Phòng tắm trong một biệt thự ở TP.HCM, góc nhìn từ phía giường của phòng ngủ
Từ tắm thường tới tắm… tiên
Tắm có thể dùng nước, có thể không dùng nước (tắm nắng, tắm hơi…). Nhưng ở đây chỉ bàn đến vấn đề tắm kinh điển nhất - đó là tắm bằng nước.
Mỗi vùng miền, khí hậu, chủng tộc hay thời kỳ lịch sử khác nhau người ta có cách thức và tần suất hoạt động khác nhau; nhưng rõ ràng tắm là hoạt động không thể thiếu của con người.
Tắm tiên là một cách nói vui về một kiểu, cách thức tắm, mà nguồn gốc của từ này có lẽ chính từ câu chuyện chàng đánh cá Chử Đồng Tử và nàng công chúa Tiên Dung. Theo định nghĩa của từ điển Wiktionary thì tắm tiên là: Địa điểm mà một hay nhiều người chọn để tự do bơi lội nghỉ ngơi có tính chất thư giãn kín đáo, vì nơi này có nghi thức tắm mà cởi bỏ tất cả trang phục. Nơi đó là hoang dã như suối, rừng có suối chảy qua hay dưới thác nước nhỏ…
Từ này, tương đương trong tiếng Anh là naturism (chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa khoả thân), có nghĩa rộng hơn.
Ngoài yếu tố nơi chốn, yếu tố cởi bỏ trang phục hoàn toàn; thì tắm tiên có khác tắm bình thường (vệ sinh thân thể thuần tuý) là có tính chất tận hưởng không gian, không khí, thư giãn.
Từ xa xưa, khi chưa có kiến trúc mang tên là nhà tắm hay nhà vệ sinh; thì con người tắm tiên hoàn toàn, ít nhất đúng ở góc độ cách thức và nơi chốn. Mọi sự thay đổi dần theo tiến bộ của loài người. Trang phục trở thành thứ cần thiết, hoạt động sống và sinh hoạt xa dần nơi hoang dã, các kiến trúc hình thành phục vụ con người… Hoạt động tắm khác đi, là một sinh hoạt có yếu tố văn hoá, mà số đông là trở nên kín đáo hơn, kỹ càng hơn. Những tiến bộ của kiến trúc và khoa học kỹ thuật cũng luôn đáp ứng theo nhu cầu ấy. Từ việc tắm ngoài ao, sông cho tới một phòng tắm hiện đại như bây giờ ta có thể thấy rõ điều đó!
Và tắm tiên trong nhà
Đây cũng chỉ là một cách nói vui. Nhưng thực tế cho thấy: sau một thời gian được “nhốt” trong những phòng vệ sinh tiện nghi, kín đáo trong mỗi ngôi nhà, người ta lại muốn “mở” ra, phô ra, không cần kín đáo nữa. Có nhiều kiểu, nhiều lý do và đây cũng là một câu chuyện dài thú vị…
Thực ra, như lẽ thường, đã tắm là phải cởi bỏ hết trang phục; (trừ một vài trường hợp như các anh lính tắm bên bể nước tập thể của đơn vị, hay mấy cậu sinh viên tắm cạnh bể nước ký túc xá…). Nhưng yếu tố trang phục (có hay không) cũng không có ý nghĩa gì khi ở trong phòng… chỉ có ta với mình. Nhà tắm vẫn là nhà tắm, không thể trở thành một bãi sông hay bờ suối được. Nhưng nhu cầu tắm tiên vẫn có, vậy thì phải khoe ra thôi. Tắm tiên trong nhà, cũng có vài kiểu…
Phòng tắm trong một căn nhà phố ở đô thị Phú Mỹ Hưng với khu vực tắm ướt tiếp giáp bên ngoài
Kiểu chủ động
Những người theo trường phái này, hẳn phải rất cởi mở, ghét sự tù túng, hoặc nói theo góc nhìn của người Á đông là rất… Tây. Thông thường, mọi người cần phải che đậy hết sức kín đáo. Nhưng họ thì không! Với họ, việc tắm rửa là một hành vi bình thường, không có gì là xấu mà phải đóng cửa, che đậy. Với một số người khác, việc phô bày cơ thể đẹp cũng làm họ thích thú. Hoặc họ luôn kết hợp việc tắm với việc khác, có sự kết nối với khu vực bên ngoài phòng tắm, như xem tivi, trò chuyện với ai đó…
Những người theo trường phái này không quan trọng lắm về không gian, phòng ốc. Bởi họ luôn chủ động hướng ra ngoài; mà cách đơn giản nhất là vào nhà tắm không đóng cửa.
