Làng đá Khuổi Ky

Lượt xem: 9762
2/2/2019 0:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bảo Châu

Kiến trúc từ đá luôn độc đáo và mang tính đặc trưng của địa phương. Đá là một loại vật liệu tự nhiên được ứng dụng trong xây dựng từ xa xưa. Các công trình bằng đá có độ bền, khả năng chịu nhiệt, chống thấm, vừa an toàn vừa thân thiện với con người.

 
 
Làng đá Khuổi Ky ở Cao Bằng là một trong số các công trình xây dựng mang nhiều giá trị văn hóa vật chất với những ngôi nhà sàn đá cổ đã trở thành biểu tượng, ẩn chứa bên trong là những phong tục tập quán mang bản sắc riêng của dân tộc Tày.
Làng đá Khuổi Ky nằm cách thác Bản Giốc khoảng 2km, trên đường vào động Ngườm Ngao. Làng đá được dựng từ thời kỳ nhà Mạc lên cát cứ ở đất Cao Bằng (1592-1677). Sống trong hệ sinh thái của rừng mưa nhiệt đới, độ ẩm cao, mưa nhiều, lắm thú dữ nên đồng bào Tày đã sáng tạo ra cấu trúc nhà sàn xây bằng đá. Những ngôi nhà sàn vững chắc như những pháo đài, thành quách, vừa chống ngoại xâm vừa bảo vệ người dân trước thiên tai khắc nghiệt. Sự bền vững này được biểu hiện chủ yếu qua tính bền của công trình và sự sử dụng các nguồn vật liệu tự nhiên không cần phải xử lý nhiều, có sẵn trong thiên nhiên để tạo ra một môi trường sống tốt cho sức khỏe và bầu không khí trong lành trong ngôi nhà. Xây dựng tự nhiên theo cách của người Tày chủ yếu dựa vào sức người, phù hợp với hệ sinh thái, địa chất và khí hậu ở địa phương; đặc điểm của vị trí xây dựng và nhu cầu cũng như tính cách của người xây và người ở.
 
 

 

 
 
Cuộc sống của đồng bào dân tộc thân thiện với đá. Đá được sử dụng rất nhiều trong sinh hoạt đời sống hàng ngày. Những con đường lát đá, kè đá 2 bên; tường bao được làm bằng đá; nhà được xây bằng đá; móng được làm bằng đá hộc; chân tảng kê cột cũng được làm bằng đá và gia công lại. Cối xay, bếp lò, đập nước, các hàng rào, đường đi lại hoàn toàn được làm bằng đá núi.
Làng Khuổi Ky hiện có 14 căn nhà sàn bằng đá, trải rộng trong khuôn viên chừng 1ha, dựa lưng vào núi đá, mặt nhìn ra dòng suối Khuổi Kỵ. Từ ngàn đời gắn bó với núi đá nên đồng bào Tày có tín ngưỡng thờ đá độc đáo. Đây là một nét đặc sắc riêng của người Tày vùng Trùng Khánh. Đá được hình thành từ sâu trong lòng đất, trải qua điều kiện địa chất phức tạp và lâu dài, hấp thụ tinh hoa của đất trời, mang trong mình nguồn năng lượng mạnh mẽ. Đá thiêng liêng như một vị thần che chở cho con người.
Làng đá bền bỉ, nơi người dân giặt giũ với nước tro bếp, tắm gội với quả găng gai lá khau, nhà nhà đêm đêm thắp đèn dầu ép từ quả mác chấu, những con đường nhấp nhô hòn đá to, hòn đá nhỏ. Thay vì trồng cây gai hay chặt cây về dựng hàng rào như các nơi khác, bà con ở đây đã tận dụng đá tự nhiên để dựng lên những bức rào đá một cách kiên cố, bao bọc các ngôi nhà.
Người Tày chọn địa điểm dựng nhà khá kỹ lưỡng. Đó là những nơi cao ráo, lấy chân núi làm điểm tựa, hướng mặt về phía có cảnh trí thiên nhiên khoáng đạt, thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống. 
 
 

 

Đến với làng đá Khuổi Ky, du khách sẽ ấn tượng với các nhà sàn đá rất độc đáo. Tường nhà, bờ rào đều được dựng lên từ hàng vạn viên đá với mái ngói âm dương; những con đường lát đá uốn lượn quanh làng
 
