Từ cảnh quan bên ngoài đi vào ngôi nhà, phong thủy trong nếp nhà Việt truyền thống có biên độ linh hoạt khá rộng tùy theo từng tình huống cụ thể
Tìm an lại gặp bất an
Sở dĩ nói vậy vì gia chủ đến với phong thủy là để tìm sự an tâm, an lành cho nhà mình, nhưng lại rất dễ gặp bất an nếu các “thầy bà” mê tín dị đoan hay đẩy các bên làm nhà vào bất ổn trong quan hệ. Cụ thể là:
- Lời nói gió bay, tiền thầy bỏ túi:
Những ngôi nhà lạm dụng các hình thức trang trí nhuốm màu mê tín luôn bị kiểu cách xưa cũ, trưng bày vật phẩm phong thủy chen chúc, lạc lõng với bối cảnh chung. Một số nhà gặp thầy phong thủy kiêm luôn các vai trò cầu cúng và kinh doanh vật phẩm phong thủy thì nội ngoại thất trông khá lệch lạc, đủ thứ phù hiệu, tượng tôn giáo, hoa văn họa tiết… mang dáng vẻ hoài cổ, cầu kỳ, phản cảm với quan điểm thiết kế hiện đại. Việc nhân danh phong thủy khi xen vào quá trình làm nhà luôn dễ hơn so với giải quyết các vấn đề kỹ thuật - mỹ thuật đòi hỏi chuyên môn cao mà đa số các “thầy bà” đều không đủ trình độ xử lý.
- Thà tin rằng có hơn ngờ là không:
Do gia chủ “đi xem thầy” khi thiết kế đã gần hoàn chỉnh, hoặc nhà lên xong phần khung thô rồi mời “thầy bà” đến để “phán” rồi… đập phá, rất dễ gây ra xáo trộn. Khi người đến sau không rõ gốc tích ngọn ngành của quá trình tư vấn - thiết kế - xây dựng mà cứ vào phán bừa: bếp sao lại đặt thế này, cửa mở thế kia! Vấn đề nằm ở tâm lý bất an của đại đa số gia chủ, luôn muốn “chắc ăn” nên hay tham khảo, và đa số những ý kiến bên ngoài thường nhắm trúng vào tâm lý đó. Ngay cả khi cách bố trí là do chính gia thủy đòi hỏi lúc đầu, thì nhà thiết kế vẫn thường nhận “trái đắng” theo kiểu: thì anh chị không biết nên mới làm vậy, may mà có thầy xuống coi, nên em chịu khó sửa theo… Việc đặt ra nhiệm vụ thiết kế trong đó có giao hẹn về phong thủy rất quan trọng, vừa giúp gia chủ xác định ý muốn của mình rõ ràng, vừa giúp người chuyên môn kiểm soát, tư vấn, phản biện được ý gia chủ, bảo vệ phương án của mình. Việc ai nấy làm, nếu không phân định rõ thì kiểu hành xử “đổ thừa” rất dễ xảy ra.
- Trở đi mắc núi trở lại mắc sông:
Xử lý thông tin từ các thầy địa lý hoặc sách vở, tài liệu trên mạng đều không thể trực tiếp cụ thể bằng nhà chuyên môn khi khảo sát ngôi nhà, khu đất xây dựng và lên phương án thiết kế. Thậm chí cho dù khu đất có hợp hướng, có “tọa sơn hướng thủy”, có “minh đường thoáng rộng”… như sách vở truyền tụng thì vẫn phải phân tích thật kỹ hiện trạng mà phong thủy gọi là bước Khảo sát Hình Thế. Cách tiếp cận “qua đường” như các “thầy bà” phong thủy chỉ nhắm đúng toa thuốc họ có nên sẽ áp đặt lệch lạc, thậm chí không đứng ở vai trò làm thiết kế thì sẽ chỉ “phán bừa” mà không cần biết nhà chuyên môn có xử lý được không. Gia chủ khi nghe lời phán bậy sẽ mắc kẹt ở giữa, nhất là với kiến trúc sư có cá tính mạnh thì dễ đổ vỡ quan hệ, đường ai nấy đi.
Như vậy có 2 vấn đề cần hiểu rõ: (a) Việc thiết kế nhà hợp phong thủy phải qua đủ các bước khảo sát - phân tích - định vị - sắp xếp đầy đủ và chi tiết từ đầu, chứ không đơn thuần là có mấy gạch đầu dòng, hình tham khảo trên mạng… (b) Nhà thiết kế cần xác định rằng: đã làm nhà tư nhân ở Việt Nam thì sớm hay muộn đều bị “dính đòn” phong thủy, không nên né tránh, mà cần tiếp xúc sớm để có giao hẹn công việc, trách nhiệm rõ ràng.

Truyền thống và hiện đại, thiên nhiên và nhân tạo luôn không thể tách rời trong kiến trúc xưa và nay, chứ không phải làm nhà theo phong thủy là đặt tỳ hưu, gương bát quái…
Để giữ hòa khí đa phương
Tại Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc và các khu vực có nhóm cư dân Hoa, Việt sinh sống… các công trình xây dựng lớn nhỏ đều có sự tham gia của chuyên viên phong thủy ở mọi công đoạn. Và các nước văn minh luôn giao trọng trách cho kiến trúc sư chủ trì làm người “xâu chuỗi” lại toàn bộ dữ liệu để cho ra sản phẩm thiết kế đáp ứng được tối đa mong muốn của chủ đầu tư. Thiết kế hài hòa phong thủy một cách khoa học và hiện đại khá gần với quan điểm thiết kế kiến trúc bền vững, tiết kiệm năng lượng, giảm xâm hại môi trường… hiện là xu thế tất yếu trên thế giới, cách chuyên gia phong thủy cũng biết “vùng hoạt động” của mình để không lộng hành.
