Tại vị trí ranh giới trong ngoài, các bố trí chiếu sáng xen kẽ giúp đem lại nhiều góc nhìn thú vị và thư giãn
Rải đều, an mà có toàn?
Dễ thấy kiểu bố trí chiếu sáng rải đều xuất phát từ quan niệm “cầu vừa đủ xài” không chỉ vì gia chủ ngại tốn kém, mà ngay cả người thiết kế cũng muốn đơn giản hóa, phổ quát hóa vấn đề chiếu sáng trong nhà ở. Điều này ít xảy ra ở dạng công trình quán xá hay showroom, nơi bố trí ánh sáng nghệ thuật rất được đề cao ngay từ đầu. Kết quả của cách tư duy này dễ thấy ở một căn phòng ngủ cơ bản trong nhà phố hoặc chung cư điển hình: bố trí ở giữa phòng có đèn áp trần, chung quanh nếu có đóng trần thì rải đèn lon vào các cạnh và các góc, đèn hắt vào vùng trần giật cấp, còn lại thì mấy mặt tường thường được gia chủ nhắc nhở cho mấy bóng “nê ông mét hai” là đủ. Rồi tường hai bên (thường) có mấy cặp đèn áp tường, nếu treo tranh ở đầu hay cuối giường thì trên có đèn rọi tranh. Nếu có tạo hốc âm (mà không biết chưng bày gì bên trong) thì cũng “ rải” vào mỗi hốc một cái đèn “mắt ếch” nho nhỏ...
Lối bố trí đèn rải đều ngỡ như ít mà lại nhiều đèn, tuy phổ biến nhưng lại đơn điệu, không hẳn là đúng sai hay vì xấu đẹp, mà do thói quen và lối mòn trong suy nghĩ. Rải đèn đều như vậy khi tính toán kỹ sẽ thấy ít khi sử dụng, nhất là với đèn rọi tranh (không phải gallery) đèn hắt âm trần (không phải khách sạn) và đèn mắt ếch trong các hốc âm hay tủ kệ khá nóng nực, tù túng. Không dùng nhiều nhưng khi cần thì không có, vậy mà vẫn cứ “lưu truyền” từ nhà này sang nhà khác qua “ kinh nghiệm” của các nhóm thợ, nhà thầu, và gia chủ cũng ít khi tham khảo người thiết kế về một hai cái đèn. Thậm chí có kiến trúc sư chỉ biết than trời khi thấy công trình tâm huyết của mình theo kiểu hiện đại mà lại lơ lửng ngay phòng khách bộ đèn chùm cổ điển tốn kém và lạc lõng. Hỏi các bên liên quan thì nghe trả lời: thấy nhà nào cũng có mà nhà mình lại không nên mua về cho nó...sang ! Kiểu rải đèn lối mòn này được các nhà thiết kế hiện nay gọi là chỉ giúp phần nào an (tâm) mà không toàn (vẹn), bởi thiết kế đơn giản, thợ không cần nhắc, thầu không cần bản vẽ cũng làm được theo thói quen và chỉ dẫn của... chủ nhà.
Chiếu nghỉ cầu thang và giếng trời kề cận khi được thay đổi bố trí, sắp đặt, chiếu sáng đẹp...sẽ là điểm nhấn hấp dẫn, liên kết không gian toàn nhà tốt hơn
Tập trung và biết kiểm soát
Trái với cách bố trí đèn chung chung kể trên, hiện nay nhiều nhà thiết kế đã tạo ấn tượng cho không gian sống bằng cách thiết kế chiếu sáng và đặt đèn có chính phụ rõ ràng, có điểm nhấn tập trung, có ý tưởng kiểm soát năng lượng một cách nhất quán, rõ ràng ngay từ khâu thiết kế sơ bộ. Đến khâu thiết kế kỹ thuật và thi công cũng được bên thiết kế thể hiện khá chi tiết và theo sát thực tế để đảm bảo ngôi nhà khi “lên đèn” được trọn vẹn các ý đồ .
Điểm cơ bản của thiết kế ánh sáng tập trung và có kiểm soát là phân biệt chính phụ và tính toán tần suất sử dụng, hiệu năng của từng loại đèn khá chi tiết, như lên một “ kịch bản” về chiếu sáng cho ngôi nhà vậy. Các không gian nào cần dạng chiếu sáng gì được thảo luận chi tiết với gia chủ, nhu cầu đi trước, rồi đến các thông số kỹ thuật theo sau. Ví dụ, phòng ngủ hạn chế dùng đèn nê ông ánh sáng trắng chiếu trực tiếp dễ gây căng thẳng cho thị giác, mà thay bằng đèn hắt âm ánh sáng vàng dịu, thư giãn, cần đọc sách thì dùng đèn bàn, bổ sung một số đèn LED tiết kiệm điện tại các vị trí tập trung trang trí như góc phòng, tranh ảnh... chứ không dùng đèn spotlight cường độ mạnh hoặc đèn dây tóc như trước đây.
Việc kiểm soát chiếu sáng còn thể hiện ở sự coi trọng không gian chuyển tiếp, phụ trợ, bổ sung ánh sáng lan tỏa giữa các không gian với nhau chứ không tính toán chiếu sáng chỉ thuần túy theo đơn vị phòng. Dĩ nhiên không hẳn phải trình bày hấp dẫn đèn đuốc theo kiểu show window ở mặt tiền, lối vào, hành lang đón khách... như các trung tâm thương mại. Với nhà ở, yêu cầu hoành tráng có thể giảm đi, nhưng yêu cầu về nội thất được chiếu sáng tươi tắn, hấp dẫn, nhẹ nhàng và cân bằng trong ngoài thì không thể xem nhẹ, cụ thể là :
Tạo ấn tượng và đúng phong cách của nhà: khi nhà có dạng cổ điển cân đối thì bố trí đèn cũng theo hệ trục giao thông, theo cột, theo các gờ và mảng trang trí từ ngoài vào trong. Chọn vị trí điểm nhấn hợp kiểu nhà cũng giúp phân biệt chính phụ, làm tín hiệu mở đầu cho không gian đón tiếp trang trọng, thân tình như sảnh, phòng khách, đầu cầu thang...
