Thánh đường Phục Hưng

Lượt xem: 13779
24/2/2021 15:00 - Thế giới kiến trúc
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - KIM DUNG

Quần thể nhà thờ chánh tòa Florence là di sản độc đáo được UNESCO vinh danh, với sự đóng góp của nhiều danh nhân Ý trong quá trình xây dựng kéo dài 6 thế kỷ. Đặc biệt, đây là công trình kết hợp nhiều phong cách kiến trúc: Gothic, Roman và Phục Hưng.

 
Mặt bắc thánh đường trang trí theo kiến trúc tân Gothic
 
Nhà thờ và tháp chuông về đêm
 
Quần thể thánh đường
Nằm giữa quảng trường Piazza del Duomo và San Giovanni, quần thể gồm ba công trình: Vương cung thánh đường Santa Maria del Fiore, tháp chuông Campanile và phòng rửa tội St. John. Quần thể này lâu nay được coi là biểu tượng của toàn vùng Tuscany cũng như Florence, cái nôi phong trào Phục Hưng Ý. Cuối trung cổ, đầu phục hưng, Florence là một nhà nước thành bang thuộc Ý theo đạo Công giáo La Mã, thịnh vượng về tài chính, nổi tiếng về buôn bán len, lụa. Những nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị khi ấy muốn xây dựng một thánh đường đồ sộ, uy nghi nhằm giới thiệu Florence như một trung tâm kinh tế, văn hóa của châu Âu. 
Cuối thế kỷ 13, KTS Arnolfo di Cambio được chỉ định thiết kế Santa Maria del Fiore trên nền thánh đường cũ nhiều lần được xây dựng và mở rộng, có lịch sử từ thế kỷ thứ 4. Arnolfo chọn phong cách Gothic, kiến trúc thịnh hành của các tòa nhà tôn giáo từ thời trung cổ, xây dựng thánh đường hình thánh giá, ba gian dọc, chiều dài 153m và chiều rộng 38m. Chiều rộng cung thánh lên đến 90m, với chiều cao của mái vòm gian giữa là 23m. Hệ thống tầng hầm dành lưu giữ các dấu ấn lịch sử liên quan đến công trình xây dựng cũng như dành chôn cất những danh nhân liên quan đến thánh đường.  
Theo chuẩn mực, những tòa nhà theo kiến trúc Gothic trung cổ thường dựa rất nhiều vào hệ thống cột đỡ và bệ đá khổng lồ. Nhưng những nghệ sĩ Florence cuối thời trung cổ đã bắt đầu chê kiến trúc Gothic là xấu xí, thô kệch, khi đó khá thịnh hành ở Milan, một kình địch truyền thống của Florence. Thậm chí, tại Florence còn có lệnh cấm dùng các hệ thống cột đồ sộ kiểu Gothic khi xây dựng. Vì thế, Arnolfo đã tối giản những yếu tố bay bướm, sặc sỡ trong trang trí cũng như hệ thống trụ cột lớn của kiến trúc Gothic, chọn lọc những yếu tố đơn giản, nhẹ nhàng của phong cách roman trước đó pha trộn vào. 
 Cạnh thánh đường ở mặt phía tây là tháp chuông Campanile do Giotto thiết kế, một trong những đại diện của kiến trúc Gothic Florence. Tháp chuông 5 tầng xây dựng năm 1334, mỗi cạnh vuông dài 14,45m vươn lên trời, ở độ cao 84,7m với 4 trụ ở lớn ở bốn góc. 
Đối diện cửa chính thánh đường là phòng rửa tội St. John, chức năng như một thánh đường nhỏ. Đây là một trong những tòa nhà cổ nhất tại Florence, xây dựng vào thế kỷ 11, theo phong cách Roman. Mặc dù không lan rộng tại Ý nhưng tầm ảnh hưởng của phong cách roman tạo nền tảng quan trọng để nhiều nghệ sĩ Ý tạo ra phong cách kiến trúc của thời kỳ phục hưng. Đáng chú ý nhất về phòng rửa tội chính là cánh cửa bằng đồng với các hình điêu khắc nổi do Lorenzo Ghiberti chế tác, sau này được Michelangelo đặt tên là “Cánh cửa thiên đường”.
 

