Ngôi nhà thân yêu: Đường về nhà là vào tim ta

Lượt xem: 2940
12/6/2023 15:00 - Nhà ở
Tác giả: TRẦN THỊ PHƯƠNG (SINH VIÊN)

Lời bài hát vang lên giống như khúc vọng cất lên từ trái tim của những người con xa quê đang ngày đêm mong nhớ được trở về mái nhà thân thương – nơi chứng kiến sự trưởng thành lớn khôn từng ngày của mình. Và ở ngôi nhà đó, luôn có người đợi ta trở về với bao niềm nhớ thương, xúc động và ta gọi đó bằng hai tiếng mến thương “gia đình”.

 
Có thể nói chúng ta sẽ thật may mắn biết bao nếu còn có nơi để về. Ngôi nhà đó có thể không hoàn hảo, thế nhưng nó đã lớn lên cùng chúng ta trong suốt những năm tháng tuổi trẻ từ thuở lọt lòng mẹ, bước đi những bước chập chững, bập bẹ những câu nói ngây thơ cho tới khoảnh khắc của sự trưởng thành và phải tạm rời xa căn nhà dấu yêu đó để viết lên hành trình xây dựng ước mơ. Cũng giống như bao người khác, tôi may mắn khi được sinh ra trong một gia đình trọn vẹn, được bao bọc chở che dưới mái nhà thân thương và hơn hết là chứa đựng những ký ức thiêng liêng. Thuở thơ ấu của tôi gắn liền với ngôi nhà mang kiến trúc cổ xưa phổ biến ở những năm 90, người ta hay gọi đó là nhà cấp bốn với mái nhà được xây bằng ngói truyền thống, chính giữa ngôi nhà được chia thành ba gian bên cạnh có hai căn buồng và một nhà bếp nhỏ xíu. Vật dụng trong nhà cũng khá đơn giản được bố trí ngăn nắp, sàn nhà lát bằng gạch đất thông thường. Xung quanh trồng khá nhiều cây xanh nên không khí vô cùng trong lành, dễ chịu, trước hiên nhà là chiếc sân khá rộng và thoải mái. Ngôi nhà mộc mạc giản dị ấy nhưng lại chứa đựng biết bao kỷ niệm gắn bó yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Mỗi khi nhớ về căn nhà ấy dù chỉ là trong ký ức mơ hồ, non nớt của một đứa trẻ nhưng kỳ lạ thay tôi lại cảm thấy nhẹ nhàng, an yên, bình an vô vùng có cảm giác như đưa tôi về với những nỗi niềm của miền nhớ thương để ta đắm say, bồi hồi, da diết khôn nguôi. Trong bài thơ Trong căn nhà chưa quen tác giả Hữu Vi đã bày tỏ cảm xúc nồng nhiệt, thiết tha nghĩa tình qua những dòng thơ: “Về đi thôi em ạ/ Có căn nhà trong mơ/ Chẳng lợp bằng mái rạ/ Bằng những niềm thờ ơ”.
 
