Những lối ít nắng mưa

Lượt xem: 6051
17/11/2017 0:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài Vọng Bình ảnh Quốc Thống

Những ngày gần đây, chuyện mưa ngập phố biến thành sông hầu như thành cơm bữa, chuyện đưa đón con cái giữa mưa nắng thất thường thành ám ảnh của không ít phụ huynh. 

 
 
Từ công trình này sang công trình khác, hay khi có công trường xây dựng thì luật Singapore bắt buộc phải luôn không thể thiếu những lối bộ hành có mái che, an toàn, tôn trọng tối đa người đi bộ
 
Nghe chuyện cứ ngỡ như là của ngành giao thông, thoát nước đô thị, xa hơn là biến đổi khí hậu... Thế nhưng, trong tâm thức của người làm thiết kế công trình và quy hoạch, những thứ tác động vất vả của nắng mưa ấy lại liên quan nhiều đến chuyện nhỏ mà không nhỏ: tìm đâu ra nơi đô thị hiện nay của chúng ta những lối đi bộ, những chỗ dừng chân đủ an toàn và tiện ích? 
Các nghiên cứu chính thống về không gian đi bộ nơi công cộng đều chỉ ra rằng: việc đi bộ với các tiện ích công cộng mang tính kết nối cộng đồng, định vị lại hành vi của cộng đồng và góp phần biến đổi tích cực lối sống, thái độ và nâng cao sự tin tưởng của cư dân trong bối cảnh đô thị (Jens Jacobs, The death and Life of great American cities). Nghĩa là người ta không chỉ cần một chỗ sạch sẽ khô ráo mưa không hắt nắng không chói, mà còn cần hơn những nơi giao tiếp và thư giãn, thỏa mãn các nhu cầu cá nhân và cộng đồng mà nhà ở, công sở và quán xá không có được. Phải chăng vì thiếu những chỗ như thế mà giờ đây mọi lề đường mới mở dọc bờ sông mát mẻ hay ven các trục lộ lớn ở xứ ta chỉ toàn thấy quán nhậu bình dân như một nơi giao tiếp duy nhất? 
Hãy thử một lần bát phố đông đúc, shopping nặng trĩu vai, hoặc cùng bạn bè người thân đi dạo phố xá, ai cũng sẽ bất chợt thèm một băng ghế, bậc thềm, mái hiên… để ngồi duỗi tay chân, đọc tờ báo, tán gẫu bạn bè, hoặc ít ra là ngắm nhìn thiên hạ. Đơn giản vậy mà sao tìm khó thấy! “Mệt quá đôi chân này…” là cái cớ, sâu xa hơn chính là niềm vui được núp mưa núp nắng mà vẫn ở ngoài phố, được thư thái ăn chút gì đó mang theo mà không phải vào chễm chệ nơi nhà hàng, quán xá. Muốn vậy, có lẽ không đâu bằng dưới những mặt tiền, bên những hàng hiên, sát ngay vỉa hè, mà phải là mặt tiền khu trung tâm mới đáng mặt, chốn buôn bán sầm uất hoặc nơi hội tụ trai thanh gái lịch, mới thích thú, mới thực sự trải nghiệm và tiện ích.
 
Bậc thềm ở Belgrade, hàng hiên Florence, hành lang ở Kuala Lumper: những chỗ nghỉ chân và đi lại thân thiện, thoải mái, không ai xua đuổi hay làm phiền
 
