Nhiều nghiên cứu xã hội học, tâm lý ứng xử… chỉ ra rằng, sở dĩ phong thủy luôn tồn tại qua bao biến động thời cuộc chính là bởi khả năng đáp ứng (ít ra là) về mặt tâm lý an cư. Giới chuyên môn có xu hướng, có trào lưu, có chủ nghĩa… gì không biết, chứ giới chủ đầu tư, nhất là chủ nhà thực sự, những người bỏ tiền của, công sức ra xây nhà, sửa nhà để cho mình và gia đình ở, thì luôn xoay quanh các bài toán cũ, trong đó có vấn đề phong thủy. Làm sao đưa “chuyện chưa cũ” ấy vào nhà mới?
Lưu giữ giá trị nghệ thuật, chăm chút gốc rễ nề nếp khác xa với chạy theo các lễ bái lạc hậu mê tín
Chuyện khoa học hay triết học
Có nhiều ý kiến phản biện: tại sao người ở các nước phát triển Âu, Mỹ, Úc… không chú trọng đến phong thủy như phương Đông và Việt Nam ta mà họ vẫn sống khỏe, sống vui, sống lâu và sống tốt? Câu trả lời nằm hệ quy chiếu từ góc nhìn chủ thể, từ tâm thức con người mỗi nơi. Văn hóa Tây phương trọng tính phân tích, cá nhân, đề cao chủ động, tự lập, với khung luật pháp và định kiến xã hội rõ ràng về hành vi, ai cũng phải trách nhiệm với chính hành động của mình, không có tác động ngoại lực nào làm cho mình có thể đổ thừa, bấu víu, biện minh, né tránh… Cho nên nhà cửa bên xứ họ nói “tốt hay xấu” phải nói theo các chuẩn mực xã hội và con người của họ. Và nhà cửa ở Singapore, Nhật Bản, Đan Mạch… là minh chứng cho tư duy tích hợp khoa học và triết học vào chốn an cư đầy khôn khéo, trách nhiệm.
Thế giới hiện đại có thể xóa nhòa nhiều quan niệm xưa cũ, Đông Tây xích lại gần nhau, nhưng vẫn có những điểm khác biệt về tư duy - văn hóa ứng xử trong nơi cư ngụ. Xã hội Á Đông từ lâu đã “khắc cốt ghi tâm” vào ý thức của đại đa số cư dân các yếu tố tác động của số phận, thời vận… đến tốt xấu thịnh suy của bản thân, gia đình, nhà cửa. Đặc trưng này cùng các yếu tố trọng tình hơn trọng lý, từ thế giới quan, đến gán ghép biểu tượng lành dữ vào hình thế vật chất nơi ăn chốn ở, đã tạo nên một” hệ thống lý luận” về phong thủy vừa lan rộng phức tạp (vì quá nhiều biến thể, suy diễn, áp đặt…) lại vừa sâu sắc (vì tổng hợp đủ dạng góc nhìn triết lý nhân sinh, khoa học, môi trường, tôn giáo…), mà suy luận ở góc nào cũng dễ thấy có lý! Vấn đề là: mọi người đều thấy ít nhiều cái lợi ích nào đó của mình, nhà mình trong các triết lý phong thủy ấy, mà không phải lúc nào các kiến giải khoa học thuần túy cũng dễ tiếp cận và thấu hiểu với đại đa số. Một khi phải lựa chọn, sự dung hòa sẽ được tư duy Á Đông đặt lên hàng đầu: làm sao vừa có thể đáp ứng các yêu cầu về phong thủy mà vẫn đảm bảo công năng, kỹ thuật, thẩm mỹ và kinh tế! Ngay cả các nghiên cứu khách quan và độc lập về cung cách ăn ở xưa nay tại Việt Nam cũng ghi nhận phong thủy như một dạng tập quán, thực hành tín ngưỡng, hoặc ý thức gia truyền. Tin vào cầu lành tránh dữ để an tâm mà làm, mà dùng, hồi sau phân giải, nhất là cái niềm tin ấy lại được các nhóm chuyên gia khác nhau ít nhiều ủng hộ, ví dụ như thơ mộc luôn hỏi có theo kích thước Lỗ Ban khi đo đạc cửa nẻo, đồ gỗ không, thợ sơn luôn hỏi màu này đã chọn hợp tuổi gia chủ chưa… thì không thể bỏ qua được. Và do đó việc chấp nhận phong thủy như “nhiệm vụ thiết kế” ngày một phổ biến, được xem là ứng xử mang tính hòa hợp về môi trường lẫn xã hội.

