Những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến vườn không chỉ có các loài thực vật chịu hạn, mà còn có các vật liệu chịu hạn và các yếu tố trang trí khác.
Dưới đây là một vài nguyên tắc giúp bạn tạo lập cảnh quan một khu vườn chịu hạn dễ dàng hơn.
Lựa chọn thực vật
Khả năng kháng hạn của cây được xác định dựa trên khả năng có thể sống được trong điều kiện lượng mưa trung bình hoặc dưới trung bình của loài cây đó, và thường mang tính đặc trưng theo vùng. Vì vậy, thực vật phù hợp nên là những loài cây bản địa, với những đặc tính thích nghi hoàn toàn với điều kiện khí hậu tương tự, giúp hạn chế rủi ro trong quá trình thiết lập cảnh quan.
Các loài cây ưu tiên nên là cây thuộc họ lá bỏng, với thân thảo, lá mọng nước; hoặc cây có lá sáp giúp cây chống mất nước: sống đời, agao, tuyết sơn phi hồng, xô thơm,…
Ngoài ra, các loài cây thảo mộc cũng có khả năng chịu hạn, đồng thời còn có thể mang lại màu sắc và mùi hương dễ chịu cho khu vườn của bạn.
Các cây non cần được tưới nước thường xuyên hơn, đa phần các loài cây nên sử dụng cây rễ cọc, khi cây phát triển đủ lớn, chúng sẽ tự tìm kiếm nguồn nước ngầm.
Việc phối kết cây cần có sự tiết chế, đừng sử dụng quá nhiều chủng loại cây và kích thước để tránh khiến khu vườn của bạn trở nên hỗn độn, không có điểm nhấn chính. Hãy sắp xếp có thứ tự với các cây bụi nhỏ phía trước, đến cây bụi kích thước trung bình và các cây to phía sau. Có thể tận dụng chiều cao các cây để tạo độ che phủ phù hợp của tán lá.
Một vài cụm cỏ nhiều màu sắc uốn lượn quanh sân, một giàn hoa với sắc màu rực rỡ đưới ánh nắng, một chùm quả trĩu nặng trên cây... không chỉ làm che đi cái nắng gay gắt mà còn là một điểm nhấn thú vị cho khu vườn
Cảnh quan cứng và vật liệu
Đối với vườn chịu hạn, bạn hoàn toàn có thể thay thế việc trồng thực vật thành thảm bằng cách phối hợp cây trồng cùng các bãi đá, sỏi hoặc ốp lát. “Cảnh quan cứng” ở đây chiếm lợi thế chủ đạo đồng thời dễ dàng được sáng tạo trở thành đặc điểm riêng của vườn.
Vật liệu sử dụng nên là các vật liệu tự nhiên như đá, sỏi, gỗ… vừa có độ bền cao, vừa mau thoát nhiệt và đáp ứng được khả năng thoát nước tốt.
Điều đặc biệt của sỏi, đá cuội là chúng không bị phân hủy như mùn xanh hoặc dăm gỗ, tạo nên một lớp phủ hoàn hảo, gọn gàng giúp giữ độ ẩm cho bề mặt đất cũng như hạn chế xói mòn trong mùa mưa.
Nếu bạn bối rối không biết nên sử dụng và sắp xếp các vật liệu trên như thế nào, có thể đi theo các gợi ý sau:
1. Men theo gợi ý của mặt đất
Việc xếp đá tạo thành bồn, bậc trồng cây không còn xa lạ. Tuy nhiên, nếu khu vườn ở nơi có địa hình. Hãy tận dụng các sườn dốc tạo thành những bậc đá liên kết từ khu vực này sang khu vực khác trong vườn. Bạn hoàn toàn có thể kết thúc chuỗi bậc thang bằng một bức tường chắn - nơi trồng các loài cây nhiều sắc màu, làm điểm nhấn.
2. Tận dụng các đường dẫn
Hãy dựa vào sự trực quan và định hướng của các lối đi dạo trong vườn. Bạn có thể sáng tạo bằng nhiều kiểu ốp lát khác nhau. Tìm cảm hứng từ lối ốp mosic đặc trưng kiểu Bồ Đào Nha, hoặc biến hóa bằng những viên sỏi với nhiều kích thước và màu sắc khác biệt.
Khu vực sinh hoạt ngoài trời thường sẽ được ốp lát bởi các khối lát cứng, bạn có thể làm mềm tổng thể bằng việc kết hợp với đá chẻ hoặc viền đá cuội.
“Cỏ cây chen đá, lá chen hoa” là một yếu tố làm tăng sức hấp dẫn và đa dạng của một khu vườn chịu hạn
3. Những dòng suối khô
Mô tả những dòng suối tự nhiên trong thực tế, suối khô được lót bằng đá và trông viền bằng cây xanh hoặc xếp đá. Vừa là đặc trưng của những khu vườn chịu hạn, suối là giải pháp tuyệt vời để thoát nước mưa, giữ nước cho đật đồng thời, ngăn chặn những dòng nước mưa chảy mạnh ở nơi dốc.
4. Yếu tố trang trí khác
Giàn hoa, mái che - không chỉ che đi cái nắng gay gắt mà còn là một điểm nhấn thú vị cho khu vườn.
Các đài phun nước hay những tiểu cảnh nước nhỏ với các thiết kế kết hợp vật liệu đá sỏi, cũng có thể làm giảm đi phần nào sự khô nóng và tăng sự mềm mại của cảnh quan trong vườn.
Thưởng thức cảnh quan hài hòa là một điều tuyệt đẹp cho phép bạn ngồi lại và thư giản trong bóng râm trong khi khu vườn đã được thiết kế khôn ngoan nhằm giảm thiểu tối đa lượng nước sử dụng cũng như công chăm sóc. Với vườn chịu hạn, giờ đây bạn sẽ không cần dành quá nhiều thời gian bảo trì vườn, thậm chí những thực vật có hoa sẽ phát triển ngay cả trong điều kiện khô hạn; nhờ vậy ta có thêm thì giờ dành cho bản thân cũng như gia đình.
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 203