Kiểu bị động
Nạn nhân kiểu này gần đây thường tăng lên đáng kể. Khá nhiều người đã ân hận và quay ra trách các nhà thiết kế. Các nhà thiết kế cũng phản hồi lại rằng: khách hàng kém chịu chơi, chơi không tới bến. Cụ thể là các kiến trúc sư đã mang tới những căn phòng vệ sinh mà những bức tường ngăn có cũng như không, được làm bằng kính trong suốt. Ban đầu khách hàng có thể thấy thích thú, sau đa phần thấy bất tiện và không muốn “tiên” một chút nào nữa. Họ luôn thấy ngại ngùng và tìm những thời điểm vắng người, không có ai để tắm – thật nhanh; và sau đó là tìm cách che chắn lại để đổi lấy sự kín đáo như phòng vệ sinh kiểu cũ.
Hiện nay, việc sử dụng tường kính cho các phòng vệ sinh kế bên phòng ngủ khá phổ biến. Có thể là do phòng vệ sinh hoàn toàn không có ánh sáng tự nhiên nên thay tường đặc bằng kính để khai thác chiếu sáng xuyên phòng; có thể kính được sử dụng như một loại vật liệu có chất cảm, ấn tượng mạnh mẽ trong không gian nội thất. Cuối cùng kính được sử dụng để phô bày: phô bày nội thất (thường rất đẹp) của phòng vệ sinh, và phô bày (chủ động) các hoạt động của người sử dụng – theo cách nghĩ của trường phái chủ động như trên đề cập. Thế nhưng cuối cùng nhiều người sử dụng thấy bất tiện và không thoải mái. Cái cảm giác muốn được thoải mái, phô bày có lẽ chỉ giống như cảm hứng bất chợt trong một thời điểm. Việc che chắn sẽ được thực hiện không sớm thì muộn, bằng cách này hay cách khác.
“Ăn chơi” không hề dễ!
Trường hợp này là một kiểu khác, nó vừa giống kiểu 1 (chủ động), lại vừa giống kiểu 2 (bị động). Việc bố trí, thiết kế là trên tinh thần chủ động. Thậm chí rất nhiều người, với sự trợ giúp của kiến trúc sư còn tạo những phòng vệ sinh gần gũi thiên nhiên theo đúng nghĩa đen, thậm chí không có ngăn cách. Không gian thoáng đãng, cây xanh được kéo vào gần phòng vệ sinh, hay nằm luôn trong phòng vệ sinh. Những trường hợp thế này đòi hỏi công trình phải khá rộng rãi, có khoảng lùi, sân vườn, hay có điểm nhìn hướng ra những nơi tự nhiên mà không có giao thông qua lại. Tuy nhiên những hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của không gian kiến trúc không bao giờ làm cho người sử dụng cảm thấy an toàn tuyệt đối. Thế nên mới vừa tắm vừa run. Run vì nhỡ có ai ở ngoài nhòm vào qua những cây cối hay hàng rào đầy kẽ hở, run vì e ngại với ngay cả người trong nhà (bởi những thành viên trong nhà đâu chỉ có mỗi “mình” với “người kia”), run vì con mèo chạy qua, con gà chạy lại… Thế mới biết ăn chơi quả không hề dễ!
Phòng vệ sinh trong một căn hộ ở dạng “nguyên thuỷ” theo ý tưởng thiết kế: trong suốt! Và sau thời gian sử dụng đã được xử lý làm mờ để “phù hợp hơn với thực tế”!
Tuổi nào thích tắm tiên?
Trong đô thị hiện nay, chuyện tắm tiên trong nhà loanh quanh chỉ là khu vực vệ sinh trong suốt kế bên phòng ngủ, hay không ngăn cách với phòng ngủ. Người viết bài này đã từng thiết kế và thi công phòng vệ sinh như thế, nhưng khi thực hiện đã cảnh báo rất kỹ với khách hàng và lên phối cảnh 3D đầy đủ để cho khách hàng dễ hình dung và không ân hận. Chuyện xem một phối cảnh, hay ngắm công trình hoàn công dù thế nào vẫn khác với chuyện sử dụng nó. Với thói quen, tập quán, văn hoá Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung, thì việc cần phải kín đáo cho những hoạt động vệ sinh cá nhân là cần thiết, thậm chí ở mức cao. Và đã có rất nhiều trường hợp che lại dần dần. Có công trình khi mới hoàn thành, thấy vách kính trong suốt xuyên từ phòng vệ sinh sang phòng ngủ; lần sau tới thấy dán đề can mờ mờ ảo ảo; lần sau nữa tới thấy dán đề can hoa đặc kín hết bức tường kính.