Một môi trường sống hợp phong thủy dù ở phương Đông hay phương Tây luôn cần theo các chuẩn mực cơ bản trong sử dụng, ứng xử
Chuyện bài trí hợp chủ hợp thời
Những ai quan niệm “hợp với hành Thủy nên sơn trần màu xanh dương” hoặc “Mệnh cần hành Thổ nên nhà toàn ô vuông vức” là hiểu chưa đầy đủ về nguyên lý hài hòa ngũ hành. Bản chất của Ngũ Hành là sự tương tác, chuyển hóa qua lại giữa các thành phần trong môi sinh, khi quá thiên lệch về một màu sắc, một hình dáng hay một chất liệu nào thì đều gây thừa, và phát sinh hệ quả xấu. Do vậy cách bố trí hài hòa Ngũ Hành khi trang trí nội thất là chọn một Hành làm chủ đạo (Hành Bản Mệnh), tiếp theo bổ sung thêm hành Sinh Chủ và hành Chủ Sinh, điểm xuyết hành Chủ Khắc tại các vị trí xấu, còn lại tuân theo công năng, thẩm mỹ. Ví dụ một ngôi nhà của gia chủ có mệnh thuộc hành Kim, tường nhà đã sơn màu trắng xám (bình hòa), thì nên chọn các mảng trần hình vuông hoặc tròn (Thổ sinh Kim), đồng thời có thể bổ sung các mảng tường hay trần uốn lượn mềm mại, thêm những tranh ảnh gợi nhớ mặt nước, sông suối như một cách tạo Kim sinh Thủy.
Cũng nên căn cứ vào đặc tính của không gian chứ không chỉ thuần theo yếu tố cá nhân, và có lúc dùng Khắc lại tốt hơn là Sinh. Ví dụ nếu phòng khách có mảng tường sơn màu đỏ cam, thuộc Hỏa, thì khi trang trí nhà nên điểm xuyết vài mảng miếng tròn hoặc cong, bổ sung ánh sáng trắng (thuộc Kim và Thủy, là 2 hành tương khắc với Hỏa) để giảm bớt tính Hỏa vượng. Gặp trường hợp nhà có khoảng sân trời bên trong diện tích hẹp, tường chung quanh kín (thuộc Thổ) thì nên xử lý mảng trang trí theo kiểu cây cối hoặc tạo hình dạng nhánh cây, hoa lá thuộc hai hành Mộc và Thủy để khắc chế tính gò bó của Thổ, giảm đi sự đơn điệu. Nếu trường hợp này mà dùng hành Hỏa (màu đỏ hoặc cam, trang trí mái ngói nhọn) nhằm Tương Sinh cho Thổ thì lại càng làm cho không gian thêm ngột ngạt.
Việc tạo mới hoặc tu chỉnh các mảng trang trí nhẹ nhàng cho không gian nội thất thông qua thay đổi chất liệu, màu sắc chính là liệu pháp cân bằng và cải tạo Sinh Khí hiệu quả. Dĩ nhiên trang trí nhiều quá mà không có sắp xếp hợp lý sẽ dẫn đến dư thừa ngột ngạt, vướng víu tầm mắt, lợi bất cập hại. Vì vậy, rất cần sự kết hợp của gia chủ với các nhà chuyên môn để tìm ra giải pháp, ý tưởng nhằm hoàn thiện tốt hơn cho góc sống của mình.
Như vậy, đặc thù phong thủy trong văn hóa phương Đông đã được cha ông ta ứng dụng rất đa dạng, từ y học đến quân sự, từ xây cất sang trạch cát (chọn điều tốt tránh điều xấu) với lẽ đơn giản nhất mà cũng thâm thúy nhất, đó là con người cần sống sao cho thuận theo tự nhiên, cư xử tôn trọng các mối quan hệ. Có người dọn vào nhà mới thấy không phất bằng lúc trước khi xây, cho rằng do yếu tố phong thủy không tốt, lo lắng vì ngoại cảnh tác động, vì nhà hàng xóm, vì dị vật bao quanh… xung khắc với nhà mình. Thực chất phải xem xét một cách toàn diện và duy vật các vấn đề trong và ngoài một ngôi nhà theo nghĩa rộng, chứ không đơn thuần ở giải pháp thuần túy kỹ thuật hay thẩm mỹ cảm tính. Văn hóa dân gian cũng truyền lại kinh nghiệm Nhất Mệnh-Nhì Vận-Tam Trạch- Tứ Đức, trong đó Trạch (chọn lựa nhà đất, thời điểm xây dựng) đứng hàng thứ ba. Các yếu tố khác như mệnh và vận liên quan đến bản thân của người chủ (sức khỏe, tài chính, gia cảnh) tránh tình trạng làm nhà “cố quá thành ra… quá cố” như một vài trường hợp không biết tự lượng sức mình trước khi chọn đất cất nhà. Chính yếu tố về Đức (đạo đức, tư cách) và Vi (hành vi, ứng xử) của gia chủ, của cộng đồng luôn góp phần không nhỏ đến chuyện tốt xấu của mỗi ngôi nhà, chứ không chỉ là các vật phẩm trấn yểm hay niềm tin tín ngưỡng cá nhân của gia chủ với phong thủy.
Biết đủ để thấy đầy, biết an để hưởng lạc là điều không dễ biết, dễ làm. Một nền văn hóa Việt đã có truyền thống nhu hòa với bề dày 4000 năm, sao có thể để những cung cách mê tín dị biệt ngoại lai xâm lấn, xói mòn, lệch lạc ? Cha ông ta khi khuyên con cháu “nhất cận thị nhị cận lân, chị em xa không bằng láng giềng gần” chính là đặt niềm tin ở những hành xử hợp lẽ văn hóa, tin để có cái Đức, cái Vi của một cư dân biết điều trong một cộng đồng biết điều. Khi đó, phong thủy hay giải pháp kiến trúc nào nếu được cân nhắc một cách toàn diện và hệ thống, thì sẽ là chìa khóa giải quyết căn cơ các vấn đề về không gian, môi trường và thái độ sống.
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 204