1.
Nó là sinh viên mới toe, năm đầu tiên học tuốt ngoài Thủ Đức. Ngày thường, nó ở ký túc xá với bạn, vài tuần thì tìm cách về quê cách đó 60km. Hồi đó, chuyện về quê không dễ dàng bằng xe buýt như bây giờ. Có riêng một chiếc xe gắn máy cũng là điều không tưởng.
Lần đó, chiều thứ bảy, nó nhớ lời mẹ dặn là lâu lâu, con nhớ ghé nhà cậu út chơi. Mẹ là người lớn mẹ biết, con cháu có thường xuyên lui tới với mình thì mình mới thương nhiều. Ừ nhỉ, cũng hai tháng rồi, trong tuần thì học cuối tuần thì về quê, thôi chiều nay tìm cách vô nhà cậu chơi một đêm. Sau đó tính sau. Vậy là đeo ba lô, nó nhảy lên xe đưa đón sinh viên của trường về Sài Gòn. Từ trường, nhờ bạn chở về nhà cậu.
Với nó, gia đình cậu là một kiểu mẫu của ước mơ. Mợ thì đẹp kiêu sa, làm hiệu trưởng một trường học nhưng vẫn có thời gian chăm sóc nhà cửa rất chu đáo. Hai con của cậu thì đẹp như thiên thần, trắng bong, tay chân không dính một hạt bụi. Nhà cậu là một căn nhà phố, không nguy nga tráng lệ nhưng rất xinh xắn, sạch sẽ. Bữa đó, ăn cơm tối xong, cậu hỏi có về quê không, nó ấp úng dạ con chưa tính, con chỉ biết tối nay qua chơi với cậu mợ thôi. Cậu nói vậy thôi ngủ đi, sáng mai cậu đưa con ra bến xe về thăm ba mẹ. Rồi cậu kêu mợ chuẩn bị chỗ cho nó ngủ. Mợ ôm chăn gối dẫn nó lên gác, dặn khi nào ngủ thì con tắt đèn ở đây. Sau gần hai tháng trời ngủ ở ký túc xá cùng vô vàn những ồn ào khó chịu thì đêm nay, nó sẽ một mình một cõi trên căn gác này. Đặc biệt nữa là với sách. Cả căn gác toàn sách. Sách không mới nhưng xếp đều tăm tắp trên hai kệ gỗ. Giường nhà cậu vừa có nệm chăn đẹp, vừa được cậu mắc cái bóng đèn trên đầu giường. Đứa sinh viên năm nhất khoa văn chương như nó thích mê man.
Nhưng, chỉ sau một đêm, chính căn phòng đó đã trở thành một nỗi ám ảnh sâu đậm trong lòng nó. Đến nỗi, nó thề trong lòng và tủi thân kể cho mẹ, rằng không bao giờ, sẽ không bao giờ con ghé ngủ ở nhà cậu nữa đâu.
Số là đêm đó, cả gia đình cậu rúc lên một căn gác độc lập phía sau để ngủ. Chỉ mình nó ngủ ở căn gác phía trên phòng khách. Hai cái gác, hai cái cầu thang độc lập, không liên quan gì nhau. Giữa nhà dưới trệt, cậu nó chốt cửa lại. Đêm đó, nó đọc sách rồi ngủ quên hồi nào không hay, mùng chẳng giăng lên như lời mợ dặn. Đến khi bị muỗi chích tơi bời, nó giật mình thức dậy. Quờ quạng trong bóng tối, định thần, uhm thì mình ngủ quên, uhm sao tối thui, uhm có ai leo lên tắt đèn rồi, uhm thì mắc tiểu quá, uhm, mắc tiểu, mắc tiểu.
Nhưng, éo le chưa, cậu đã chốt cửa rồi, toalet thì ở phía sau. Thời đó không có điện thoại kè kè bên người. Mà cả nhà cậu đang say sưa thế kia, một hai giờ khuya con gái con đứa chẳng lẽ kêu ầm lên cậu mợ ơi mở cửa cho con đi tiểu! Nhà cậu mô phạm, nề nếp là thế, đi đứng nó không dám đi mạnh nữa là…
Nửa đêm về sáng hôm ấy, nó không tài nào nhắm mắt được. Vừa ngồi gãi xồn xột vừa vật lộn với cái bàng quang căng nước nó vừa cảm thấy buồn, thấy lạnh, thấy sợ. Ai đã lên tắt đèn nhỉ. Nếu thấy mình ngủ quên sao không đánh thức giùm một tiếng để mình giăng mùng và tranh thủ... đi tiểu. Vậy là cái lo tốn điện lớn hơn cái lo muỗi chích nó rồi. À mà cũng hên, nó tỉnh dậy kịp thời, chứ không thì có khi muỗi khiêng nó quăng xuống đất, bể bàng quang chết queo hỏng chừng.
