Vô chiêu có thắng hữu chiêu?

Lượt xem: 2706
12/8/2022 15:00 - Tư vấn phong thủy
Tác giả: Bài ThS.KTS HÀ ANH TUẤN Ảnh KHÁNH PHƯƠNG

Câu chuyện về ứng xử với phong thủy trong hành nghề thiết kế kiến trúc - nội thất hay bị nghẽn mạch, khó có tiếng nói chung khi một bên bắt đầu kêu ca rằng bên kia không hiểu mình, không tạo điều kiện cho mình thể hiện… Sự trao đổi thuần túy học thuật (dù là thuần kiến trúc hay thuần về phong thủy) sẽ khó được chấp nhận nếu mỗi bên vẫn khư khư giữ giới hạn của nghề nghiệp mình, và tìm cách “hạ bệ” phía còn lại, có thể nhân danh tâm linh, khoa học, hay thậm chí là những khía cạnh dịch vụ, kinh tế… khác. Do đó, nên chăng tiếp cận vấn đề này trong mức độ văn hóa ứng xử, thứ mà có thể vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, các bên đã xem nhẹ khi làm việc cùng nhau.

 
Từ nhìn nhận phong thủy như nhiệm vụ thiết kế, đến hiểu biết các trường phái phong thủy thịnh hành sẽ giúp nhà chuyên môn ứng xử kịp thời khi bị “thầy” phong thủy can thiệp
 
Thắng thua và thiệt hại của các bên
Cần nói ngay là không thể đem tư tưởng thắng thua vào quan hệ các bên trong hành nghề kiến trúc, xây dựng, vì bản chất thị trường này vẫn là nhu cầu của chủ đầu tư và khả năng đáp ứng nhu cầu đó của giới chuyên môn, nhà cung cấp dịch vụ. Thuận mua vừa bán, ai phù hợp sẽ được lựa chọn, những “siêu sao đắt giá” của giới làm nghề đang trong “thời tới cản không kịp” sẽ không thuộc phạm vi đề cập của câu chuyện này. 
Các nhà chuyên môn trẻ hay kêu ca là bị chủ đầu tư áp chế, bị “thầy” phong thủy áp đặt, bị thời gian áp lực… nhưng nếu xem xét khách quan thì những cái “áp” đó chỉ tùy góc nhìn, nếu bạn đủ chuyên nghiệp thì bạn sẽ có thể làm được việc của mình mà không cần ai “giảm áp” cả. Thường thì các thầy phong thủy và gia chủ không hề có “chiêu trò” gì với nhà chuyên môn khi làm việc. Họ đơn giản chỉ nêu lên “tôi muốn, tôi nghe nói, tôi sợ rằng, tôi thấy chỗ này thì phải, chỗ kia thì nên, tôi kiêng cái này, kỵ chuyện kia…”. Đa số họ đều không thể, không muốn, không biết làm thay việc của nhà chuyên môn. Còn nếu bạn thấy họ xen vào việc của bạn lúc nào đó thì một là bạn đang quá nhạy cảm, tự ái, hai là họ giao tiếp không đủ khéo léo, hoặc ba là do chính bạn không làm nổi việc họ muốn, nên họ phải nhảy vào. Các thiệt hại ở đây là thời gian kéo dài, chi phí gia tăng, và chủ đầu tư kêu ca, phản ứng, mâu thuẫn gay gắt với nhà chuyên môn. Nếu xem mâu thuẫn này như lẽ đương nhiên của quá trình làm việc, không thể trông chờ vào may mắn “gặp chủ nhà tốt” và “thầy phong thủy biết kiến trúc” thì nhà chuyên môn sẽ nhận ra: thay đổi chính mình quan trọng hơn là trông chờ người khác, đó cũng là “kinh nghiệm xương máu” của đa số nhà chuyên môn thành đạt, những ai biết làm việc hợp quy luật chung của thị trường nhà ở tư nhân tại Việt Nam.
 
