Sau Môn đến Táo

Lượt xem: 398811
22/6/2024 12:00 - Tư vấn phong thủy
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài ThS.KTS HÀ ANH TUẤN Ảnh KHÁNH PHƯƠNG

Dù xem phong thủy là văn hóa truyền thống được lưu truyền, là kinh nghiệm hay giải pháp, là niềm tin hay mê tín… thế nào chăng nữa, thì vẫn không thể phủ nhận tính hệ thống của các truyền tụng. Tính hệ thống đó biểu hiện qua thứ tự sắp xếp, mức độ quan trọng cũng như các ưu tiên xem xét, mà Môn - Táo - Chủ là một điển hình.

 
Dương Trạch Tam Yếu quy định Môn - Táo - Chủ là cách thức thực hành phong thủy theo ba điểm trọng yếu trong ngôi nhà cần ưu tiên là hệ thống cửa (Môn) rồi đến bếp (Táo), và cuối cùng là phòng ốc cho gia chủ, các không gian cư ngụ khác. 
Bao đời nay, “ăn” luôn đứng đầu bảng trong các nhu cầu thiết yếu, do đó trong phong thủy ngôi nhà Việt thì việc sắp xếp khu bếp luôn giữ vị trí quan trọng. Sau Môn là đến Táo, nhưng người làm nhà hôm nay cần hiểu hàm nghĩa của “Táo” không chỉ là cái bếp, hay hẹp hơn là hướng bếp, kiêng kỵ thế nào… mà cần nhìn nhận việc nấu nướng cho đến ăn uống dưới khía cạnh sức khỏe, tiện nghi, quan hệ với nhau ra sao, đòi hỏi từ cấu trúc chung đến sắp xếp nội thất cụ thể ra sao.
 
 
Từ thụ động và thích ứng
Quan niệm cho rằng thời “hiện đại rất ngại bếp núc” ngày càng bộc lộ khiếm khuyết, bởi nhà ở thời nào cũng không thể thiếu bếp, khác chăng về tần suất sử dụng và mức độ đầu tư. Thậm chí nhiều bạn trẻ ngày nay đang tìm đến những gian bếp “chữa lành” để có thể tự tay chuẩn bị bữa ăn, xa rời thiết bị công nghệ, trở về với bản năng nguyên sơ như thời gian bếp khá “thụ động” của cha ông. 
Với đặc trưng nấu nướng xứ nhiệt đới nhiều khói mùi, thì cách đặt bếp xa nhà chính, cuối hướng gió, tránh tạt lửa và khói,... của bếp “thụ động” thuở xưa tuy về hình thức có vẻ không hào nhoáng như bếp hiện đại nhưng lại phục vụ tốt nhu cầu ẩm thực theo tinh thần về với thiên nhiên. Câu truyền khẩu phong thủy về đặt bếp “miệng lò ngó tốt, lưng lò đốt xấu” khá dễ nhớ khi đặt bếp, chính là cách cha ông ta phân khu chức năng theo khí hậu và ứng xử. Lưng lò, hay Táo Tọa nằm về vùng xấu (theo hướng khí hậu, mệnh trạch, giao tiếp) là chủ động đưa không gian đun nấu ra vùng không thuận lợi, để dành khu vực tốt hơn (như khoảng tiếp khách, thờ phụng, nghỉ ngơi...) ra vùng gió mát nắng dịu, vùng hợp tuổi gia chủ. Cách thức này hiện nay vẫn phù hợp với nhà ở nông thôn, nhà vườn hay biệt thự, nhà phố có diện tích rộng. 
Sự thích ứng của bếp còn thể hiện ở quan niệm trọng Âm, chuộng kín đáo của văn hóa phương Đông, bếp bố trí sao cho khách vào nhà không nhìn thấy vùng “bếp núc” riêng tư, hay gọi cách khác là phân vùng theo phương vị có chính, có phụ. Xét từ tâm nhà (trung cung) thì có trước có sau, trái hay phải, tĩnh và động, chung hoặc riêng... rõ ràng. Đã đặt phòng khách ở trước thì bếp nên ra sau, đã có bàn thờ trang nghiêm ngay trung tâm thì dĩ nhiên gian bếp bừa bộn cần khuất tầm mắt.  Một số gia đình hay tổ chức đám tiệc còn làm hẳn một khu vực bếp phụ ngoài sân sau hoặc bên hông nhà để đun nấu dễ dàng, giảm ám khói mùi, thuận tiện bày biện. Dịch học chỉ rõ: Lửa thuộc Hỏa, quẻ Ly trong Bát quái, tượng trưng màu đỏ, đặc thù tính ấm nóng và sự hướng thượng. Lửa trong nhà ở đáp ứng trước tiên nhu cầu cơ bản “có thực mới vực được đạo”, cho nên khu bếp mà hạt nhân là chỗ đặt lò nấu (Táo Vị) chiếm vị trí cơ bản sau khi định vị hệ cửa để ra vào, giao thông. Phong thủy quan niệm vị trí bếp như phần cốt lõi cho các sinh hoạt nội bộ, cần che chắn kín đáo, tránh gió tạt mưa hắt, tránh tầm nhìn hoặc bước chân người ngoài xâm nhập (Lộ Khẩu Táo) nhưng vẫn phải đủ thoáng đãng để không tù đọng khí xấu phát sinh trong quá trình nấu nướng. 
Tất cả những yêu cầu đó chính là một dạng thiết kế bền vững, quan tâm chi tiết công năng sử dụng rất cần cho mỗi gia đình áp dụng tùy điều kiện.
 
