

Đam mê và hoạt động ở cả hai lĩnh vực âm nhạc và hội họa, nhưng khi nói về nghề, Phan Minh Châu tự nhận mình là “tay ngang”, bởi không qua quá trình đào tạo căn bản trường lớp. Bù lại, người nghệ sĩ cho biết chị rất đam mê nghiên cứu, đọc, xem, nghe - riêng với âm nhạc - đến mức độ bị ám ảnh, để khi chuyển hướng sang lĩnh vực hội họa, âm nhạc vẫn là yếu tố phảng phất, hòa quyện, hiện hữu trong không gian sáng tạo của chị ở từng tác phẩm.
Đến với “Rock Ballad màu”, từ ngay cái tên, đã là chủ ý gợi người xem liên tưởng hai yếu tố nhạc - họa. Chất “nhạc” trong tranh của Phan Minh Châu, ấy là sự vui tươi, rộn ràng, có cả những nồng nhiệt, cháy bỏng, cuồng quay như phong cách rock, hòa cùng du dương, trầm bổng, dịu nhẹ, gần gũi, nồng nàn như một bản ballad trữ tình. Sự phối kết hai cực trong âm nhạc là rock và ballad được cân đối hài hòa bằng màu sắc, ở đó, nét “họa” trở thành vai trò chủ đạo, làm nhiệm vụ tiết chế, cân bằng, phô diễn cảm xúc, vẻ đẹp cách hài hòa, không quá bùng cháy, cũng không quá ủy mị, ảo buồn, và ở đó, sự trong sáng, gần gũi, thân quen, đằm thắm, chân thành… được biểu lộ, giống với tính cách người nghệ sĩ.




“Tôi vẽ cầu Long Biên nhiều vì đó là đề tài tôi yêu thích, nhưng càng vẽ, tôi càng lược bỏ dần các chi tiết cụ thể về cây cầu, chỉ để lại những nét gợi, tôi vẽ tinh thần cuộc sống và để cảm xúc trôi trên ấy”
Những đề tài cụ thể, quen thuộc với Hà Nội như cầu Long Biên, hoa sen, cây đa… khi chuyển thể vào ngôn ngữ hội họa trừu tượng, họa sĩ Phan Minh Châu đã chọn lối thể hiện riêng, không đi sâu vào khai thác hình, nét, không tô lại thực tại mà chủ yếu tìm trong đó những chi tiết tạo nên tinh thần, cảm xúc, sự suy tưởng. Một sức sống mãnh liệt, kiên trì đến bao dung của cây đa cằn cỗi, một miệt mài, bền bỉ của cư dân bãi bồi dưới chân cầu Long Biên đang phơi phới gieo hoa màu sau mỗi mùa lũ qua; một chút tự do, bay bổng, khoáng đạt khi cánh sen bung nở trong không gian hẹp chật của chiếc bình… hay một vẻ đẹp cầu Long Biên được người nghệ sĩ ví như: “Nhan sắc của hoa hậu, tuy đã tàn phai nhưng cốt cách, khí chất vẫn ngời ngời hiện hữu”, tất cả được diễn xướng cách mượt mà, phiêu trôi không chút gợn.


“Hội họa giúp tôi biểu đạt trọn vẹn những cảm xúc, hình tượng, sắc màu, tinh thần… mà có lúc trong âm nhạc tôi không chuyển tải hết”
Với người yêu nhạc, nếu từng nghe những bản giao hưởng hàng trăm người hát bè, hay nghe chất giọng vút cao ảo diệu, huyền hoặc đến mức khó tin của ca sĩ trẻ Dimash người Kazakhstan, sẽ gặp lại những trải nghiệm ấy trong sắc - nét ở “Rock Ballad màu”. Những giai điệu trầm bổng, mạnh mẽ, cho đến dữ dội rồi dịu êm, được các gam màu làm đại diện, cứ thế nhảy múa trên khuông nhạc là tấm toan sau trường đoạn suy tưởng có khi vài tháng trời, để rồi khi những miên man ấy đủ chín chắn đến ngưỡng hạn bùng phát, người nghệ sĩ bắt đầu để sắc màu “hát” điệu hoan ca trong hội họa cách nồng nàn như thuở còn đôi mươi.

“Trong một bản giao hưởng, có hàng trăm người hát bè cho một hát chính, tôi dùng ngôn ngữ ấy chuyển thể vào tranh”
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 192