 

Quần thể tôn giáo gồm ba tòa nhà mang kiến trúc Roman, Gothic và Phục hưng. Mặt tiền Vương cung thánh đường ở đầu tây
 
Phòng rửa tội theo kiến trúc Roman
 
Tìm người xây mái vòm 
Nhưng dường như bất cứ ai hoặc bất cứ khi nào nói về nhà thờ chánh tòa Florence, mái vòm khổng lồ trên nóc Vương cung Thánh đường mới là tâm điểm. Mái vòm do Filippo Brunelleschi “đặt lên” sau đó hơn cả trăm năm. Gần 600 trăm năm nay, vẫn chưa có mái vòm bằng gạch nào có thể vượt qua được công trình này. 
Mái vòm, hình dạng một nửa quả cầu rỗng, là một trong những kiến trúc tiêu biểu quen thuộc đối với các tòa nhà chính quyền và tôn giáo ở Ý. Nói mái vòm được “đặt lên” sau đó, vì trong thiết kế ban đầu, Arnolfo muốn tô điểm thánh đường bằng một mái vòm lớn nhất trái đất, đảm bảo nhà thờ sẽ là công trình “hữu ích, đẹp đẽ, quyền lực và đáng kính” nhất. Nhưng Arnolfo qua đời, để lại nhiều phần dở dang, đặc biệt là khoảng trống hình bát giác nơi đặt mái vòm. Nhiều thập kỷ sau đó, không ai thực tế hóa được ý tưởng xây dựng mái vòm cao gần 45,72m, bắt đầu từ vị trí cao hơn mặt đất 54,8m, trên những bức tường được xây dựng sẵn mà không hề có trụ cột đỡ. 
Nhiều câu hỏi được đặt ra, như làm sao để xây mái vòm nặng chục ngàn tấn mà không cần trụ cột đỡ? Liệu gỗ ở Tuscany có đủ để làm các giàn giáo tạo ra bộ khung quanh mái vòm? Hay liệu mái vòm có thể được xây dựng trên tám cạnh của những bức tường có sẵn, mà không bị sụp vào trong với độ nghiêng dần vào trong khi lên tới chóp?
Các kiến trúc sư người Ý không xa lạ với hình dạng mái vòm, như mái vòm của đền Pantheon ở Rome, nhưng công thức tạo ra bê tông làm những mái vòm kiểu này lại thất truyền từ thời trung cổ. Năm 1418, nhằm hoàn tất thánh đường nhanh chóng, giới chức tôn giáo ở Florence tổ chức cuộc thi tìm kiếm các ý tưởng thiết kế mái vòm. Đông đảo kiến trúc sư đổ về Florence, đưa ra nhiều ý tưởng, dù hầu hết bị đánh giá là nghèo nàn: như dựng cây cột lớn đỡ giữa mái vòm, hoặc xây mái vòm bằng đá bọt núi lửa để giảm sức nặng. Cuối cùng, người thợ rèn tên Filippo Brunelleschi đã thuyết phục được hội đồng với cam kết xây dựng mái vòm mà không cần giàn giáo tốn kém. Mặc dù ông từ chối giải thích cách thức thực hiện, nhưng vẫn làm mô hình bằng gạch và gỗ để trình bày ý tưởng và giúp thợ hồ dễ hình dung khi làm. Tuy nhiên, ông cũng chỉ làm mô hình dở dang vì muốn đảm bảo ông hoàn toàn kiểm soát công trình và ý tưởng không bị đánh cắp. 
Bắt tay thực hiện năm 1420, với sự trợ giúp của KTS Donatello và Nanni di Banco, Brunelleschi đưa ra một số giải pháp đặc biệt nhằm làm nhẹ cấu trúc và tăng hiệu quả tổ chức công việc, có khả năng đáp ứng hàng loạt bước trong việc xây dựng cấu trúc và đảm bảo sự chắc chắn của những mặt phẳng nơi đó để đặt gạch xây mái vòm. Ông dùng những máy móc cải tiến do chính ông thiết kế, đảm bảo việc tổ chức các hoạt động cũng như tính linh hoạt của máy móc có thể di chuyển và nâng vật liệu đến độ cao nhất định để có thể cố định, đặt vào vị trí khi xây dựng mái vòm. Mãi đến năm 1471, một số thiết bị cơ khí do Brunelleschi thiết kế được đưa vào sử dụng để hoàn tất phần chóp trên mái vòm. Quả bóng đồng và cây thánh giá trên đỉnh do KTS Andrea del Verrocchio thiết kế và cùng trợ lý Leonardo da Vinci thực hiện.
Mái vòm khổng lồ đại diện phong cách Phục Hưng tại Florence
 