 
Đến chủ động và linh hoạt
Bếp hiện nay với rất nhiều trang thiết bị hiện đại nhưng về phong thủy cơ bản vẫn là “giảm Hung tăng Cát” tức là tránh để các tác động của Hỏa như nhiệt độ - khói - mùi lan tỏa sang các không gian lân cận, và đưa vào bếp nhiều sự thoải mái, thuận tiện hơn. Những căn hộ chung cư mới theo kiểu văn minh Tây phương, thiên về tính cởi mở, phần bếp thường hay đặt gần cửa ra vào, tuy có lợi thế là giành diện tích thông thoáng chiếu sáng ngoài ban công, cửa sổ cho phòng khách, phòng ngủ, nhưng đồng thời cũng bộc lộ nhược điểm là vừa bước chân vào căn hộ đã gặp ngay bếp, và khả năng thông thoáng - lấy sáng tự nhiên cho khu vực này thường không tốt (do nằm bên trong, kề cận sảnh, hành lang và cầu thang).  Một số gia chủ ở chung cư có cách khắc phục nhược điểm Khai Môn Kiến Táo (vào nhà gặp ngay bếp) bằng cách bố trí các hộp kỹ thuật để thông gió cưỡng bức cho bếp, đồng thời xử lý vách ngăn (cố định hoặc di động) để giúp cô lập phần bếp với không gian bên ngoài, giảm thiểu ảnh hưởng khói mùi, là cách xử lý chủ động để giảm hung, tăng cát cho không gian này. 
Các phân tích về tai nạn cháy nổ trong căn hộ chung cư cũng chỉ ra khả năng cô lập vùng phát hỏa và tránh rò rỉ khí gas sẽ tốt hơn nếu bếp (hoặc ít nhất là khu lò nấu) được cô lập đúng cách, thay vì làm liên thông luông tuồng. 
Đối với nhà phố hay biệt thự liên kế, xu hướng hiện nay cũng không tách bếp ra mà gắn liền hoạt động nấu nướng với không gian ăn uống, quây quần gia đình, kéo theo các hệ thống thiết bị cho bếp trở nên tiện nghi hơn, cao cấp hơn, kết nối thông minh hơn. Cũng từ đó, quan niệm bếp thuộc vùng xấu cũng cần hiểu một cách linh hoạt hơn. Bếp hiện đại có rất nhiều thiết bị kỹ thuật, máy hút khử mùi, lò nướng... như một xưởng chế biến có nhiều tiện nghi kỹ thuật, do vậy nên phân vùng theo tính năng kỹ thuật để thuận tiện bố trí và tránh ảnh hưởng nhau. Cụ thể là vùng Hỏa - Kim (bếp và các lò nướng, vi sóng, nồi cơm điện), vùng Kim - Thủy (bồn rửa, tủ lạnh và các máy móc làm bếp), và vùng Thổ - Mộc (tủ đồ, gia công và soạn). Các vùng này có thể liên hoàn, hay gián đoạn tùy mặt bằng, nhưng nên ưu tiên vùng Thổ - Mộc gần phía bàn ăn và giao tiếp, vùng Hỏa - Kim chiếm trung tâm, và vùng Kim - Thủy về phía sáng thoáng để tránh ẩm thấp.
 

