Đấu trường La Mã giữa lòng Rome

Lượt xem: 5121
20/12/2017 0:00 - Thế giới kiến trúc
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống -  Kim Dung

Mặc dù là “đống đổ nát gần hai ngàn năm tuổi” nhưng Colosseum của La Mã cổ xưa vẫn thu hút trên 4,5 triệu lượt khách ghé thăm và mang về khoản thu trên 30 triệu euro cho ngành du lịch Ý hàng năm.

 
Sàn đấu bị hư hại lộ ra hệ thống tầng hầm phía dưới
 
  
Vết tích gạch đá còn sót lại sau khi bị phá hủy và lãng quênColosseum, bốn tầng nhìn từ bên ngoài
 
Đại đấu trường trong thành phố
Colosseumlà một công trình kiến trúc đồ sộ có diện tích 2,4ha mang chức năng của một đấu trường, nhà hát, một nơi để dân chúng La Mã tập trung, giải trí giữa một đô thị vào những năm đầu công nguyên. Được xây dựng theo kiến trúc La Mã cổ đại, kết hợp với cổ điển Hy Lạp, với hệ thống cột cổ điển, nâng đỡ các mái vòm. Phần đỡ ở tầng dưới cùng là dạng nửa cột Tuscan (một biến thể của loại cột Doric) trên tầng hai là hệ thống cột đôi Ionic và tầng thứ ba là cột Corinthian.
Colosseum có hình ovan (dài 189m, rộng 156m) gồm các khán đài lớn bao quanh sàn đấu trung tâm (dài 76m,rộng 44m). Kiến trúc có hai phần chính, phần một gồm ba tầng với mái vòm, phần hai là tầng thứ tư với các ô cửa sổ hình chữ nhật nhỏ. Chiều cao lên đến 48,5m, tương đương tòa nhà từ 12-15 tầng, với 45.000 chỗ ngồi và 5.000 chỗ đứng. 
80 cửa vòm ra vào được bố trí quanh Colosseum, trong đó 76 cửa dành cho khán giả thường dân, được đánh số La Mã, tiện việc tìm vị trí trong đấu trường. Bốn cửa vào đặc biệt dành cho tầng lớp quý tộc không đánh số, nhưng được trang trí với các bức phù điêu như ngọn đuốc và các bức tượng nhỏ. Cổng chính phía Bắc dành riêng cho hoàng đế La Mã và các cận thần, ba cổng còn lại dành cho tầng lớp thượng lưu. Hành lang, vòm cổng chính dẫn vào đấu trường được trang trí bằng các bức vẽ và các hình khắc vữa.
Ngày nay, hệ thống khán đài với những hàng ghế ngồi bằng đá cẩm thạch đã biến mất. Hành lang và bậc thang được thiết kế phân bố đồng đều, khá rộng cho phép đám đông, ước chừng từ 50.000-75.000 người có thể thoát khỏi đấu trường theo từng khu vực ngồi trong vòng vài phút. 
Dưới hệ thống ghế ngồi khán đài là các không gian rỗng được ngăn cách bằng các bức tường đỡ, tạo thành các gian nhỏ vòng quanh Colosseum, có thể chứa gần hết lượng khán giả trong trường hợp trời mưa. 
Khán đài thứ nhất (podium), cao hơn sàn đấu chính 3,6m,hệ thống ghế ngồi nghiêng 37 độ, đảm bảo là những vị trí ngồi tốt nhất để xem các hoạt động trên sàn. Trong các trận giác đấu, khi con vật được thả lên sàn, một hàng rào bảo vệ được dựng lên tại podium. Hàng rào có bánh trượt gỗ tại đầu, chặn các động vật trèo khỏi hàng rào lên khán đài. Những hàng ghế đầu tiên chỉ dành cho những người La Mã quan trọng như hoàng đế, nghị sĩ và giáo sĩ. Khu vực phía nam sàn đấu dành cho hoàng đế và tùy tùng, đối diện là khu vực dành cho hoàng hậu và tùy tùng nữ, đây là hai vị trí ngồi tốt nhất, có thể nhìn rõ các hoạt động trên sàn đấu và cũng là nơi mà ai cũng nhìn thấy.
Những hàng ghế phía trên podium dành cho công chúng. 14 hàng ghế đầu tiên, gọi là khán đài ima dành cho tầng lớp quý tộc và hiệp sĩ. Công dân La Mã ngồi các hàng ghế tiếp theo tại khán đài media. Khán giả còn lại như người nghèo thành thị, người nước ngoài, hoặc những nô lệ đã được trả tự do hoặc những nô lệ khác thì chen chúc ở khu vực cao nhất, khán đài summa. 
Phía dưới của sàn đấu là hệ thống tầng hầm, gồm mạng lưới các đường hầm và lối đi ngang dọc, được phát hiện sau khi mặt sàn của đấu trường bị hỏng. Nơi đây, người ta tìm thấy mọi thứ phục vụ cho trình diễn: các hang dành cho động vật, các kho, các vật dụng, thang nâng (vận hành bằng dây thừng và ròng rọc) đưa thú dữ từ chuồng lên sàn đấu. Có giả thiết rằng, nơi này ban đầu là hầm nước và khu vực thoát nước của đấu trường và chỉ vài năm sau ngày khánh thành, hệ thống tầng hầm mới được xây dựng thêm như một trụ cột và bờ tường chống đỡ cho sàn đấu. 
Trên đỉnh của đấu trường, một mái che bằng vải buồm giúp khán giả tránh mưa nắng được gắn vào các cây dầm gỗ cắm vào các lỗ đục trên đầu tường và dây thừng kéo xuống, cố định ở mặt đất nơi quảng trường bao quanh Colosseum. Quảng trường được lát bằng đá vôi và đá núi lửa, vừa tạo độ chắc cho khu vực xung quanh nhằm cố định dây, kéo từ mái che xuống. Quảng trường này còn quan trọng khi tạo không gian cần thiết để lượng khán giả ra vào đấu trường thuận tiện. Đây cũng là một trong những nơi hiếm hoi còn giữ nguyên vị trí so với thời cổ đại trong khi rất nhiều nơi khác đã bị các lớp đất đá, nhà cửa, đường xá chồng chất lên nhau sau hơn 2.600 năm. Điều này có nghĩa, ngày nay khi du khách bước chân trên những hòn đá lát trên quảng trường, là đang bước đi trên chính những dấu chân của người Roma cổ một thời. Thành Rome cổ được cho là nằm dưới thành Rome hiện nay từ 8-15 mét. 
 
