Món quà quê mang hình hài sỏi đá

Lượt xem: 11070
13/1/2019 0:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Nhân Ái

(E-Magazine) Một người bạn tôi từng ví món đặc sản Cu Đơ Hà Tĩnh - quê hương yêu dấu của tôi một cách rất hài hước đáng yêu, đến món đặc sản của quê hương cũng mang mô hình sỏi đá, quê chi mà tội rứa hè?

 

 

 
 
Từ lúc sinh ra đến lúc bắt đầu biết ăn kẹo, trẻ nhỏ thời ấy ở quê tôi được nếm vị ngọt đầu đời chính là miếng kẹo Cu Đơ. Ký ức về món quà quê này trong tôi là một điều gì đó xa xỉ, là những hôm mẹ đi chợ phiên rất xa và rất lâu mới về, lũ trẻ chúng tôi ra tận gốc đa đầu làng ngồi đợi dưới nắng tròn bóng, ngóng chiếc túi cói mẹ treo nơi ghi đông xe đạp, trong đó thường có ít kẹo Cu Đơ và gần chục chiếc kẹo “Cổi Lổ” (một loại kẹo địa phương, được nấu từ mật không có nhân lạc và vỏ bánh đa như kẹo Cu Đơ) kẹo này mẹ thường chia cho các chị lớn.
 
 
Nhà vốn đông con nên giấc mơ của tôi ngày đó là trở thành một người nấu kẹo để có thể ăn bao nhiêu tùy thích, lớn hơn chút nữa thì tôi lại mơ ước trở thành chủ một quán kẹo Cu Đơ và đến bây giờ sau khi nghe câu chuyện của người chủ xưởng kẹo Cu Đơ nổi tiếng nhất Hà Tĩnh, Cu Đơ Thư Viện (Cu Đơ bà Thanh) thì giấc mơ của tôi cũng tan theo mây khói. Câu chuyện ấy được chính người trong cuộc nói ra, dù chỉ một câu thôi cũng khiến tôi suy nghĩ mãi, nghĩ về cái tâm của một người hơn 30 năm xây dựng và gìn giữ thương hiệu cho một vùng quê nghèo: “Chị nghĩ mình bị tiểu đường nặng như này là do mấy chục năm thử kẹo, chị đã thử tất cả nhưng mẻ kẹo, mỗi ngày có ít nhất hai mẻ kẹo ra lò, việc này mấy chục năm nay chị tự làm và chị không đặt lòng tin vào bất kỳ ai…”. 
 

 

 

 
“Quê  tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”, mỗi lần đưa miếng kẹo lên miệng tôi lại trào lên một tình thương, thương quê hay thương cho tuổi thơ khốn khó của tôi đôi lúc tôi cũng không thể nào rạch ròi nổi. Tôi có một người em, hẳn là người Hà Nội nhưng lại rất mê món Cu Đơ, mà em ấy mê thật chứ không phải mê xã giao theo cách của người Hà Nội. Tôi quý em bắt đầu có lẽ là cái cách em ăn miếng kẹo một cách chân thực và say mê ấy, trong phút chốc cái kẹo Cu Đơ to như cái đĩa bay vèo vào bụng em. Nhìn cái cách em ăn, tôi lại chợt nghĩ đến kỷ niệm với cô Đoàn Hương - người đã dạy tôi môn ngữ văn thời còn học ở khoa báo chí trường Đại học Tổng Hợp - tôi đi học muộn và bị cô mắng, một kiểu mắng rất “Đoàn Hương” khiến tôi ngượng chín người: Cái xứ gì đặc sản cũng như người, đã thô lại còn ráp, đã đi học muộn lại còn xin phép âm vực cao như nữ anh hùng xung trận, Cu…Đơ đã ăn một lần thì nhớ, gái Nghệ đã yêu một lần thì đố mà quên”.
 

 

 


 
Lịch sử xuất xứ và tiếng gọi của sản vật kẹo Cu Đơ đến nay cũng chưa có thể chứng minh rõ nét. Theo những người dân ở đây thì kẹo Cu Đơ xuất phát từ vùng đất làng Thịnh Xá, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Mới đầu, người ta chỉ gọi là kẹo lạc cụ Hai, vì cụ là người đầu tiên làm ra loại kẹo này. Cộng đồng dân gian thường giải thích rằng chính người Pháp đã tạo nên tên gọi tiếng kẹo Cu Đơ vì họ đọc từ “cụ” là “cu “, từ “hai” (số 2) đọc là “đơ” (deux).
 