Dịch học lấy “cân bằng âm dương, lấy chỗ thừa bù vào chỗ thiếu” chính là vừa hợp lẽ tự nhiên của mọi mối quan hệ xã hội, mà vừa đúng với các kỹ năng thiết kế của người làm nhà dựng cửa xưa nay
 
Hợp quy luật để win-win
Đa số kiến trúc sư trẻ tin rằng cần phải có những công trình đầu tay “thật chất”, rồi nhờ mạng xã hội, hay các kênh truyền thông sẽ tạo nên thương hiệu (cá nhân và công ty) để gầy dựng sự nghiệp. Điều này cơ bản là đúng, nhưng chưa đủ, vì tính biến động cao của thị trường, sự ảnh hưởng của văn hóa cư trú, ăn ở, của kinh tế và tâm lý khách hàng… khiến một nhà thiết kế có thể rất thành công ở công trình này nhưng lại vô danh ở dự án khác. Làm công trình lớn, làm với tập đoàn nước ngoài có khi lại “dễ ăn” hơn là nhận một căn hộ, ngôi nhà phố nhỏ xíu, bởi khi đứng mũi chịu sào khác với ở trong hệ thống, bởi các áp lực dự án công cộng diện tích lớn không giống đòi hỏi lắt nhắt chi li của nhà ở tư nhân. Chuyện phong thủy cũng có các quy luật riêng mà người học rộng hiểu nhiều vẫn bị sa lầy, bỏ cuộc hoặc chấp nhận “thương đau” để rút ra bài học kinh nghiệm.
Câu chuyện ứng xử sao cho các bên cùng thắng (win- win) cần tiến hành qua các cấp độ nhận thức và hành xử, dù tính khoa học hay tâm linh của phong thủy có như thế nào. Từ thái độ nhìn nhận phong thủy như nhiệm vụ thiết kế, đến hiểu biết các trường phái phong thủy thịnh hành (Bát Trạch, Hình Thế, Huyền Không…) sẽ giúp nhà chuyên môn ứng xử kịp thời khi bị “thầy” phong thủy can thiệp. Ví dụ như biết về phối mệnh Bát Trạch sẽ giúp nhà chuyên môn nắm rõ tuổi gia chủ nên đặt bếp về đâu, xoay bếp hướng nào, để từ sơ phác ban đầu đã chủ động “ khoanh vùng” khu vực đặt bếp lò, còn những thứ phụ trợ khác như tủ lạnh, quầy bar… thì chẳng có ai xen vào xếp đặt phong thủy đâu. Sự hiểu biết (dù ở cơ bản) sẽ đem đến thay đổi nhận thức, từ đó chuyển qua thái độ tự tin, hợp tác, và khả năng sáng tạo theo khuôn khổ đã định.
Trong các tác phẩm tiểu thuyết - phim ảnh võ hiệp, khái niệm “vô chiêu thắng hữu chiêu” được nhắc đến nhiều lần với các biểu hiện thú vị, độc đáo và không chỉ giới hạn trong võ thuật hay “hành tẩu giang hồ”. Đó thực sự là triết lý rút ra từ vô số kinh nghiệm sống và tri thức của văn hóa Đông phương trong ứng xử giữa con người với thiên nhiên, và con người trong các mối quan hệ xã hội. Nhu có thể thắng cương, trống rỗng để nhận được nhiều hơn, buông xả để tránh tràn đầy… là các biến thể suy nghĩ - hành động của “vô chiêu” khi gặp tình huống, đối thủ, vấn đề mang nặng “chiêu trò, áp chế” của cuộc sống, nhân gian. Thực tế kiến trúc và hành nghề kiến trúc lại ẩn chứa và tồn tại vô số mâu thuẫn sẵn có mà không dễ hóa giải, va chạm mà không thể tránh né, cụ thể là phong thủy và những “chiêu trò phong thủy” mà kiến trúc sư, nhà chuyên môn hay đụng phải. Liệu khi xảy ra áp chế về phong thủy, “vô chiêu” có thắng “hữu chiêu”, và thực ra “vô chiêu” trong hành nghề kiến trúc là gì?
 