 
Quả thật như thế, mái nhà đơn sơ, giản dị nhưng chứa chan ân tình nó không chỉ là mái nhà che mưa, che nắng mà còn có sức mạnh phi thường khi có thể che chở con người khỏi những hiểm nguy luôn rình rập. Đó là lý do vì sao ta luôn cảm thấy nhẹ nhàng, an toàn và buông thả hết mọi căng thẳng khi được trở về nhà.
Thời gian cứ thế trôi đi, ngôi nhà do ông bà tôi xây từ khá lâu đã xuất hiện những biểu hiện xuống cấp. Do vậy, bố tôi đã quyết định xây nên một ngôi nhà mới cạnh mái nhà chứa đầy yêu thương ấy. Ngôi nhà này được xây với kiến trúc hiện đại, phù hợp với thời đại ngày nay khi mái nhà không còn được lợp bằng mái ngói mà thay vào đó là bê tông, xi măng. Với thiết kế tiện nghi để chia phòng cho mỗi thành viên, sàn nhà giờ đây cũng được lát toàn bộ bằng gạch hoa khá bắt mắt. Có một điểm giống với căn nhà cũ, đó là xung quanh nhà cũng được bao phủ bởi cây xanh, phù hợp với tiêu chí thân thiện với môi trường; đồng thời đem lại tính thẩm mỹ cho không gian sống. Ngôi nhà thay đổi thế nhưng những kỷ niệm, ký ức của tuổi thơ với ông nội và sự gắn kết, yêu thương của thành viên trong gia đình thì vẫn đằm thắm như thế.
Ngôi nhà không chỉ là chốn để đi, để về mà còn là chốn để yêu thương, để nhớ, để gắn kết, sẻ chia đùm bọc tạo nên một tổ ấm thật sự. Và để xây nên một tổ ấm chứa chan ân tình đòi hỏi phải thiết kế, kiến tạo nên một không gian sống phù hợp với nhu cầu sinh hoạt, nhịp sống của các thành viên trong gia đình. Trước tiên, không gian đó mang cá tính riêng của gia chủ có nghĩa là khi thiết kế một ngôi nhà cần xuất phát từ đặc điểm, hoàn cảnh của sở thích của thành viên gia đình để chọn nên kiểu xây phù hợp đồng thời có sự đổi mới, sáng tạo ở mỗi ngôi nhà. Nhân tố thứ hai không thể thiếu đó là tính tiện nghi với mục đích là đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đem lại sự thoải mái hơn nữa xu hướng hiện nay là sự hiện đại, tinh tế luôn được ưa chuộng ở hầu hết đối tượng. Bên cạnh đó tính thẩm mỹ cũng đóng vai trò quan trọng bởi nhu cầu hướng đến cái đẹp, nâng niu trân trọng cái đẹp đã trở thành chân lý khát vọng muôn đời của con người. Do vậy khi sống trong một căn nhà có sự hài hòa của thiết kế cũng như cách bố trí đồ nội thất, trang trí hợp lý sẽ nâng cao chất lượng sống, tinh thần và gắn bó lâu dài với căn nhà. Với mục tiêu hướng đến lối sống xanh, việc bố trí trồng cây xanh trong và xung quanh nhà cũng góp phần cải thiện đời sống con người, đem lại không khí trong lành góp tạo nên không gian tràn đầy sức sống. Nhờ nắm bắt được các tiêu chí đó trong từng thời đại do vậy nên các thiết kế, cách xây dựng nhà của người Việt đang ngày được cải thiện, phát triển hoàn thiện hơn và cho ra nhiều ngôi nhà đảm bảo chất lượng, đa dạng về hình thức.
 
 
Mặc dù các thiết kế và cách xây dựng nhà hiện nay đã đổi mới, cải tiến khá nhiều để phù hợp với lối sống của người Việt thế nhưng vẫn chưa khắc phục được những khuyết điểm trong cách xây dựng chẳng hạn như lựa chọn những thiết kế không phù hợp với từng đối tượng. Với người trẻ họ ưa chuộng không gian trẻ trung, hiện đại ngăn tầng với người già cần thiết kế không gian thoáng đãng, trong lành hạn chế leo cầu thang. Hay nhiều ngôi nhà được xây với vật liệu chưa thật sự chất lượng, không phù hợp với môi trường…
Việc cân bằng hài hòa giữa xây dựng một ngôi nhà đảm bảo về chất lượng thiết kế xây dựng với kiến tạo nên tổ ấm tình thân có sự gắn bó, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình sẽ góp tạo nên một mái nhà hoàn hảo. Mỗi chúng ta cần nâng niu, trân trọng, phát huy những điều đó vun đắp nên tình cảm nồng nhiệt trong mái nhà thân yêu. Sau này dù có phải rời xa ngôi nhà đó bạn hãy luôn nhớ về nó bằng tất cả nỗi niềm nhớ thương, tình cảm mãnh liệt thiêng liêng không ngừng biết ơn mái nhà che mưa che nắng đó che chở ta lớn lên và điều quan trọng là cho dù bất kỳ điều tồi tệ nào xảy đến với bạn thì đừng quên về nhà nhé.
 
* Tựa bài trích lời từ bài hát “Đi về nhà” - Đen Vâu & Justatee
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 204

Các tin khác