Sáng ra, hiển nhiên là cửa mở, nó bay vô toalet 15 phút mà không tiểu được. Nó nghĩ, nước tiểu thấm ngược vào lục phủ ngũ tạng, nước tiểu thấm lên não mình rồi hỏng chừng. Nỗi ám ảnh ở nhà cậu lần đó mang tên… bàng quang!
2.
Nhưng may mắn là, nó có tới hai ông cậu để có cái nhìn hai chiều về tình cảnh khách con khách cháu ở quê ghé chơi nhà người thân phố thị.
Ông cậu thứ hai biết nó không phải học ngày thứ năm dặn, chiều thứ tư con cứ theo xe của trường về Sài Gòn, cậu sẽ đón con về, mợ sẽ nấu đồ ăn ngon bồi dưỡng cho. Yeah! Thế là từ đó, mỗi tuần nó có được một ngày ăn ngon. Một đêm ngủ chung với cậu mợ không khác gì với ba mẹ. Một an ủi ghê gớm cho một đứa ỏng eo suy dinh dưỡng, hay nhớ nhà và mít ướt.
Nhà cậu này “nghèo” hơn cậu kia. Ấy là xét ở khía cạnh vật chất có thể nhìn thấy, so sánh. Đó là một căn chung cư chừng 40m2. Ngăn ngoài là phòng khách, ngăn kế là chỗ ngủ cũng là phòng sinh hoạt, xem tivi, sau nữa là bếp, toalet. Nhà có duy nhất một giường ngủ của cậu mợ. Ngày đầu nó về, mợ trải chăn chần bông dày xuống đất làm nệm cho cậu ngủ. Hai mợ cháu thì ngủ trên giường. Cả ba nằm nghe nhạc đến khuya hoặc nghe cậu kể chuyện hồi xưa “tao với má mày” đã đời rồi ngủ. Mấy lần sau, mùa lạnh, mợ sợ cậu bệnh nhưng dứt khoát không chịu cho nó xuống đất ngủ. Thế là ba người nằm ngang trên giường mà ngủ. Vừa ấm vừa vui.
3.
Bây giờ nhà to nhà đẹp càng nhiều. Vì công việc, nó được dịp ghé thăm nhiều ngôi nhà dù là ở trung tâm thành phố nhưng rộng rãi và có cả phòng dành riêng cho khách. Có nhà trang bị cho căn phòng ít hơi người này nhiều tiện nghi chẳng thua gì khách sạn. Trên mạng, có hẳn những bài tư vấn cách trang hoàng cho căn phòng khách sao cho thân thiện, cho ấm áp.
Phòng ngủ dành riêng cho khách vừa giúp khách thoải mái vừa ít tạo sự xáo trộn cho chính gia chủ. Nhưng, khách sạn nhà trọ bây giờ mọc lên cũng như nấm. Khách quê về thành thị có rất nhiều chọn lựa chứ không như hồi xưa. Dù được tiếp đón thân thiện, tình cảm hay nhục nhằn, phiền phức thì thời đó, chỉ có mỗi cách là ngủ nhờ nhà người quen dòng họ mà thôi.
Giờ đây, những khi nhớ về thời bỡ ngỡ xa nhà đi học, nó luôn thấy ấm áp khi nhớ về chuỗi ngày cuộn mình xua đi khủng hoảng nhớ nhà trong ngôi nhà 40m2 của cậu. Trải qua biết bao bạc bẽo ấm nồng, nó hiểu ra rằng chính cư xử tử tế, yêu thương vô điều kiện của cậu mợ đã khiến ngôi nhà trở nên rộng rãi thoải mái hơn mọi thứ đẹp đẽ sang trọng khác. Bởi vậy, người quê đừng lo nhà phố chật. Cái cần tìm hiểu hơn là tấm lòng của chủ nhà có đủ rộng hay không mà thôi.
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 100