Bậc thang dẫn từ ngoài vào khán đài bên trong
 
 
Các khoảng trống dưới khán đài tạo nên do các bệ đỡ từng được tận dụng để đồ hoặc để ở
 
 
Hành lang giữa các tầng khán đài
 
Nơi từng là một vùng lầy
Được vinh danh là một trong bảy kỳ quan kiến trúc của thế giới, Colosseum là công trình kiến trúc tự do, xây dựng trên một vùng trũng, từng làm hồ nhân tạo trong cung điện hoàng đế Nero. Bao quanh Colosseum là các ngọn đồi Velia - Esquiline - Palatine - Celio dù đồi Velia 
đã bị san bằng để thực hiện các công trình đô thị khác.
Colosseumdo hoàng đế Vespasian khởi công, năm 72, khánh thành năm 80 khi hoàng đế Titus trị vì, và được hoàn thiện dưới thời Domitian. Tên chính thức của công trình này lúc khánh thành là hí trường của Caesar, nhưng người dân La Mã lại thích gọi nơi này là sàn đấu, khán đài, thậm chí là quả trứng theo hình dạng của đấu trường. Tên gọi Colosseum chính thức xuất hiện từ thế kỷ 11.
Trong lịch sử, suốt 500 năm kể từ ngày xây dựng, kiến trúc này chuyên dành cho các cuộc giác đấu, thi đấu, biểu diễn. Khi các cuộc giác đấu giảm, nơi này được dùng cho các hoạt động biểu diễn khác dành cho công chúng La Mã. Trận động đất lớn năm 1349 khiến toàn bộ phần tường bên ngoài của mặt phía nam sụp đổ. Phần lớn lượng đá xây dựng, phù điêu, tượng và vật liệu trang trí tại công trình đã bị đánh cắp. 
Colosseum bị đất đá, cỏ cây lấp đầy cho đến thế kỷ 19, mới được khai quật và trùng tu, phục dựng theo kiến trúc nguyên thủy. Chỉ có 1/3 là di tích sót lại từ thuở ban đầu, như bờ tường phía bắc với 31 cửa vào, và một số bờ tường phía trong hỗ trợ cho hành lang phía trên.
Năm 2000, chính phủ Ý cho làm một góc mặt sàn bằng gỗ, nơi là sàn đấu trước đây, phục vụ lễ hội sân khấu Hy Lạp quốc tế, đánh dấu một hoạt động văn hóa đầu tiên được tổ chức tại đây sau 1.500 năm bị bỏ quên. 
 

 

Cửa sổ hình chữ nhật nhỏ dành cho tầng 4
 

 

Bệ chân và giá đỡ của hệ thống cột cổ điển dùng đỡ các mái vòm còn sót lại được xếp rải rác quanh đấu trường
 
 
Đá chính được dùng để xây dựng Colosseum là những khối đá vôi lấy từ mỏ đá ở Albulae gần Tivoli. Người xưa đã làm một con đường dài 20km dành riêng cho mục đích chuyển đá từ mỏ này về Rome. Ước tính 100.000m³ đá vôi đã được dùng xây dựng hệ thống tường bao ngoài. Các tảng đá này không liên kết bằng vữa mà bằng 300 tấn vòng kim loại. Lượng kim loại này đã được tháo ra từ lâu, để lại các vết ràng và lỗ tại mặt ngoài các phiến đá của Colosseum. Ngoài ra, còn hàng loạt các vật liệu khác cũng được kết hợp trong công trình như đá tạo thành từ tro núi lửa, gạch nung, bê tông, vôi với một khối lượng tương đương. Các nhà khảo cổ cho rằng người xưa đã sử dụng các loại vật liệu đa dạng nhằm hỗ trợ và liên kết các vật liệu với nhau, cải thiện tính đàn hồi của toàn bộ công trình, như những trụ cột được làm bằng đá hoa cương, tường xây vòng bằng đá vôi và đá tạo thành từ tro núi lửa, hầm được đúc bằng bê tông, các bức tường được trát vữa và sơn màu.  
 
 
 
Bản vẽ mô hình tổng thể của Colosseum tại bảo tàng Colosseum

Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống, số 96