 

 
Bếp gì cũng để ăn
Suy cho cùng dù bếp rộng hay hẹp, hoành tráng hay đơn giản cũng để phục vụ việc cung cấp bữa ăn gia đình. Không thể có một nơi ăn uống tốt nếu như từ bếp ra chỗ ngồi ăn thiếu sắp xếp chu đáo. Nói cách khác, đó là bài toán tổ chức nấu và ăn sao cho đáp ứng đặc thù không gian, tăng khả năng kết nối, đồng thời giữ được sự riêng tư khi có nhu cầu. Phong thủy hiện đại đã có những điều chỉnh phù hợp với tiện ích ngày càng cao, liên kết không gian đa năng nhiều hơn, và do đó, phòng ăn hay khu vực bàn ăn hiện nay đã khác với kiểu “ngồi ăn xó bếp, xếp chiếu ngoài hiên” như thuở trước ở nhà nông thôn. 
Giải pháp trung hòa hiện nay là bố trí một bàn ăn đủ tiện nghi gần với khu vực bếp, kết hợp trong bếp có thêm chỗ ăn phụ kiêm bàn soạn. Càng đi sâu vào bếp càng mang tính nội bộ nên những người thân có thể sử dụng chỗ ăn phụ, còn khách và gia chủ sẽ gặp gỡ nhiều trong khu vực bàn ăn chính.
“Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, từ xưa cha ông đã hình thành nếp ăn ở gọn sạch, thoải mái và hợp phong thủy qua rất nhiều kinh nghiệm bố trí chỗ quây quần ăn uống, nghỉ ngơi. Đặc trưng Ngũ Hành của nơi ăn là thuộc hành Mộc, dinh dưỡng tốt cũng như cái cây được chăm sóc đúng, đủ nước và ánh sáng, thích ứng theo thời tiết, không thừa, không thiếu, với nguyên tắc: Mộc tăng - Hỏa giảm - Kim hạn chế.  
Định vị phòng ăn trong nhà hợp lý hơn cả là kề cận bếp mà vẫn nhìn được ra không gian thoáng đãng bên ngoài, hoặc khoảng thiên nhiên mang tính chất hỗ trợ điểm nhìn cho bữa ăn. Từ đó việc giảm Hỏa được phát huy, người ăn không có cảm giác nóng nực do nhiệt lượng nấu nướng, đồng thời thư giãn tốt hơn. Cũng cần hạn chế bớt hành Kim trong phòng ăn (Kim khắc Mộc) như tránh đặt nhiều máy móc (ti vi, máy tính) bởi những thiết bị này vừa có từ tính, không hợp vệ sinh, vừa làm mất tập trung trong bữa ăn (nhất là đối với trẻ em). Vật dụng nội thất chỗ ăn cần tương hợp với hành Mộc, trong đó đồ gỗ mang tính thân thiện, ấm áp hơn so với bàn ghế bằng kim loại hay đá.
Dù có phát triển hiện đại, nhịp sống hối hả đến đâu, nơi ăn uống vẫn rất thiết yếu với không gian Việt. Hiểu về Táo trong tổng thể không gian nhà để sắp xếp sao cho từ chỗ nấu đến chỗ ăn đạt hiệu quả sử dụng cao và hài hòa về phong thủy là tiêu chí quan trọng để giữ gìn sự đầm ấm, an lành của mỗi gia đình.
 

 ​​​​​​​

 
Theo Kiến trúc & Đời sống số 216