Chuyện trong suốt hay đặc kín của bức tường nhà vệ sinh luôn là đề tài bàn luận sôi nổi giữa khách hàng với nhà thiết kế, giữa các nhà thiết kế với nhau – đặc biệt đối với những người trẻ. Khi tôi trao đổi với một anh bạn là dân xây dựng, anh này cho rằng: kể ra tắm thì cũng không sao, nhưng trong nhà vệ sinh đâu phải có mỗi hoạt động tắm. Cái hành vi kia nếu mà nhìn thấy trong suốt thì… eo ôi…
Một người bạn khác bày tỏ quan điểm: phòng vệ sinh trong suốt như thế chỉ thích hợp với những cặp vợ chồng trẻ, có quan điểm - cách nghĩ cởi mở. Nhưng (lại nhưng) cái khoảng thời gian “trẻ” ấy cũng không kéo dài, và đến một lúc nào đó họ sẽ nghĩ khác. Ừ, thì lúc đó đành che lại vậy thôi…
Đã có trường hợp một resort ở Mũi Né thiết kế phòng tắm tiên, ngay khi khai trương hàng loạt khách hàng – những người lớn tuổi – đã đùng đùng kéo xuống trả phòng vì không chịu được cảnh trước mặt là những “ông tiên, bà tiên” nhăn nhúm. Chủ resort này, sau đó đã phải gọi gấp kiến trúc sư đến, yêu cầu làm sao cho kín lại.
Cách đây vài năm, trên một tạp chí kiến trúc - nội thất, có giới thiệu công trình của một kiến trúc sư trẻ. Công trình nhỏ, là một căn hộ - mà căn hộ đó có mỗi một phòng dành cho người độc thân. Trong căn phòng kiêm nhiều chức năng ấy phòng vệ sinh rất hoành tráng, và trong suốt tứ bề. Căn hộ này làm nhiều người bình luận rất thú vị, rằng: có khách thì không được vào nhà vệ sinh, hoặc khách tới đây không nên đi vệ sinh…
Lại một chuyện khác, là một chủ nhà cũng sử dụng một vách kính lớn cho phòng vệ sinh liền phòng ngủ. Sau khi vách kính dựng lên, theo tư vấn của kiến trúc sư, anh đã cho làm mờ đi bằng cách dán đề can. Nhưng chưa yên tâm, anh yêu cầu phải làm thêm một cái… chốt trong. Báo hại cho anh thợ kính phải rất khó khăn mới tìm được một loại chốt khoá phù hợp, bởi kính cường lực (kính temper) không thể khoan cắt được, mà chiếc chốt phải đủ lọt ở khe kính đã định vị.
Người viết bài đã thử đưa vấn đề này lên một diễn đàn, lấy một ví dụ và đặt câu hỏi: kín hay hở? Đa phần các bạn trẻ thích “hở”, và đi tìm giải pháp “kín” khi cần thiết. Giải pháp chung là mành, rèm – để có thể trong suốt khi cần thiết, chứ làm mờ kính chưa phải là tối ưu về thẩm mỹ. Tuy nhiên mành rèm khá bất tiện khi sử dụng, mất thời gian thao tác, nhất là trong “hoàn cảnh gấp” người ta rất ngại. Nhiều người đã sử dụng giải pháp này và kết quả cho thấy họ luôn để mành rèm ở trạng thái che kín. Có lẽ nên có một hệ thống rèm thông minh để khi người vào, nó tự làm kín và trả lại trạng thái trong suốt của vách kính khi người sử dụng bước ra; hoặc một phản ứng lý - hoá có thể làm mờ kính khi cửa được mở ra để người vào. Tất nhiên đây là vấn đề phức tạp thuộc về công nghệ, vật liệu; nhưng cứ thử tìm hiểu và mơ ước xem sao.
Chuyện tắm tiên trong nhà sẽ còn dài. Sẽ có nhiều phòng vệ sinh trong suốt được thiết kế (rồi lại được làm mờ), sẽ có nhiều chủ nhân ngại ngùng và ân hận. Sẽ có nhiều cuộc thuyết phục hay tranh luận trên nhiều phương diện: kiến trúc, công nghệ hay cả văn hoá nữa… Những nhà sản xuất trang thiết bị cũng sẽ nghiên cứu và đáp ứng tối đa nhu cầu kín - hở này của thượng đế và các kiến trúc sư. Nhưng có lẽ dẫu kiến trúc có đẹp đến đâu, phòng vệ sinh có hiện đại với trang thiết bị công nghệ cao thế nào đi chăng nữa, thì chuyện tắm tiên trong nhà cũng không thể nào bằng tắm tiên ở ngoài thiên nhiên theo đúng nghĩa, như chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung vậy!
Bồn tắm kế bên giường ngủ, không có ngăn cách
Góc “tắm tiên” có vẻ gần gũi thiên nhiên ở một biệt thự ngoại thành Hà Nội
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 41