Khi đã định vị được ngôi nhà, người thợ sẽ đo, đếm vị trí xếp từng viên đá.
Nhà sàn có hai mái được lợp bằng ngói âm dương. Bên trong nhà dựng bằng gỗ, chiều sâu từ 5 đến 7 hàng cột, khoảng cách giữa các cột từ 2-2,5m. Chiều cao của nhà thường từ 7-8m. 
Nhà được xây bằng đá, vách đá móng được làm bằng đá hộc, chân tảng cũng được làm bằng đá và gia công lại.
Từ lúc có ý định dựng nhà, người Tày đã phải chuẩn bị nguyên liệu trước đó. Nếu tính từ thời gian chuẩn bị nguyên liệu đến khi hoàn thành ngôi nhà phải mất từ 2-3 năm. Nguyên liệu quan trọng nhất để dựng nhà chính là những viên đá cứng, đẹp. Những bức tường kiên cố được xếp từ hàng vạn viên đá lớn nhỏ khác nhau bằng một thứ keo kết dính trộn từ đá vôi và cát. Khi hoàn thành, độ dày bức tường có thể hơn 30cm, thể hiện rõ tính bản địa, sự sáng tạo độc đáo của đồng bào Tày.
Để đặt được viên gạch vuông vức khi xây không đơn giản chút nào, nhưng việc xếp hàng trăm viên đá với đủ các hình khối, trọng lượng khác nhau còn khó gấp bội. Khó khăn nhất trong việc xếp đá là làm sao để độ dày hai bên của một bức tường phải thật cân đối, vuông vức. Chỉ cần lệch một chút sẽ phải gỡ đi xếp lại từ đầu. Dựng được một bức tường gạch chỉ mất vài ba ngày nhưng để xếp được một bức tường bằng đá thì người thợ phải mất vài tháng, thậm chí cả năm trời.
 
Mặc cho mưa nắng, mặc cho thời gian, những ngôi nhà sàn đá nơi đây vẫn kiên định như thành lũy che chở cho cư dân vùng biên viễn của tổ quốc 
 
Để xếp được những bức tường đã rất khó, nhưng để lên tầng cho ngôi nhà càng khó hơn. Khi xếp đá đến độ cao khoảng 2,5 mét, người thợ sẽ tính đến chuyện đặt những cây cột dài, thẳng làm kèo. Sau đó người ta xếp những tấm ván hoặc tre để rải làm nền, đồng thời chia cách tầng 1 và tầng 2. Việc lên tầng cho ngôi nhà đá khó khăn ở chỗ, càng lên cao thì việc điều chỉnh độ chính xác càng phải tỉ mẩn hơn. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật thì sẽ khiến nhà đá bị siêu vẹo, dễ đổ. Chiều cao của nhà từ 7-8 mét. Nhà thường có ba gian chính, mỗi gian có một chức năng nhất định thuận tiện cho việc sinh hoạt. Diện tích nhà tùy thuộc vào số người trong gia đình, nhiều người thì dựng nhà to cao, ít người thì dựng nhà nhỏ hơn. Trên cửa ra vào bao giờ cũng dán tấm giấy đỏ với ý nghĩa ngăn chặn tà ma, kẻ xấu vào nhà. Phần cuối nhà là bếp, kho dự trữ lương thực, thực phẩm, dao, búa, chum vại, ống bương đựng nước uống. Trên gác thường treo thóc giống, thóc nếp bông thành chùm, trên sàn để ngô, khoai, sắn khô.
Một ngôi nhà sàn được hoàn thiện khi lợp xong mái ngói âm dương - loại ngói máng được làm từ đất sét nung chín. Ngói âm dương kết hợp với hình khối ngôi nhà tạo nên sự hài hòa mang đậm vẻ cổ kính. 
Nhà sàn đối với người dân tộc Tày ở Trùng Khánh là một miền thiêng - nơi cất giữ những nét đặc trưng trong đời sống vật chất và tinh thần truyền qua bao thế hệ, nơi con người đã tìm thấy sự hòa hợp tuyệt vời bởi biết trân trọng những món quà từ thiên nhiên bản địa. 
 
 
 
Sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, đến nay những bức tường đá đã có chỗ hoang phế. Những dấu hiệu chắp vá trong quá trình sang sửa xuất hiện đây đó. Có những ngôi nhà cũ nhưng cột được người dân thay mới bằng gạch xỉ. Mái ngói được thay bằng tấm lợp công nghiệp. Do việc khai thác đá không còn phù hợp và ảnh hưởng đến cảnh quan nên người dân Khuổi Ky đã sử dụng những vật liệu mới dần dần thay thế cho những bức tường đá nguyên bản.
Bất chấp những đổi thay của thời cuộc, cuộc sống bên những con đường đá, trong những ngôi nhà sàn bằng đá sẽ nhắc nhớ mãi vẻ đẹp hồn hậu của thiên nhiên và con người; vẻ đẹp của những sắc màu tự nhiên và cuộc sống sinh hoạt hòa quyện vào nhau, tạo nên những màu sắc và hình khối đẹp mắt, góp thêm một nét độc đáo vào kiến trúc Việt Nam.!
 
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 153