Cái vùng quê này chắc cũng chỉ còn nhà tôi là lọt thỏm vào sâu hoắm so với mặt đường. Vài ba bận địa phương đổ đất nâng lên, rồi nhà hàng xóm xây sau thì đổ nền cao hơn mấy ngôi nhà cũ xung quanh. Cứ thế, tổ ấm tuổi thơ chợt hệt cái ốc đảo của những kẻ hay mơ mộng, sống biệt lập với mớ âm thanh ồn ào huyên náo của thị tứ đang dần chuyển mình.
Mà yên ắng quá, tôi lại bị cái chứng khắc khoải.
... Khắc khoải nhớ ba.
Ba tôi là ngư dân, nhưng hay tự đùa mình là “thợ đụng”: đụng đâu làm đấy. Từ cái hàng rào trước hiên, hay vườn hoa sau nhà, rồi gốc cây ăn trái... ba đều tự tay kiến tạo, vun xới. Vì vậy, cũng chẳng có gì lạ khi ngôi nhà gắn bó với tôi mấy mươi mùa xuân, đều in hằn dấu tay của ba qua từng ô gạch nhỏ, trong những trưa chang nắng.
Ba xây nhà này từ những năm chín mấy - cái thời mà ốp sỏi lên tường là một loại mốt thịnh hành trong kiến trúc, và ghi năm xây dựng trước nhà trở nên phổ biến ở hầu khắp mấy công trình dân sinh. Nhà xây trên nền đất ruộng, xung quanh trũng bùn. Ba cùng mấy chú trong tổ thợ đã cất công chở mấy xe cát để đổ cho bằng phẳng trước khi làm móng.
Ba xây từng phần, nơi tiếp khách cùng phòng ngủ trước, còn khúc nhà bếp, nhà vệ sinh cùng cái nền giếng phía sau thì che tạm bằng tấm bạt xanh biển. Chỗ nào còn tiền thì quét sơn, chỗ nào cạn vốn thì tô tạm xi măng rồi tính tiếp. Nhà cứ loang lỗ thành hình như thế, tới khi tôi vào tiểu học thì cũng hoàn chỉnh được ba phần tư. Ba bảo, còn gì vui hơn khi chứng kiến công sức mình bỏ ra đang hoàn thiện từng ngày. Cả nhà cùng gật gù đồng ý.
Ngày biển trúng mùa, ba để dành được ít tiền sơn cho xong vách tường nhà bếp. Một cuộc bỏ phiếu được diễn ra công khai để chọn lựa màu sắc, rồi cuối cùng chỉ với một lá có quyền ưu tiên của mẹ, ba chốt luôn mảng tường màu xanh rêu mặc mấy đứa con mè nheo không chịu. Ừ thì, mẹ của bây thích là được. Ba cười khì bảo thế.
Năm tôi học lớp 7 thì hai cơn bão liên tiếp ập vào. Khúc ruột miền Trung vốn đã lắm gian nan vì mưu sinh, nay lại phải oằn lưng chống thiên tai cuồn cuộn. Mấy cây xoài, cây mít trồng cạnh nhà - ngay cửa bếp phía sau, bị đổ gục, đè hết lên mái ngói, tốc bay tấm tôn mới thay hôm trước. Hàng chuối hương cũng ngả rạp dưới đất, lá tơi tả đầy vườn. Nhìn căn nhà mình nâng niu bao năm trở thành mớ hỗn độn chỉ trong vài tiếng ngắn ngủi, tự nhiên chực trào nước mắt xót xa.
Chúng tôi dành hơn một ngày để thu dọn tất cả những thứ đổ vỡ sau cơn bão. Khi gió thôi những đợt rít, và trời thì lấy lại màu trong xanh, những hy vọng mới dần le lói trong chúng tôi khi chung tay lần nữa kiến tạo lại căn nhà kỷ niệm. Ba nói, thời của ba mẹ, cái gì hư thì sửa, chứ không phải vứt đi. Tình yêu cũng vậy: Tình yêu cho tổ ấm.
Từ khu vườn toàn cây ăn trái dạo trước, sau cơn bão, ba làm luống trồng những hàng hoa móng tay đủ màu, xen kẽ là hoa hồng, hoa bát tiên... lung linh khoe sắc. Sân trước, ba trồng mấy chậu sen hồng, tô màu cho cuộc sống vốn đơn sắc của ba kể từ ngày nội mất.
Để gầy dựng khu vườn cổ tích ấy, ba thường xin hạt hay cây giống từ mấy nhà hàng xóm xung quanh, hoặc có khi là sau mấy chuyến ra khơi, thấy nhà ai có hoa đẹp là ba lại lân la đi hỏi, đặng đến tết “sắp nhỏ” về có thể cảm nhận được không khí giao mùa ở quê hương.
Anh chàng “thợ đụng” ngoài việc làm vườn, còn lần mò học theo người ta làm thợ điện, hì hục lắp thêm mấy bóng đèn phía sau nhà. Đợt cận tết, lúc sương mờ phủ xuống nồi bánh chưng chờ trời sáng, mấy bóng đèn ấy như những ngọn hải đăng dẫn đường giữa biển hoa, thắp lên bao nhiêu đợi mong cho một năm mới bình an, hạnh phúc. Chúng tôi quấn mền nằm cạnh bếp lửa như những con mèo mướp lười nhác, nhấp ly trà móc câu đăng đắng, vừa ngắm hoa, vừa kể nhau nghe những buồn vui năm cũ. Ngôi nhà chợt như thu bé lại, vừa bằng cái siết tay nhau an ủi, hay đôi cái xoa đầu thật khẽ của ba: “Con đã làm rất tốt”.
Đêm tất niên, cả nhà thường kéo nhau ra bàn đá trước hiên, vừa uống “trà giao thừa” do ba ủ, vừa rả rích cười ngắm hàng xóm đốt pháo hoa. Những cái tết đã xa, sao mà làm người ta cay khóe mắt đến lạ.
Trong những đêm trằn trọc sau này nơi phố thị, tôi rất hay nhớ về ngôi nhà nơi làng quê ấy. Nó không đẹp xuất sắc, nhưng hoàn mỹ vừa đủ trong mắt tôi. Nó chỉ lụp xụp nhỏ đôi khi phải lom khom cúi người. Thậm chí, nó còn cũ kỹ vì mảng sơn đã bạc màu qua năm tháng. Nhưng nó tạo nên và lưu giữ thứ giúp tôi có thể phân biệt được hai từ “House” và “Home”, đó là kỷ niệm.
Nó là nơi lưu giữ những tiếng cười, và nước mắt; những câu đùa và cả đôi lời trách móc của tôi với ba. Hơi ấm của ba đã lạnh dần qua cơn ác mộng nghiệt ngã của số phận, nhưng hình như, trước khi tan biến theo gió mây, nó đã kịp ủ ấm lên ngôi nhà nhỏ, cùng những mùa hoa bỏ lại ngoài vườn.
Theo TC KIến Trúc & Đời Sống số 203