Để vuột trôi mất một thời điểm vàng như thế, là điều vô cùng khó hiểu đối với những người cầm máy ảnh đi săn khoảnh khắc như chúng tôi.
Tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ của tôi, nhớ mênh mang những chiều nắng xuống đến ngọn tre đầu ngõ, bà mang đám thóc nếp thu hoạch non ra đầu bếp ngồi rang cho chúng tôi, ngày đó trẻ con chúng tôi chẳng có quà vặt, những thứ quà vặt chia cho mỗi đứa đều được hình thành dưới bàn tay và tình yêu thương bao bọc của bà, tôi thích món cốm bà bắt cậu tôi gặt sớm ở góc ruộng khi hạt gạo vẫn còn mềm để về giã cốm. Chúng tôi quây quần xung quanh bếp chờ bà rang từng mẻ cốm, nắng ở trên ngọn tre vung vãi hắt xuống mái tóc bạc trắng của bà trong khi bà đổ cốm đổ ra cái ra vo gạo lót dưới là tờ giấy kiểm tra của mẹ tôi. (Cha mẹ tôi là giáo viên nên rất sẵn giấy vì thỉnh thoảng mẹ kiểm tra nhưng không trả bài nên chúng tôi khá giàu có về giấy loại để gấp thuyền, gấp tàu bay giấy hoặc làm thành cái hộp đựng cốm rang).
Nếu không vào vụ gặt bà sẽ luộc khoai lang rồi thái mỏng và phơi khô cho chúng tôi món quà vặt mang tên khoai gieo. Buổi chiều đi học về, bà lại dúi cho mỗi đứa một nắm khoai gieo ngồi nhai trẹo cả miệng. Sau này lớn lên tôi nhớ nhà, nhớ món khoai gieo về đòi mẹ làm cho bằng được, đến khi ăn vào miệng thì không còn cái vị ngọt và thơm mà tôi vẫn nhớ da diết nữa, mẹ bảo, vì con bây giờ ăn nhiều thứ ngon hơn nên con không thấy nó ngon nữa. Có lẽ mẹ nói đúng. Nhưng ký ức về mùi vị món khoai gieo của bà vẫn ngon nguyên vẹn nơi tôi không thể trộn lẫn với bất kỳ món cao lương mỹ vị nào tôi đã từng ăn trên khắp năm châu, qua những cuộc hành trình xuyên thế giới sau này.
Với tôi, có khi những khoảnh khắp chụp bằng mắt sẽ lưu lại lâu hơn trong ký ức, đẹp hơn và đủ đầy hơn khi nhấc máy ảnh lên và bấm, tôi có thể thu vào đáy mắt mình cả không gian bao la khoáng đạt có cả mùi lẫn vị mà không bị hạn chế bởi tốc độ, ánh sáng hay sự hạn hẹp của bất kỳ loại ống kính nào. Trong đôi mắt tôi là cả bầu trời thực tại pha lẫn với bầu trời ký ức ùa về. Ký ức về tuổi thơ yêu dấu nơi quê nhà của tôi, nơi có dòng sông trôi qua đầu làng mà buổi chiều chúng tôi vẫn thường hay tắm cùng mấy con trâu lấm lem bùn đất. Tôi lớn lên hồn nhiên trong trẻo với những trò nghịch ngợm (như lời mẹ tôi là “rạch trời rơi xuống chứ không phải mẹ sinh ra tôi”) trong sự nghiêm khắc của cha mẹ và sự bao che, đùm bọc và giấu giếm tội lỗi vô bờ bến của bà tôi. Và, tôi có một ký ức tuổi thơ giàu có chính nhờ bao sự bao che ấy. Đến tận bây giờ, khi trên đường đời tấp nập, tôi bắt gặp những khoảnh khắc như hôm nay, trái tim tôi nhuốm một nỗi nhớ bà đến khắc khoải… và tôi biết ơn bà đã cho tôi một ký ức giàu có đến như vậy.
Tôi có một tuổi thơ nghịch như giặc cỏ, là mẹ hay mắng tôi vậy chứ ngày đó tôi cũng không biết giặc cỏ là gì, chỉ nghĩ chắc là lũ giặc chuyên đi cướp cỏ về cho đám trâu bò của chúng nó ăn như chúng tôi vẫn cướp diều, cướp đồ chơi hoặc cướp khoai của nhau. Nhà tôi không có trâu, con trâu là đầu cơ nghiệp nên chỉ có những gia đình nông dân mới có. Bố mẹ tôi là giáo viên, nhà chẳng có ruộng cũng không có trâu nên tôi chỉ cưỡi nhờ của bọn trẻ trong làng và đã không ít lần tôi hỏi cha sao nhà mình không làm nông dân để tôi được cưỡi trâu tối ngày như bọn trẻ quanh xóm mà không cần phải đèn sách nhiều như mấy chị em tôi.
Tôi là đứa con gái thứ 7 trong một gia đình có tới 8 người con, mẹ hay nói là mụ nặn nhầm, đáng lẽ tôi phải là con trai mới đúng, tôi đen trùi trũi và cả ngày chơi bời đánh lộn với đám con trai cùng xóm. Tôi đi chăn trâu hộ mấy đứa hàng xóm chỉ vì tôi thích được tự do nằm trên con trâu ngắm trời đất bao la, nghe tiếng sáo diều vi vu của chú Sáu bên xóm chín vọng lại. Tôi có thể phân biệt được tiếng sáo của chú với tiếng sáo của những con diều khác, chú sống cô độc lặng lẽ một mình trong căn nhà bên triền đê nhưng tiếng sáo của chú thì luôn vút cao nhiều gió với âm thanh rộn rã vui nhộn…
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 153