Ngôi làng hợp chủng quốc ở Paris

Lượt xem: 5787
19/12/2017 0:00 - Thế giới kiến trúc
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - LAM PHONG

Đi trong ngôi làng ấy, cứ ngỡ như đang được chu du vòng quanh thế giới, bởi mỗi toà kiến trúc lại gợi một nét quen. Đó chính là Đại học xá Paris (Cité Internationale Universitaire de Paris), rộng 34 hecta ở quận 14, thủ đô Paris, Pháp. 

 
 
12.000 sinh viên, nghiên cứu sinh mang 140 quốc tịch khác nhau trên thế giới, sống chung trong 40 tòa nhà mang phong cách kiến trúc khác biệt trên đường Jourdan thuộc quận 14, trong khu Đại học xá Paris, hẳn là một con số ấn tượng cùng những hình dung thú vị về không gian kiến trúc khi đề cập đến khu làng sinh viên thế giới này. Mỗi khi nói đến những ngôi làng cổ xứ Pháp, dễ gợi cho người ta định hình ngay một không gian chuẩn mực, từ quy hoạch đến phố xá, nhà cửa, ít nhiều đồng nhất với những phong cách kiến trúc từ cổ điển, phục hưng, hay đương đại. Nhưng ở làng đại học Paris, tổng thể ngôi làng là sự hoà trộn đa phong cách kiến trúc, mà qua từng tòa nhà cụ thể, người ta dễ dàng nhận diện ngay xuất phát điểm của nền văn hóa tạo nên tòa kiến trúc ấy. Hình thành nên một không gian sống, học tập và nghiên cứu đầy lý tưởng cho sinh viên toàn thế giới từ năm 1925 đến nay.
 
Sự hoà hợp thú vị
Bước qua khỏi cổng vòm để vào khu Đại học xá Paris, mở ra trước mặt là một không gian rộng với mảng vườn cây được cắt tỉa tinh tế và tạo hình khéo léo, phía trái vườn cây đặt một bức tượng nhỏ của vị sáng lập ra khu Đại học xá Paris, chính là ngài bộ trưởng Bộ Giáo dục André Honnorat. Ý tưởng lập ra ngôi làng dành cho sinh viên thế giới này được ông André Honnorat ấp ủ từ những năm 20 của thế kỷ 20, lúc ấy đang xảy ra chiến tranh thế giới thứ nhất, với mong muốn hình thành một không gian để mọi người trẻ trên thế giới có thể đến sống, học tập, vui chơi trong hòa bình - đối lập với những xung đột của chiến tranh đang ngày một leo thang. Ý tưởng được nhiều giới chức cũng như các mạnh thường quân tại Pháp ủng hộ, và 1925, khu Đại học xá Paris chính thức ra đời. 
Khi bắt tay vào xây dựng công trình, mỗi toà nhà được một mạnh thường quân hoặc một tổ chức đứng ra quyên góp, xây dựng và tự do quyết định phong cách kiến trúc, có thể là phong cách cổ điển, gắn liền với văn hóa của quốc gia xây dựng tòa nhà, hoặc là sự kết hợp của phong cách đương đại. Tất cả sự hòa trộn đa chiều, đa văn hóa, đã hình thành nên một tổng thể làng đại học Paris không giống bất kỳ ngôi làng nào khác trên thế giới. 
Những kiến trúc gắn liền với nét văn hóa quen thuộc như nhà Đông Dương (đại diện cho Việt Nam), xây dựng năm 1930, với mái ngói âm dương gần gũi với văn hóa Việt. Nhà Campuchia được kiến trúc sư người Pháp Francois Audoul xây dựng năm 1957, với hình ảnh hai chú khỉ Hanuman án ngữ trước lối vào, trên phần chính diện của toà nhà có hình ảnh Vishnu, vị thần bảo hộ trong Hindu giáo, thường thấy trong các mảng điêu khắc đền đài của nền văn minh Angkor. 
Từ 1925 đến 1940, 19 toà nhà dành cho sinh viên quốc tế được xây dựng, sau chiến tranh thế giới thứ hai, việc kiến thiết các tòa nhà được tiếp tục. Đến 1969, làng đại học Paris đã có đến 36 tòa nhà mang phong cách kiến trúc 36 quốc gia khác nhau. Rất nhiều những kiến trúc sư nổi tiếng đương thời tham gia vào việc hình thành khu làng đại học Paris, như Armand Guéritte với phong cách kiến trúc cổ điển kiểu Pháp, xây dựng tòa nhà dành cho sinh viên các tỉnh của Pháp (Maison des Provinces de France) năm 1933. Lĩnh vực kiến trúc đương đại có kiến trúc sư Le Corbusier - người có chân dung trên tờ tiền 10 francs của Thụy Sĩ - xây dựng tòa nhà Thụy Sĩ năm 1930. Kiến trúc sư Pierre Sardou, người thực hiện công trình tòa nhà Nhật Bản… Mỗi tòa nhà trong làng đại học, gắn với một tên tuổi kiến trúc sư lừng danh đương thời, và với những công trình để đời, tạo cho làng đại học hôm nay một tổng thể đa dạng về văn hóa, kiến trúc, là một phần di sản trong kiến trúc của thủ đô Paris. 
Với 5.800 phòng chia đều cho 40 tòa nhà, làng đại học Paris hiện là nơi lưu trú lớn nhất trên toàn lãnh thổ Pháp dành cho sinh viên thế giới. 
 