 
“Vô chiêu” nhìn từ khoảng trống không gian
Trong Đạo đức kinh, Lão Tử đã nêu rõ triết lý “dụng ở chỗ không” thể hiện rõ mối quan hệ giữa con người - môi trường sống nằm ở những khoảng trống trong và ngoài nhà mới là yếu tố cơ bản làm nên tính chất nội ngoại thất. Trống để có chỗ thở, để hữu dụng và cũng để thay đổi, ứng xử trong môi trường luôn có biến động.
Khoảng trống ngoài nhà từ xưa đã được xác định là khoảng Minh Đường phía trước, khoảng hỗ trợ Thanh Long - Bạch Hổ 2 bên, và khoảng Hậu Chẩm làm điểm dựa phía sau. Gọi bằng tên gì, theo tỷ lệ ít nhiều tùy thuộc khu đất, nhưng về cơ bản luôn ưu tiên phần trước quang đãng có tầm nhìn rộng, phần sau cao ráo vững chắc, 2 bên trái phải có lối lưu thông, hỗ trợ, cân đối nhưng không giống hệt nhau mà phân chính phụ rõ ràng. Ngôi nhà hiện đại không nhiều đất đai để tổ chức hết các khoảng trống chung quanh như thế, cho nên lại càng cần gia chủ và người thiết kế lưu tâm bổ sung khoảng trống kết nối trong - ngoài thông qua cách mở cửa, bố trí không gian lưu thông, kết nối trên dưới nhờ giếng trời. Những không gian Thuần Âm (do không tiếp xúc được với môi trường bên ngoài) hay Thuần Dương (do dùng vào mục đích kinh doanh, giao tiếp nên thường xuyên va chạm, hứng chịu bụi bặm) đều cần có khoảng trống, khoảng đệm để cân bằng lại Âm Dương. Âm quá thì giếng trời mở thoáng đón được mưa nắng, trồng được ít cây xanh. Dương quá thì giếng trời như khoảng thông tầng chuyển tiếp để mọi người có “chỗ thở”, nội thất có điểm dẫn dắt thị giác, không ngột ngạt chen chúc.
Các định vị nêu trên hoàn toàn khoa học và dễ hiểu, không cần phải đọc sách chuyên sâu huyền bí hay theo “môn phái” nào cũng có thể áp dụng được. Tạo ra khoảng trống hợp lý để phân bố sắp xếp không gian, khoảng trống càng hữu dụng, bền đẹp và kinh tế thì càng tỏ rõ giá trị làm nghề của kiến trúc sư. Các định vị phong thủy dù là của các “thầy bà”, hay theo tư liệu truyền tụng cũng chỉ đơn giản là xác lập một vị trí và phương hướng của thành phần nào đó, rất sơ sài và không thể tồn tại hợp lý nếu không có sắp xếp tổ chức của người có hiểu biết và kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn. Và người đó nếu không phải là các nhà chuyên môn được đào tạo bài bản và có tâm huyết với nghề nghiệp, thì còn là ai nữa? Như Lão Tử nói: “Đạo thường không làm (tức là thuận với lẽ tự nhiên), nhưng không cái gì mà nó không làm. Trong Trời Đất, cái gì cũng có nguyên nhân…” mà Dịch học lấy “cân bằng âm dương, lấy chỗ thừa bù vào chỗ thiếu” chính là vừa hợp lẽ tự nhiên của mọi mối quan hệ xã hội, mà vừa đúng với các kỹ năng thiết kế của người làm nhà dựng cửa xưa nay.
Cho nên, để có thể dùng “vô chiêu” nào đó, người chuyên môn cần hiểu đơn giản rằng: sự tâm huyết, quan tâm đầy đủ nhiều khía cạnh của nhu cầu gia chủ (trong đó có phong thủy) sẽ giúp bạn có “vô số chiêu” để sắp xếp, xoay xở, tính toán cho giải pháp thiết kế mình đưa ra được đứng vững, được chấp nhận. 
Có vậy, thì mọi “hữu chiêu” nào đó sẽ chẳng thể nào lung lạc được bạn, và đôi bên cũng chẳng cần phải “qua chiêu” để va chạm nhau mà làm chi.
 

 

Tạo ra khoảng trống hợp lý để phân bố sắp xếp không gian, khoảng trống càng hữu dụng, bền đẹp và kinh tế thì càng tỏ rõ giá trị làm nghề của kiến trúc sư
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 194

Các tin khác