Ở Việt Nam gần đây đã bắt đầu “phân công lao động” việc này rõ hơn. Kiến trúc sư, nhà thiết kế dù được đào tạo về phong thủy hay không cũng dễ dàng tham khảo, tra cứu kiến thức, xác lập thái độ “khôn khéo” hơn khi đụng chạm phong thủy. Từ thu thập dữ liệu ban đầu, tư vấn chọn đất, chọn hướng nhà sao cho hợp khí hậu và mệnh trạch gia chủ, sau đó đến bố cục không gian và kỹ thuật xây cất… nhiều công ty đã xây dựng đội ngũ sale - marketing được đào tạo cơ bản về phong thủy, dĩ nhiên ở mức phổ quát và căn bản, như Bát Trạch chọn nhà hợp mệnh, hay các Hình Thế Loan Đầu tốt xấu. Mọi người dần hiểu vấn đề mệnh trạch trong phong thủy luôn thay đổi tùy theo chu kỳ sinh học và biến thiên thời gian, không có cuộc đất ngôi nhà nào hoàn hảo hoặc tồi tệ về phong thủy, mà chỉ có những hạn chế hoặc lợi điểm nhất thời. Nhà có thể xấu với người này nhưng hợp với người khác, vấn đề là sự chọn lựa cũng như điều chỉnh khắc phục sao cho hài hòa.
Xin chia sẻ dưới đây một số kinh nghiệm của giới chuyên môn tại Singapore và Trung Quốc trong ứng xử với vấn đề này:
- Do không có một hình mẫu thiết kế nhà theo phong thủy nào áp dụng đại trà được, mà tùy thuộc điều kiện và nhu cầu cụ thể, người thiết kế sẽ sắp xếp ngôi nhà theo khả năng chủ nhân. Giới thiết kế tạo nên một khoảng thời gian “khởi động” của các dự án để làm concept và giao tiếp qua lại, xác lập định hướng, quan niệm từ đầu liên quan nhiều mặt, trong đó có phong thủy. Khoảng thời gian “trễ” này giúp các bên nhìn nhận tốt hơn và cũng để cho người thiết kế không sa vào “binh bố” ngay, tránh chỉnh sửa, xáo trộn nhiều về sau.
- Phong thủy thuộc dạng hành xử văn hóa, luôn biến đổi, mai một hoặc sai lệch theo thời gian, cho nên một trung niên xây nhà năm 2022 (tương đương lứa tuổi 8X) sẽ ít chọn kiểu “ập gụ tủ chè, chóp nọ cột kia” như lứa 6X giờ đã nghỉ hưu. Vì nhà cửa ngày càng hiện đại hơn nên các “hình mẫu phong thủy” cũng biến tấu nhiều, do đó kiến trúc nếu làm không gian mở và linh động sẽ giảm xáo trộn phần cứng khi gia chủ thay đổi bài trí nội thất. Đây cũng là tính chuyển tiếp, dung hòa trong phong thủy mà ngôi nhà truyền thống của cha ông ta đã làm rất tốt nhờ hạn chế ngăn chia phức tạp.
- Yếu tố thời gian, như thời điểm khởi công (động thổ) đến dọn vào nhà ở (nhập trạch) liên quan mật thiết với tuổi gia chủ - chu kỳ sinh học của con người - và phải được xem xét trên quan điểm phát triển bền vững. Nhà thiết kế giờ đây còn phải lắng nghe quan niệm về đầu tư, về sử dụng tài sản, thái độ sống… của gia chủ để từ đó chia sẻ, chọn lọc những giải pháp hợp với môi trường ngoại cảnh, với chủ thể sử dụng, với đối tượng tiếp xúc… trong quan hệ thời gian - không gian thực, chứ không phải chỉ trên mô hình 3D hay phần mềm, tư liệu internet… thuần túy.
- Nên tạo cá tính riêng, dấu ấn và điểm nhấn mang “thương hiệu cá nhân” của gia chủ bằng nhiều cách. Giới trẻ làm nhà luôn vừa đòi hỏi theo xu hướng chung, vừa muốn nêu bật cái tôi riêng. Khi ngôi nhà có một loại cây gia chủ thích, vài bức tranh thể hiện cá tính riêng, hay một góc để sống ảo như ý… thì sẽ “thỏa mãn cái tôi” nhiều hơn, góp phần tốt hơn cho quá trình làm việc giữa các bên, thay vì làm nhà theo thuần túy ý tưởng của kiến trúc sư.
Có thể thấy, để có Thiên Thời - Địa Lợi - Nhân Hòa trong làm nhà, thì biết “chiều” theo phong thủy sao cho khoa học, và cá nhân hóa không gian sống của gia chủ là cặp chìa khóa để nhà chuyên môn mở ra vùng giao tiếp thuận lợi giữa các bên. Ở chiều ngược lại, gia chủ cần hiểu rằng những chỉ định phong thủy cơ bản kiểu như hướng bếp, vị trí bàn thờ, kích thước cửa… chỉ là chi tiết, vấn đề cốt lõi của thiết kế hài hòa phong thủy nằm ở phạm vi rộng hơn, đi từ bên ngoài vào nội thất, lấy con người (gia đình gia chủ) làm trung tâm, không nhà nào giống nhà nào, căn cứ từng tình huống cụ thể để thiết kế được phù hợp, hài hòa một cách tương đối trong khả năng cho phép.

Các điểm nhấn tạo cá tính cho nhà không nhất thiết tốn kém cầu kỳ, cần gắn với cá tính và sở thích gia chủ, tránh áp đặt khiên cưỡng
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 193