Nếp gấp và dòng chảy

Lượt xem: 10662
19/2/2021 10:00 - Nhà ở
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Trúc Đào, Việt Uy

Từ một cấu trúc nhà khung thép cũ, có gì nhiều để nhà thiết kế vừa khai thác tối đa không gian sử dụng, vừa đưa được vào những ý tưởng của mình, đồng thời không “xung đột” với ý muốn kinh doanh của chủ đầu tư?

 
  
Lối vào dẫn đến cầu thang là khởi đầu của ngôn  ngữ nếp gấp với hệ khung thép sơn đen trắng
 
 
Công trình nhà hàng mới khai trương ở Hà Nội này đã giải được phần nào các mệnh đề “ vừa là...vừa là...” nêu trên, với cách xử lý tương đối đồng nhất và xuyên suốt về ánh sáng, màu sắc, vật liệu. Với diện tích 1.800m2 cho kiến trúc ba tầng, mỗi tầng có chiều cao 7m khá thoáng nhưng cũng dễ trống trải, phong cách thiết kế ở đây đã đem đến những ấn tượng thị giác khác với thông thường. Ở vị trí trung tâm của mặt bằng là cầu thang quanh co bằng gỗ và thép giúp liên kết giao thông giữa các tầng với nhau và tạo trục thông thiên thú vị khi nhìn từ lòng cầu thang, đồng thời là điểm nhấn cho toàn bộ cấu trúc ba tầng của công trình. Khi nhìn vào mặt bằng, dễ nhận thấy thủ pháp “gấp nếp” đã giúp bộ khung cũ đều đặn vuông vức trở nên ấn tượng hơn, loại bỏ sự dàn trải nhàm chán và gia tăng tính rẽ ngoặt bất ngờ mà không cần phải ngăn chia phòng phức tạp.
 
 
 
 
Cấu trúc nội và ngoại thất theo dạng nhiều lớp, giúp lọc nắng và phân bố ánh sáng lung linh hơn. Không gian được ngăn chia linh hoạt nhờ hệ cửa xếp và vách ngăn có mảng trang trí nghiêng xéo khá mạnh mẽ
 
 
 
Ánh sáng được thiết kế khá phong phú và đồng bộ, từ đèn pha nhỏ đặt giữa hệ lam, đến các đèn chụp được chế tác công phu đặt rải rác
 
 
Các “nếp gấp” được tạo hình trên cơ sở hệ thống lam đứng và ngang, liên thông nhau từ trần qua tường, bẻ gập, nâng lên hạ xuống ở các cao độ khác nhau, chỗ thì làm mảng che hệ thống ống kỹ thuật, chỗ thì làm mảng thông gió và chắn nắng. Nhà thiết kế xử lý hệ lam theo những tuyến gấp khúc liên tục trên mạng lưới song song, từ đó hình thành nên các đường dẫn về giao thông lẫn thị giác, và chính những đường dẫn này vừa là cấu trúc không gian vừa là chi tiết trang trí. Khi di chuyển từ ngoài vào trong, cũng như khi lên xuống giữa các tầng, có thể nhận thấy nội thất nhà hàng mang đặc tính “dòng chảy” khá hấp dẫn chứ không theo lối trang hoàng bài trí quen thuộc. Khá ít đồ trang trí x ếp đặt, mà chủ yếu là các mảng gạch trần đan xen với khung sắt chữ I của dạng nhà xưởng cũ, kết hợp với dàn lam sơn trắng và đen tương phản mạnh mẽ.
Bên cạnh tính sáng tạo và ấn tượng về cấu trúc, cách sắp xếp bàn ghế có khoảng cách hợp lý giúp nhà hàng bớt đi kiểu tận dụng triệt để diện tích. Ngoài không gian chung thì mỗi tầng đều có khu vực phòng VIP với cách sử dụng vách ngăn linh hoạt, khi cần có thể liên thông không gian khá dễ dàng. Ngoài ra, tầng trên cùng có khoảng sân ngoài trời được xanh hóa bởi những cây sứ nở hoa như là một cách tạo điểm thư giãn thú vị. Hệ thống cây xanh cũng không theo lối “trăm hoa đua nở”, mà được chọn lọc nhất quán, bám theo mặt tiền nhờ các mảng bồn hoa bêtông sơn trắng theo phân vị ngang, và dịch chuyển trong nội thất nhờ một số mảng vườn đứng cùng với chậu cảnh khá bắt mắt.
Với những “nếp gấp và dòng chảy” như vậy, không gian ẩm thực này đã minh chứng rõ ràng rằng kiến trúc và nội thất luôn là một và không nên - không thể tách rời nhau.
 
 

 

Các góc nhìn đều thấy cây xanh với sự chọn lọc và nhất quán, mang lại cảm giác nhẹ nhõm, tươi mát

Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 100