Có lúc tôi không hiểu được tại sao mấy anh Tây ba lô sang ta hay thích ngồi bệt bậc thềm ngoài phố, mở cuốn sách du lịch hay nhìn ngắm ông đi qua bà đi lại... cho đến khi chính mình lê bước với chục ký đồ trên lưng giữa phố Roma, ngoài trời chuyển mưa, được lẩn vào một teracce, nhìn dòng người vẫn qua lại không ngừng nhờ những hành lang mái vòm nối nhau. Tôi ngồi đấy, thích thú và thấy nhớ Sài Gòn quá. Thay vì đưa ban công ra ngoài, những ngôi nhà phố cũ thủ đô nước Ý đều lùi cửa chính tầng trệt vào trong, đủ để tạo nên lối đi lại, mà vẫn không làm giảm sức mua bán. Những hành lang cổ điển chạm trổ hay hiện đại bọc nhôm, đều góp phần làm nên một “mặt tiền” khác của khu phố, một loại mặt tiền có thể chạm vào được chứ không chỉ nhìn ngắm xa xa qua cửa kính xe. Mặt tiền sống thực, không thuần túy xếp đặt. Sống vì sức sống, hơi thở, tiếng cười của người qua kẻ lại được gói ghém và lưu chảy không cần bảng hướng dẫn hay cấm cản gì cả. Ở đây, cho khách bộ hành nương nhờ mặt tiền của phố xá là một thái độ văn hóa hơn là giải pháp kiến trúc. Khách thêm chỗ dừng chân, chủ thêm cơ hội buôn bán, còn phố phường thêm vui chứ không bị nắng chang chang chẳng chỗ trú chân. Những khung kính trưng bày hàng hóa đẹp và lạ mắt thêm dịp khoe sắc. Mặt tiền lúc này đúng nghĩa là bề mặt “hái ra tiền” chứ không phải là một bộ mặt ở phía trước nhà có cửa tiếp cận đường phố để đi ra đi vào thuận tiện (xin nói thêm là việc xuất nhập hàng hóa, lấy rác ở những mặt tiền kiểu này đều qua đường hầm, lối phía sau hoặc vào ban đêm, đảm bảo được “tốt khoe xấu che”). 
Nhưng đó là chuyện xứ người, còn tại Sài Gòn hay Hà Nội thì sao? Nhiều lần tôi muốn ngồi bên một khung cửa kính khu trung tâm Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ... hay ra Hà Nội thì Tràng Thi, Tràng Tiền... vậy mà không có chỗ và không được cho phép, thành ra những khoảng vỉa hè có mái hiên hiếm hoi ấy càng trở nên ít ỏi. Chợt nhớ ở Sài Gòn vào dịp Noel, những chiếc ghế (có in tên nhà tài trợ trên lưng) được đặt và giúp đoạn vỉa hè thương xá Tax trước kia trở nên sống động, tấp nập lạ thường. Người người chụp ảnh lưu niệm, người người dừng chân như chưa bao giờ được đến đấy, được chụp ảnh vậy. Nhưng cũng chỉ được vài ngày ngắn ngủi, và cốt lõi của vấn đề vẫn chưa giải quyết được: đi ở đâu, nghỉ chỗ nào khi ra khỏi nhà là lên xe gắn máy, ghé tới đâu cũng chỉ là những chen chúc của phương tiện giao thông, và những tuyến phố được ngăn lại để làm phố đi bộ thực ra đang là những khu chợ nhỏ dựng lên vội vã. 
 
 
Những hành lang đi bộ và mua sắm ở Tanglin Road và Newton Road (Singapore), ở Garisenda (Bologna – Italia)
 
Hình như trong quy định nhà tại các khu phố thương mai tự xây ở Phú Mỹ Hưng cũng đều có chừa một dạng hành lang tầng trệt mặt tiền như thế, bên trên không có ban công, bên dưới có thể đi xuyên toàn khu phố. Nhưng hiện nay nhiều nhà vẫn đang “tư hữu một cách vô tư” khoảng không gian công cộng này, còn người đi bộ thì xin mời đi ra ngoài, xuống lòng đường. Dưới chân các cao ốc trung tâm Sài Gòn như Sun Wah hay Saigon Centre cũng vậy, vẫn có những hành lang thú vị ít ỏi chỉ để... dành cho người ngồi uống cà phê hoặc vào trong mua sắm. Còn khách vãng lai thì... xin mời đi vòng ra ngoài nhé!
Chắc chắn lối đi bộ và văn hóa sử dụng không gian công cộng như thế nào là một câu chuyện dài, rộng, và vài lát cắt qua những hành lang bên phố kể trên, dưới một tầm nhìn gần mặt đất không đủ nói lên nhiều điều. Chỉ là chút ước ao của kẻ từng lê bước qua nhiều nơi chốn, luôn mong hưởng thụ cái thú “tôi như trẻ nhỏ, ngồi bên hiên nhà…”. Hiên của mặt tiền chung ấy, bao giờ mới không chỉ là chỗ bán cà phê hay sắp đặt chút ít nhân dịp lễ hội? Để đúng nghĩa là hiên của những bước chân ngày thường được nương nhờ mặt phố. Và phố của những ca từ nhạc Trịnh gần đây lại thành luôn một nỗi ám ảnh: dưới hiên nhà, nước dâng đầy, phố bỗng là dòng sông uốn quanh… 
(Viết trong những ngày nước dâng quanh hẻm, nhà lên giá thành view bốn mặt sông )
 
 
 

 

 Những khoảng hành lang mặt tiền hiếm hoi được có mái che ở khu trung tâm Sài Gòn thì lại bị ngắt ra cho kinh doanh, hoặc không hề có tiện ích nghỉ chân thoải mái
 
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 113