Phần chóp có lan can cho khách ngắm phong cảnh và trên đỉnh là hệ thống đèn chiếu sáng
 
 
 Tranh vẽ trần mái vòm do Vasari bắt đầu năm 1568, và Federico Zuccaro hoàn thành năm 1579
 
Nhìn từ góc độ  kiến trúc, công trình mái vòm của nhà thờ Santa Maria del Fiore được coi là dấu ấn đầu tiên của phong trào phục hưng trong kiến trúc nghệ thuật tại Florence. Đó là việc tái khám phá các kiểu mẫu tòa nhà từ thời cổ điển, kết hợp với những thay đổi đương thời, sáng tạo ra phong cách của riêng vùng. Ngay cả trong việc tổ chức quá trình xây dựng cũng có sự phân công nhiệm vụ riêng biệt của nhà thiết kế với nhà xây dựng khi thực hiện công trình.
Brunelleschi không để lại bất cứ bản vẽ hay mô hình nào về thiết bị ông thiết kế dùng xây dựng mái vòm. Tuy nhiên tính chất đặc biệt sáng tạo của thiết kế và cách tân máy móc dùng nâng vật liệu xây dựng mái vòm thu hút sự chú ý của rất nhiều kỹ sư trong thế kỷ 15. Sau này, chính Leonardo da Vinci cũng có những phác họa liên quan đến máy móc mà Brunelles chi từng dùng để xây dựng mái vòm. 
Mái vòm này thực chất là hai mái vòm xây lồng vào nhau, ngăn cách bởi khoảng trống vừa một người đi, thu hẹp dần khi lên cao. Thiết kế này giúp giảm 45% trọng lượng của mái vòm nếu so sánh với một mái vòm hình bán cầu tương tự. Mái vòm bên trong bằng sa thạch và cẩm thạch, mái vòm bên ngoài bằng gạch, vữa. Trọng lượng mái vòm khoảng 37.000 tấn, trong đó có 4 triệu viên gạch nung.
Điều đặc biệt và ấn tượng nhất chính là mái vòm được xây dựng mà không dùng đến cấu trúc gỗ hay sắt thép chống đỡ. Brunelleschi thiết kế hệ thống 11 vòng tròn bằng đá và thép, đặt song song từ chân lên đỉnh mái vòm phía trong, kết hợp với hệ thống 24 đường gân dọc, tạo thành các chuỗi kết nối hai mái vòm. Các chuỗi đủ cứng để giữ ổn định hình dạng mái vòm. Những vòng tròn với khoảng cách đều nhau, vai trò như vành đai siết quanh mái vòm, đưa áp lực lên tám góc của mái vòm. Các đường gân dọc vừa cố định, vừa chia bớt sức nặng ra các hướng để ổn định mái vòm. Hệ thống dây chằng và vòng vành đai ngày nay có thể nhìn thấy ở bề mặt mái vòm và khi đi vào giữa hai mái vòm. Ngày nay, có tám đường gân nổi có thể nhìn thấy từ bên ngoài, trông giống như những cạnh của các tam giác quanh mái vòm, tạo vẻ chắc chắn cho mái vòm khổng lồ. Hai ban công gần đỉnh chóp cho phép tiếp cận khu vực đèn trên chóp vòm và dành cho du khách một điểm cao nhìn bao quát thành phố.
 

 

Chiếc đồng hồ cơ đường kính 7m do Angelo di Niccolo chế tác từ năm 1443 và Paolo Uccello trang trí đến nay vẫn hoạt động
 

Điêu khắc phòng rửa tội
 

 

Gạch nung xây dựng mái vòm. Cầu thang từ bệ mái lên mái vòm, phía trong mái vòm
 
Từ ô cửa bên trong mái vòm nhà thờ
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 100