Đi vào vấn đề “mức độ đúng sai trong hoàn thiện công trình nói chung, và phòng tắm nói riêng” thì về cơ bản phong thủy cũng như giải pháp kiến trúc - xây dựng đều có điểm chung. Đó là sự thống nhất tạm gọi là nhất vị - nhị hướng - âm dương - ngũ hành. Các kiêng kỵ về vị trí và phương hướng của phòng tắm trong mối quan hệ với toàn nhà là cơ bản và cần đạt được, còn lại là vấn đề chọn lựa vật liệu - thiết bị sao cho hài hòa âm dương - ngũ hành.
Nếu xây nhà từ đầu thì gia chủ có nhiều khả năng lựa chọn vật liệu sao cho ưng ý và phù hợp. Nhưng nhiều trường hợp do thiếu cân nhắc từ đầu, hoặc sửa chữa cải tạo nhà thì đôi khi các bất lợi sinh ra chính từ việc dùng vật liệu không đúng nơi đúng chỗ. Khi đó, cũng chính giải pháp về vật liệu thay thế sẽ giúp khắc phục các bất lợi về sử dụng và phong thủy cho ngôi nhà.
Một dạng sai sót thường hay gặp trong phòng tắm là sử dụng “nhầm” vật liệu, đơn cử một số trường hợp sau:
Vật liệu không đảm bảo: Ví dụ, đá thô thường dùng trong sân vườn thì lạm dụng ốp tường khu vệ sinh khiến không gian trở nên nặng nề, âm u do đá thiên về tính âm nhiều, mà phòng tắm vốn đã có tính âm sẵn rồi.
Vật liệu kích cỡ nhỏ dùng trong không gian lớn và ngược lại. Điều này hay xảy ra với các loại gạch và thiết bị chiếu sáng phòng tắm. Ví dụ một bộ đèn to treo trong phòng tắm nhỏ gây nóng nực và ngột ngạt. Hoặc dùng gạch loại nhỏ như mosaic thủy tinh ốp lát toàn bộ phòng tắm khiến xuất hiện nhiều đường joint, lóng lánh nhiều làm rối mắt. Tất nhiên không có một khuôn mẫu bắt buộc về sử dụng kích cỡ vật liệu nào cả, nhưng nói chung sự tương xứng về tỷ lệ luôn đem lại hài hòa một cách cơ bản, các đột biến nếu có chỉ nên làm điểm xuyết.
Bề mặt của vật liệu gây tác động xấu lên người sử dụng như lạm dụng gạch sậm màu, dùng gỗ nhiều. Hoặc dùng mảng màu chói lọi xung khắc ngũ hành như đỏ, cam (thủy khắc hỏa) các vật liệu bóng quá như inox, gương mảng lớn gây chói mắt hay gây ra ảo giác, dùng kính suốt tới sàn làm vách mà không có decal phân biệt dễ gây tai nạn cho trẻ em, người già.
Vật liệu thiếu phân biệt giữa trong và ngoài phòng tắm, giữa khu khô và khu ướt, nhất là với dạng phòng tắm làm thông suốt với phòng ngủ, hoặc tạo nhiều hốc trang trí, để đồ trong phòng tắm mà không có điều kiện dọn dẹp, dùng giấy dán tường trong khu có độ ẩm nhiều… thì gây nên các bất lợi trong quá trình sử dụng.
Nhận ra được sự sai sót như nêu trên thì có thể khắc phục được. Ví dụ như thay gạch lát nền cho đúng công năng phòng tắm, thay màu sơn tường cho phù hợp với không gian hành thủy và mộc của phòng tắm sẽ giúp biến đổi rõ rệt trường khí của những không gian này.
Nhưng cũng có những vật liệu đắt tiền hoặc kiên cố khó có thể thay đổi được thì giải pháp phong thủy khắc phục là phủ lên bề mặt vật liệu đó một lớp vật liệu khác để giải trừ tác động xấu. Ví dụ tường phòng tắm đã lỡ ốp đá sần sùi nhiều thì có thể lăn sơn chống thấm màu sáng lên để giảm cảm giác tối và nặng. Việc đặt kế bên mảng vật liệu này bằng một chất liệu khác mang tính cải thiện trường khí, hoặc xung khắc với vật liệu có tính hung cũng giúp thay đổi cảm nhận về vật liệu theo chiều hướng có lợi hơn. Cụ thể, đặt chậu cây xanh kế bên mảng gương soi lớn, hoặc làm mờ mảng kính bằng decal, hoa văn trang trí giúp tạo nên những đóng mở không gian, tạo chiều sâu và tránh những tác động xấu khi một vật liệu không như ý đã “lỡ dùng”.
Dùng vật liệu theo mảng rõ ràng, ít cưa cắt vụn, có điểm nhấn đúng chỗ... giúp nội khí phòng tắm tươi tắn hơn. Sử dụng kính cà mờ là cách làm hiệu quả, gọn đẹp khi phân chia phòng tắm, tạo an toàn và kín đáo hơn
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 101