Chiếu sáng cầu Rồng

Lượt xem: 15030
28/1/2021 14:00 - Chuyên đề
Tác giả: Bài Nguyễn Đình ảnh Nguyễn Quang Bình và ASA Studios

Vượt qua hơn 200 bài dự thi gửi đến từ khắp thế giới, công trình chiếu sáng kiến trúc cầu Rồng ở Việt Nam đã xuất sắc nhận giải Biểu dương đặc biệt do Hiệp hội các nhà thiết kế chiếu sáng chuyên nghiệp thế giới (ILAD) trao tặng tại Mỹ. Đây là lần đầu tiên một công trình chiếu sáng ở Việt Nam được vinh danh trên tầm quốc tế, mở ra nhiều cơ hội, góc nhìn và cách tiếp cận mới với ngành chiếu sáng Việt.

 
Nét đẹp lung linh của cầu Rồng về đêm đã trở thành một biểu tượng kiến trúc mới trên sông Hàn, Đà Nẵng
 
Một công trình đẹp, bề thế, mang tính biểu tượng cao nhưng nếu yếu tố chiếu sáng không được chú trọng, vẻ đẹp của công trình sẽ giảm thiểu đáng kể, chẳng khác gì “áo gấm đi đêm”. TS.KTS Trần Văn Thành – giám đốc thiết kế công ty ASA Lighting Design Studios – người thực hiện dự án chiếu sáng cầu Rồng trên sông Hàn ở Đà Nẵng đã chia sẻ như thế khi đề cập đến lĩnh vực chiếu sáng các công trình công cộng. 
Ở góc độ phát triển đô thị, cầu Rồng khi hình thành, đã đem lại một diện mạo mới cho Đà Nẵng, biến một khu vực ngoại vi trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đêm để xem ánh sáng của Rồng lung linh trên mặt sông. Ở Việt Nam, không có mấy công trình công cộng hiện đại lại có sức hấp dẫn và cuốn hút như cầu Rồng, nhiều hãng lữ hành khi tổ chức tuyến du lịch Đà Nẵng, đã đưa cầu Rồng vào danh sách điểm tham quan về đêm, nhất là những ngày cầu Rồng có trình diễn phun lửa, nước… Cầu Rồng có được những yếu tố đó, chính từ giá trị chiếu sáng, vẻ đẹp của Rồng được hiện thực hóa, định hình nên một nét đẹp mới của đô thị đang trên đà phát triển, kéo theo các dịch vụ đi kèm, cả về văn hóa, du lịch và mức sống người dân. 
Từ một linh vật không có thật, được thể hiện qua một công trình công cộng mang tính biểu tượng mới ở Đà Nẵng, cầu Rồng đã làm tròn vai ở hình ảnh ban ngày bởi nhìn vào kiến trúc, ai cũng biết đó là rồng. Đêm về, cầu Rồng cần một diện mạo khác, và để vẽ lên màn đêm một hình ảnh rồng vừa mang nét gần gũi, thân thiện, tạo nên sự thú vị nhưng không đánh mất đi vẻ linh thiêng vốn có, với những người thực hiện chiếu sáng cho công trình này thực là một thách thức lớn. 
TS.KTS Trần Văn Thành chia sẻ: “Trong lĩnh vực chiếu sáng, bối cảnh là điều quan trọng, cầu Rồng thể hiện được tính hòa hợp với môi trường sông nước, núi non của Đà Nẵng. Mặt sông như tấm gương phản chiếu, khiến cầu Rồng về đêm có cảm giác như rồng đang bay lượn trên mặt sông. Việc lựa chọn sắc màu trên thân rồng phải qua nhiều phương pháp thử – sai để tìm ra những gam màu hiền hòa, thân thiện, và hoàn hảo nhất, các chi tiết của rồng như râu, con ngươi trong mắt được giản lược, nhằm tạo sự gần gũi, thân quen, đồng thời biểu lộ thần thái của rồng khi đêm xuống”.
Mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa đều có cách cảm nhận và sử dụng chiếu sáng khác biệt, công trình chiếu sáng cầu Rồng mang tinh thần và phong cách chiếu sáng Á Đông, kết hợp với nét văn hóa bản địa là hình ảnh rồng, biến sự linh thiêng trở thành một biểu tượng gần gũi, hòa nhập cùng những bước tiến của xã hội, xây dựng nên một phương cách giới thiệu, bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa bản địa thông qua một công trình chiếu sáng công cộng. Cầu Rồng được giới chiếu sáng thế giới vinh danh, chính vì những đóng góp thú vị ấy. 
 
 
Sự thân thiện, gần gũi nhưng không mất đi vẻ linh thiêng của rồng, nhờ vào kỹ thuật chiếu sáng
 
 
Bản vẽ kỹ thuật và các chi tiết khi thi công lắp đặt thiết bị chiếu sáng cho cầu Rồng, tạo hình ảnh rồng lung linh như đang bay lượn trên sông nước
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 102

Các tin khác