Nét kiến trúc cổ điển của châu Âu ở Đại học xá Paris
 
Cổng vào của Đại học xá Paris nhìn từ thư viện
 
 
 

 

Các mảng điêu khắc và trang trí nội - ngoại thất đều là những tác phẩm nghệ thuật mang phong cách từ cổ điển đến đương đại, tạo điểm nhấn đẹp trong khu Đại học xá Paris
 
Điểm nhấn kiến trúc
Kiến trúc nổi bật và đồ sộ nhất trong khu Đại học xá Paris, chính là tòa nhà thư viện, được ví là trái tim của làng đại học về nhiều phương diện, từ không gian học tập đến vẻ đẹp kiến trúc và tầm quan trọng của tòa nhà. Tổng thống thứ 15 của Pháp là Albert Lebrun đã đến dự lễ khánh thành thư viện vào ngày 14.11.1936. Thư viện lúc mới mở cửa có 50.000 đầu sách và 150 bàn đọc sách dành cho sinh viên và nghiên cứu sinh. 
Không gian chính của thư viện là phòng đọc sách được thể hiện theo hình vòm cong, một kiểu ứng dụng kiến trúc quen thuộc trong các công trình mang diện tích lớn như thánh đường, thư viện tại châu Âu thế kỷ 16. Hàng cửa kính được ứng dụng tối đa lấy ánh sáng, tạo nên một hiệu ứng thị giác với không gian mở, kết hợp với độ cao vòm trần, các đường cong bán nguyệt, đem lại cảm giác rộng thoáng, cùng một phòng đọc chung nhưng lại có không gian rất riêng, tiện ích cho việc học tập và nghiên cứu.
Điểm nhấn thú vị của kiến trúc thư viện chính là hai bức tranh sơn dầu khổ lớn ở hai đầu phòng đọc, đây là một kiểu thức trang trí nội thất phổ biến ở Pháp dưới thời Louis XIII. Trong đó có bức sơn dầu thể hiện ba nhân vật, hai trong số ấy là nhà khoa học nổi tiếng Lister (người Anh) và Pasteur (người Pháp) đang trò chuyện bên các công cụ thí nghiệm. Mục đích của bức hoạ này nhằm khơi gợi cho sinh viên về tình hữu nghị, gắn bó giữa các sinh viên, nghiên cứu sinh, nhà khoa học đến từ các quốc gia trên thế giới, và cũng là mục tiêu chung mà làng đại học nhắm đến kể từ khi thành lập.
Tổng thể nội thất của thư viện vẫn được giữ nguyên, từ màu sơn, bàn gỗ, vải lót sàn, đến các phần rang trí nội thất. Đến những năm 90, ứng dụng công nghệ thông tin được đưa vào thư viện để số hóa các tài liệu, tiện cho việc nghiên cứu. Tòa kiến trúc thư viện cũng là một trong những điểm tổ chức hội nghị, diễn đàn mạng, thuyết giảng, trình diễn nhạc, kịch… trong tổng số khoảng 1.000 sự kiện dành cho sinh viên diễn ra hàng năm ở Đại học xá Paris. 
Bên cạnh những phong cách kiến trúc đa dạng của 40 tòa nhà, các khu vực công cộng, không gian chung như rừng cây, thảm cỏ, lối đi, đều được điểm xuyết trên đó bằng các công trình nghệ thuật độc đáo khi mang nét cổ điển, lúc lại đầy màu sắc đương đại. Đó là mảng vườn tượng mang phong cách Pháp ở thế kỷ 16, mà việc chăm sóc các mảng xanh ở Đại học xá Paris có 13 người, 12 trong số họ đều là các nghệ nhân làm vườn nổi tiếng. Hay những tác phẩm điêu khắc, tạo hình của các nghệ sĩ đương đại như Oscar Estruga, Juan Soriano… tạo thành các điểm nhấn duyên dáng cho tổng thể khu đại học xá, biến nơi đây thành một địa điểm lý tưởng, không chỉ cho việc học tập của sinh viên thế giới, mà còn là điểm đến khám phá những mảng kiến trúc, điêu khắc đặc sắc với nét đẹp vượt thời gian.
Qua gần 90 năm tồn tại và phát triển đúng theo tinh thần của người sáng lập ban đầu, Đại học xá Paris cho đến giờ vẫn là làng đại học đầu tiên tập hợp đa dạng phong cách kiến trúc của nhiều quốc gia, xứng đáng danh hiệu là ngôi làng có kiến trúc độc đáo và phong phú nhất thế giới. 
 
Đại học xá Paris là làng đại học có môi trường học tập lý tưởng nhất dành cho sinh viên thế giới
 
Nét điêu khắc trang trí trên phần mặt tiền của ngôi nhà Cuba xây dựng năm 1932
 
Góc học tập của sinh viên trong thư viện Đại học xá Paris
 
Nét cổ điển gợi về một không gian kiến trúc kiểu Pháp ở thế kỷ 16
 
Góc trang trí đậm sắc màu truyền thống trong ngôi nhà Nhật Bản
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 97