 

 


 
 
Cái thứ quà mộc mạc thô ráp mang tên Cu Đơ không chấp nhận bất kỳ sự can thiệt nào của máy móc và công nghệ trong quá trình chế biến. Chị Thanh - người đã làm nên thương hiệu Cu Đơ Thư Viện kể với tôi, chị đã thử rất nhiều phương pháp như thiết kế nồi nấu bằng điện, nồi chuyên dụng và bếp chuyên dụng vì chị muốn có một không gian chế biến hoàn toàn sạch sẽ không bị ám khói nhưng rốt cuộc đều cho ra sản phẩm không thể so sánh được với phương pháp nấu thủ công, vậy là chị lại phải quay về nấu kẹo theo cách mấy chục năm nay vẫn làm. Phân loại lạc bằng tay và bằng mắt, nấu phải là nồi gang và trên bếp củi, nhân kẹo đổ ra bánh cũng phải tẩn mẩn và nhẫn nại làm từng chiếc một, sau khi rải lớp kẹo lên bánh, người thợ phải để 10 phút sau thì lật lại chiếc kẹo đã làm để cho kẹo dính đều vào hai mặt bánh tráng. Món quà đơn sơ được chế biến kỳ công và khá tinh tế, mỗi lần về quê tôi thường chạy vào thăm chị - chủ thương hiệu Cu Đơ Thu Viện và tôi tự mình làm chiếc kẹo và ăn nó lúc còn nóng rẫy trên tay, phải vừa ăn vừa thổi và uống bát nước chè xanh lạnh toát chị để sẵn cho mới chịu. Một chút kỷ niệm nhỏ nhoi thôi nhưng nhiều khi nhớ lắm, nhớ vị mật mía, nhớ hạt lạc giòn tan trong miệng, nuốt trôi mất rồi vẫn nguyên vẹn vị bùi. Trước tiên, lạc được trồng ở vùng đồi, đảm bảo độ già khô, chắc đều và đương nhiên không lẫn hạt mốc sẽ mất đi vị thơm ngon. Lạc rang lên đủ độ chín, độ giòn và thơm, rồi bóc bỏ vỏ, lấy nhân có màu trắng ngà. Mật mía nguyên chất được bỏ vào chảo chuyên dùng, sau khi đun sôi chảy, cần thêm một số phụ gia như gừng, bột mạch nha để bánh được mềm hơn sau khi tráng.
 
Nấu mật cũng là cả một nghệ thuật công phu sao cho đạt đến độ sánh vàng (lưu ý chỉ dùng mật mía, không dùng mật ong). Khi mật ngả màu vàng thì cho lạc vào đảo đều, khi hỗn hợp đủ sánh lúc đó là đã vừa độ, người làm kẹo sẽ dùng những miếng bánh tráng cắt sẵn theo hình tròn, đổ hỗn hợp kẹo lên và ốp hai tấm bánh tráng lại với nhau. Các khâu hoán đường, trộn lạc, đổ ra bánh đa… đều phải tuân thủ nghiêm ngặt về thao tác và thời gian, giữ vệ sinh tuyệt đối để tăng sự tinh túy của món đặc sản. Bánh tráng làm từ bột gạo ngon xay nhuyễn bằng cối đá, mà phải xay thủ công mới giữ được tinh chất của gạo. Kỹ thuật tráng bánh yêu cầu mỏng đều vừa, rắc vừng trắng hạt mẩy lên khắp mặt bánh. Khó nhất vẫn là lúc nướng bánh, làm sao để bánh không bị cháy, vỡ hay phồng rộp lên mà lại chín đều, giòn tan. Non lửa thì bánh không đông, già lửa thì cháy và đắng, không ăn được.
 

 

 

 
Có lẽ vậy, không có giấc mơ nào là có thật trừ việc biến giấc mơ trở thành sự thật, giấc mơ đó chính là món đặc sản mang mô hình sỏi đá, kẹo Cu Đơ Hà Tĩnh từng vinh dự là lễ vật được dâng lên Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2013. Từ đó đến nay món quà quê dung dị quê tôi vẫn luôn là sản vật dâng tế trong các lễ hội của tỉnh hay quốc gia, tham gia hội chợ triển lãm. Cũng năm 2013, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công bố Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam, kẹo Cu Đơ Hà Tĩnh vinh dự lọt vào danh sách này. Người làm kẹo Cu Đơ Hà Tĩnh đã biến giấc mơ mang “mô hình sỏi đá”, mang theo cả dư vị điệu ví giặm quê mình “răng mà thương mà nhớ” đến những nơi có Nghệ kiều sinh sống khắp năm châu.
 

 


 
 
Những vần thơ mộc mạc giản dị và dân dã như chính món quà quê bình dân ấy, được người làm kẹo in lên cửa hàng, lên hộp kẹo tạo ra một sự thi vị không hề nhỏ về miền quê xứ Nghệ, giống như một lời để tựa, một chút lãng mạn của người làm kẹo, ăn một miếng kẹo Cu Đơ ngọt đậm trong miệng, uống ngụm chè xanh chan chát nơi đầu lưỡi và ngâm nga dăm bảy câu thơ… Thơ bình dân ai cũng có thể làm, lời ví giặm ai cũng có thể sáng tác, đó cũng chính là đặc sản của xứ Nghệ, nơi mảnh đất đã ban tặng cho chúng tôi, những người con xứ Nghệ một tâm hồn nhiều xúc cảm từ những điều đơn giản như thế, từ điệu ví đến câu hò đều mang hồn xứ Nghệ không thể trộn lẫn với bất kỳ mảnh đất nào.