dành một phòng làm nơi vẽ tranh. Tuy nhiên, khi đã thiết kế và hoàn thiện xong nội thất, tôi lại có bầu, chuẩn bị có em bé thứ hai. Như vậy, ba phòng cho bốn người là không đủ, tôi quyết định ngay là bán căn hộ, tìm mua một ngôi nhà ở khu vực quận 3 hoặc Phú Nhuận, ở gần nhà bố mẹ, và nhất là phải có được một không gian riêng để làm việc. 
 
Để chọn được ngôi nhà ưng ý, nhất là với một cặp vợ chồng trẻ, luôn là một công việc mệt nhoài. Với chị thì sao?
Cho đến thời điểm này, tôi luôn tin rằng giữa ngôi nhà và vợ chồng tôi có một cơ duyên đặc biệt. Chẳng hạn thời điểm tôi muốn tìm mua nhà phố, cơn sốt nhà chung cư cao cấp tăng cao nên tôi bán căn hộ rất nhanh và được giá. Quãng đầu năm 2008 thì vợ chồng tôi được giới thiệu đến xem ngôi nhà này. Hướng nhà phía tây, theo phong thuỷ, rất hợp với vợ chồng tôi. Lạ nữa, trước tôi, ông chủ cũ ngôi nhà từ chối rất nhiều người khác chỉ vì một bản vẽ nào đấy. Để mua được căn nhà phố, hai vợ chồng tôi cũng phải vay mượn thêm. Nhưng từ khi dọn về ở, chỉ trong nửa năm chúng tôi đã giải quyết hết nợ nần. Hệt như ngôi nhà muốn chúng tôi ở đây với nó. Không hẳn là chủ chọn nhà, mà ngôi nhà chọn chủ thì đúng với trường hợp của chúng tôi hơn.
 
Đặt ra một số yêu cầu cụ thể như phải đủ phòng cho các con, có đủ các không gian sinh hoạt, nhất là phải có nơi chốn riêng để sáng tác, ngôi nhà này đã thuyết phục chị ở điểm nào nhiều nhất?
Tôi ưng ý nhất là ánh sáng của ngôi nhà này. Nhờ chủ trước xây lệch tầng phá vỡ kiểu nhà phố hình ống thông thường, nên tất cả các phòng phía trước và phía sau nhận rất nhiều ánh sáng, không khí thông thoáng mát mẻ, các cửa sổ đều đón được khí trời. Ngôi nhà nhỏ xinh nhưng vẫn có đủ các không gian cần thiết như garage để xe hơi, phòng bếp kiêm phòng ăn, phòng khách, phòng ngủ cho các con, phòng ngủ cho khách, sân thượng để thỉnh thoảng vợ chồng tôi mời bạn bè đến tổ chức barbecue, và thích nhất là tôi có hẳn một phòng riêng để tha hồ vẽ tranh và cất giữ tác phẩm.
 
 
Một số tác phẩm mới nhất của hoạ sĩ
 
Các họa sĩ thường thích chọn tầng trệt trong ngôi nhà của mình làm xưởng vẽ, chị lại chọn một căn phòng ở tận tầng 3. Chị muốn được yên tĩnh, có nhiều ánh sáng trời hay vì lý do nào khác?
 Ánh sáng và sự tĩnh lặng là hai yếu tố quan trọng. Nhưng hơn hết, từ cửa sổ của phòng vẽ, tôi có thể phóng mắt nhìn xuống khoảng sân cả ngàn mét vuông với nhiều cây xanh của một ngôi trường. Cái “view” rộng mở rất đẹp này giống như một món quà bất ngờ mà đến sống ở ngôi nhà, tôi được trao tặng. Thú thật là tôi hài lòng với cái xưởng vẽ xinh xinh này. Có thể nó hơi nhỏ, vì tôi quen vẽ tranh sơn dầu khổ lớn rộng từ 1,5m đến 2m2 trở lên, cần khoảng không để lùi lại quan sát, nhưng thời điểm này tôi vẽ lụa, kích thước vừa phải để làm tranh ghép nên căn phòng này là đủ. 
Trong ngôi nhà của người làm nghệ thuật, việc thu xếp hài hoà giữa không gian sống và không gian làm việc luôn là bài toán khó. Giải quyết làm sao để cả hai tồn tại song song, không gây trở ngại lẫn nhau quả không đơn giản chút nào. Điều chính yếu là biết thu xếp và tận dụng. Với anh Nam, ông xã tôi thì dễ rồi. “Góc làm việc” của anh ấy chỉ là một cái giá nhạc. Nên anh có thể dời nó đến bất cứ phòng nào anh ấy thích để tập đàn. Còn tôi thì có phòng vẽ này. Ngoài ra, tôi còn sắp xếp kết hợp phòng viết của mình cũng là phòng dành cho khách khi đến chơi ở lại nhà qua đêm.
 
Chị đã đầu tư thêm ra sao để ngôi nhà này thực sự theo ý mình? Nếu có mong ước thêm cho ngôi nhà, thì chị sẽ chọn điều gì?
Lúc gia đình chúng tôi dọn về thì ngôi nhà mới xây. Tôi chỉ việc làm lại một chút gạch nền, tự thiết kế và đóng thêm đồ gỗ trang trí, tận dụng các góc cầu thang để làm tiểu cảnh. Cho đến bây giờ, tôi vẫn muốn hoàn thiện thêm, chẳng hạn sơn lại một bức tường phòng khách thành màu nóng để làm điểm nhấn, tự vẽ các tranh kích cỡ vừa phải để trang trí hành lang và cầu thang. Còn nếu có điều ước, thì tôi chỉ muốn ngôi nhà mình rộng thêm bề ngang một chút nữa để tiện bài trí đồ đạc. Hiện nay, con gái lớn của chúng tôi đã đến tuổi học piano. Tôi sẽ mua đàn, nhưng còn đang phân vân chưa biết đặt đàn vào đâu là thuận mắt hơn cả.
 
Một số triển lãm cá nhân
- Những ngôi làng cổ (năm 1997 tại Việt Nam)
- Những gương mặt đến từ tương lai (năm 2001 tại Việt Nam)
- Vẻ đẹp của tôi trong tình yêu (năm 2003 tại Việt Nam)
- Trở về tình yêu; Giấc mơ trong ngày của tôi (năm 2004 tại Mỹ)
 
Một số tác phẩm văn học đã xuất bản
- Chợ tình (tập truyện, NXB Trẻ 1996)
- Tóc ngắn (tiểu thuyết, NXB Kim Đồng 1999)
- Bay qua thời gian (bút ký, NXB Hội Nhà Văn 2001)
- Trở về tình yêu (tập truyện ngắn, NXB Phụ Nữ năm 2004)
- Người gác bình minh (tập truyện, NXB Kim Đồng 2008)
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 44-45