Phế tích thánh đường được xây dựng từ 1920 trên đỉnh Tà Lơn. Kiến trúc thánh đường giản đơn chỉ với hai đường cong - thẳng, hạn chế ô cửa vì trên đỉnh Tà Lơn thường có gió lớn
Tà Lơn - ngọn núi đầy huyền bí đặc biệt với dân miệt Tây Nam bộ, bởi gắn liền với rất nhiều truyền thuyết xưa kia về các cư sĩ, giáo chủ nhiều giáo phái, cả những tay anh chị một thời thường lấy đỉnh Tà Lơn làm nơi luyện bùa ngải, phép thuật trong nơi thâm sơn cùng cốc. Cho đến khi người Pháp vào Đông Dương, ở cuối thế kỷ 19, trong những lần truy quét tội phạm ẩn náu nơi hang sâu trên đỉnh Tà Lơn, họ đã phát hiện ra Tà Lơn là một địa điểm lý tưởng, chỉ với cao độ 1.080m nhưng khí hậu cực kỳ mát mẻ, trong lành. Rồi ý định xây dựng một khu nghỉ dưỡng cao cấp trên đỉnh Tà Lơn ra đời. Công việc kiến thiết được chính thức bắt đầu từ năm 1917, với các hạng mục thi công gồm đường xá, cầu cống, và khách sạn, sòng bạc, bưu điện, nhà thờ… mang đậm phong cách kiến trúc thuộc địa.
Tương truyền có đến 900 nhân công đã tử nạn khi thực hiện tổng thể công trình đồ sộ này, hình thành nên một “ngôi làng” kiểu Pháp nhỏ xinh trên đỉnh Tà Lơn, với cảnh quan ngoạn mục bên vách núi dựng đứng hướng ra phía xa là đảo Phú Quốc. Những huyền thoại kỳ bí về Tà Lơn dần được những công trình kiến trúc hiện đại xóa mờ, Tà Lơn trở thành điểm ăn chơi bậc nhất của giới chức Pháp, hoàng tộc và dân giàu Campuchia đến tận những năm 40.
Trong quãng thời gian hoàn thiện khu nghỉ dưỡng trên đỉnh Tà Lơn, bên cạnh các kiến trúc kiểu Pháp, có một ngôi chùa đồng thời được xây dựng mang nét kiến trúc truyền thống kiểu Campuchia với các lớp mái chồng mang chóp cong quen thuộc. Ngôi chùa có tên gọi Wat Sampov Pram (chùa Năm Thuyền), được vua Monivong cho khởi công xây dựng từ năm 1924. Nguyên do có tên gọi chùa Năm Thuyền, vì ngay phía trước phần sân chùa, hiện còn 5 tảng tá khổng lồ, phong hóa thời gian khiến các tảng đá có hình chóp mũi tựa như mũi thuyền. Và trên đỉnh Tà Lơn, ngoài kiến trúc thuộc địa, mọi thứ hiện hữu khác gần như đều được gắn với một sự tích, một huyền thoại. Chùa Năm Thuyền cũng không là ngoại lệ khi người bản địa truyền khẩu rằng 5 tảng đá ấy chính là năm con thuyền chở đầy châu báu cùng đoàn tùy tùng 500 người của hoàng tử Preah Thong và công chúa Nagini trong hành trình đi xây dựng vương quốc mới.
Kiến trúc chùa Năm Thuyền do vua Monivong xây dựng năm 1924 trên đỉnh núi Tà Lơn
Hình ảnh rắn thần Naga – nét tiêu biểu trong kiến trúc bản địa – trên nóc mái chùa Năm Thuyền
Bảo tháp chính là mộ phần của vua Monivong phía sau chùa Năm Thuyền. Chi tiết đắp nổi đậm nét văn hóa Khmer nơi khung cửa sổ chùa Năm Thuyền
Khi người Pháp rời đi khỏi Đông Dương, khu nghỉ dưỡng trên đỉnh Tà Lơn dần trở nên hoang phế, rồi tiếp tục bị lãng quên trong suốt thời gian chiến tranh cho đến tận những năm 90. Các tòa kiến trúc với chất liệu chủ đạo là đá núi, vẫn đứng vững và sự bỏ quên của con người đã tạo điều kiện cho thiên nhiên khoác lên mình các khối kiến trúc ấy một manh áo mới, manh áo của thời gian, của rêu phong. Điểm độc đáo trong kiến trúc cổ trên đỉnh Tà Lơn mà hiếm gặp ở các kiến trúc khác, chính là màu rêu đỏ. Chính nắng, gió, cùng nóng lạnh của ngày đêm, kết hợp cùng độ mặn từ gió biển thổi vào đã tạo nên một màu rêu đỏ tươi đặc biệt, tương phản với màu trầm của gạch đá, vôi vữa, tạo cho từng tòa kiến trúc còn lại hôm nay trên đỉnh Tà Lơn một nét quyến rũ mới.
Đầu những năm 2000, đỉnh Tà Lơn dần được hồi sinh với hàng loạt các dự án mới, bao gồm khu khách sạn, sòng bạc cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng với kiến trúc hiện đại được đi vào hoạt động. Một dự án cải tạo lại khách sạn – sòng bạc cổ do người Pháp xây xưa kia cũng đang được hoàn tất, biến tòa kiến trúc hoang phế đã hơn 70 năm nay trở lại thời hoàng kim một thuở.
Đỉnh Tà Lơn nay ngày một đông vui, nhộn nhịp hơn với bước chân lữ khách thập phương tìm đến. Bên cạnh những kiến trúc hiện đại, lộng lẫy, sang trọng, những sắc màu cổ kính của kiến trúc xưa trên đỉnh Tà Lơn, vẫn đủ hình thành một nét đẹp riêng, độc đáo và quyến rũ dành cho những ai thích tìm một khoảng lặng, một nét đẹp khác lạ trong hành trình du ngoạn Tà Lơn.
Tòa kiến trúc cổ đồ sộ nhất là khách sạn và sòng bài, đang được phục chế để tái sử dụng
Chất liệu chủ đạo trong các kiến trúc cổ là đá núi, được bao phủ màu rêu đỏ đặc trưng của đỉnh Tà Lơn
Lớp áo rêu đã được làm sạch, trả lại vẻ đẹp xưa cho khách sạn cổ trên đỉnh Tà Lơn
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 108