Giảm xấu tăng tốt: mặt trước nhà quang đãng thì bố trí đèn có thể dịu nhẹ, còn nếu tối tăm thì cần gia tăng các loại đèn pha, đèn chiếu điểm vừa mang tính chất bảo vệ vừa dẫn dắt bước chân, giảm thiểu nguy cơ va vấp do thiếu sáng. Cụ thể là nên tính toán đặt đèn âm theo các lối đi hay hàng rào, đèn cột ở cấp độ trung bình gần với tầm sử dụng thường xuyên, cho khu vực đi lại an toàn hơn, ấn tượng hơn.
Cân bằng trong ngoài: các lối ra vào, hàng hiên (hay ban công căn hộ chung cư) có thể đã được chiếu sáng bởi hệ thống đèn chung của đường sá, khu phố, nhưng có thời điểm sẽ không thể đủ sáng và rõ, vì thế cần tạo sự cân bằng với ánh sáng trong nhà, theo nghĩa cân bằng động, có chính có phụ, thông qua cách chiếu sáng gián tiếp và phân tán, tức là không chỉ tập trung đèn vào một điểm ngay cửa chính hay sảnh, mà nên điểm xuyết thêm mảng đón sáng theo cột hoặc đà, kết hợp với đèn lồng (treo trên cao) hoặc đèn pha nhỏ (giấu dưới thấp).
Những lối đi nhỏ, bậc cấp, chỗ rẽ ngoặt, gầm thang... nên bố trí đèn tầm thấp, an toàn và đủ sáng theo bước chân
Thêm sáng tạo ở cầu thang
Trong cấu trúc mọi ngôi nhà, vị trí cầu thang thường “lơ lửng” ở khoảng giữa các không gian sử dụng chính hay phụ khác, nên vô hình chung cứ đi ra cầu thang là gặp một thứ ánh sáng mờ nhạt, chung chung bởi tâm lý mọi người hay nghĩ: chỉ là chỗ di chuyển, có đọc sách ngoài cầu thang đâu! Hiện nay, nhiều nhà đã tổ chức cách chiếu sáng theo bậc thang bằng đèn đặc thù âm mặt bên hay ở đối bậc, hoặc dùng đèn trần có cảm ứng tự động tắt hay mở khi có người đi lại... rất hợp lý, vừa tiết kiệm vừa tạo hiệu quả thẩm mỹ tốt. Khi cầu thang có lòng rộng, hoặc kề cận giếng trời hun hút thì các điểm đầu, điểm cuối và khoảng giữa thang cũng rất cần lưu tâm. Đa phần nhà có thiết kế nội thất chi tiết đều giải quyết tốt vị trí khởi đầu thang với sảnh đệm, đèn trần và tường đầy đủ, chỉ cần lưu ý thêm đèn cho phần gầm thang trệt, bởi đó là nơi âm thịnh dương suy, góc chéo nhọn ẩm thấp khó sử dụng. Với những nhà có bố trí tiểu cảnh gầm thang kết hợp giếng trời thì điểm đặt đèn ở khu vực này có tác dụng lan tỏa khá hấp dẫn. Một số nhà dùng sân trong nằm cạnh thang làm nơi thư giãn, đàm đạo... thì ánh sáng chính là nhân tố quyết định, tạo khác biệt rõ so với các khu vực chung quanh.
Khi lên các tầng lầu cũng như vùng chiếu nghỉ thì mọi nhà hay giảm bớt đèn, dừng lại ở dạng đèn rọi tranh hay đèn tường đơn điệu. Các giải pháp chiếu sáng hiện đại khuyến cáo gia chủ nên đầu tư thêm về ý tưởng, hình thức thể hiện mảng miếng ở khu vực chiếu nghỉ để đáp ứng nhu cầu nhìn ngắm, thư giãn khi lên xuống thang, đồng thời vị trí này thường có cao độ không thuộc tầng sinh hoạt nào cả nên sẽ giúp chuyển tiếp ánh sáng, gia tăng góc nhìn thẩm mỹ tốt hơn là kiểu bố trí đèn rải đều trên trần hay tường ngang một cao độ quen thuộc. Dĩ nhiên phải tùy ở cấu trúc bề mặt tường cầu thang cũng như dạng lan can, mặt bậc thang kín hay hở.... để bố trí đèn tương ứng. Ví dụ cầu thang và chiếu nghỉ theo lối cổ điển có vòm, hốc, gờ chỉ... thì chiếu sáng nên phân nhiều đoạn để dẫn dắt và làm đẹp rõ chi tiết. Ngược lại, nếu ô cầu thang thiết kế mảng miếng vật liệu kiểu hiện đại, lan can kính, tường sơn màu nổi bật... thì chiếu sáng sẽ dịu hơn (nguyên tắc bù trừ âm dương), tỏa theo mảng rộng, cần làm nổi hình khối và “tốt khoe xấu che” ở các vị trí ngóc ngách.
Để có một ngôi nhà đẹp, phần lớn nhờ vào óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của người sắp đặt chứ không phụ thuộc vào giá trị của những món đồ trang trí
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 106